Ngày 23/10, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu đồng thuận với việc sửa đổi Luật này với mong muốn việc khen thưởng phải khuyến khích được các cá nhân, tập thể tích cực làm việc hiệu quả và việc thi đua phải thực chất, tránh hình thức.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tập trung 4 chính sách lớn. Đó là hoàn thiện hệ thống thi đua; hoàn thiện hệ thống khen thưởng, hoàn thiện chế định, thẩm quyền và đặc biệt phân cấp triệt để công tác thi đua khen thưởng; hoàn thiện thủ tục hành chính tinh gọn. Luật sẽ được sửa toàn diện, bao trùm toàn hệ thống và các đối tượng, cân đối hài hòa khu vực công – tư, đảm bảo tính khóa học, phù hợp thực tiễn.
Bà Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng sẽ đảm bảo “thành tích đến đâu, khen thưởng đến đấy, có thành tích là phải được khen thưởng”. Cơ quan soạn thảo cũng giảm hình thức về khen thưởng, giảm lũy kế thành tích, tập trung khen thưởng khu vực tư, các tầng lớp nhân dân, ưu tiên cho người lao động trực tiếp như công nhân, nông dân, doanh nhân, chiến sỹ, người lao động sản xuất trực tiếp.
Dự luật đề xuất 6 loại hình khen thưởng: Khen thưởng theo công trạng, có thành tích thì khen đối với cả khu vực công và ngoài nhà nước; khen thưởng đột suất áp dụng trong trường hợp có thành tích là khen; khen thưởng theo phong trào thi đua, gắn mối quan hệ giữa phong trào thi đua với khen thưởng; khen thưởng theo niên hạn; khen thưởng theo cống hiến và khen thưởng đối ngoại.
Công tác thi đua phải thực tế hơn, tránh hình thức
Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo quy định hiện hành, Phó Thủ tướng là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Nhà nước về thi đua, khen thưởng, còn Thủ tướng là Chủ tịch Hội đồng thi đua, khen thưởng, Chủ tịch nước quyết định cuối cùng hình thức khen thưởng cao như huân, huy chương.
“Chúng ta tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân, giai tầng xã hội. Sự nghiệp cách mạng của quần chúng, chúng ta phải làm sao để việc thi đua thực tế hơn, tránh hình thức, việc thi đua phải thấm sâu từng cơ quan, đơn vị, tạo nên phong trào quần chúng”.
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
© Ảnh : Văn Điệp - TTXVN
Trong khen thưởng, người đứng đầu Nhà nước cũng chỉ ra có hiện tượng “chạy” thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm.
“Có không? Tôi nói là có, có một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng quá nhiều”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị việc khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy trình, phù hợp, chứ không phải chỉ chú trọng khen thưởng mà không chú trọng thi đua. Đặc biệt, cần phát động theo chuyên đề hàng năm, hàng quý, gắn với đề cao trách nhiệm, chống tiêu cực, tham nhũng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Chủ tịch nước đề nghị nên có hình thức tôn vinh cá nhân, tổ chức tuyến đầu và cả tuyến sau chống dịch. Vì khen thưởng có quyền lợi nhất định nên người đứng đầu Nhà nước cho rằng, cần có chế tài về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình thi đua, khen thưởng.