Tại họp báo thường kỳ của BNG Việt Nam hôm thứ Năm ngày 21/10, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ ngày 1/10 về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hiện nay Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vắc-xin của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việt Nam tạm thời công nhận mẫu hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ
Việc Việt Nam tạm thời công nhận mẫu hộ chiếu vắc-xin của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ là cơ sở để những giấy tờ này được phép sử dụng trực tiếp tại Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Danh sách 72 quốc gia và vùng lãnh thổ nêu trên được công bố trên Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tại địa chỉ: lanhsuvietnam.gov.vn.
Ba Lan, UAE, Hàn Quốc, Kazakhstan, Mông Cổ, Oman, Thái Lan, Romania, Nhật Bản, New Zealand, Brazil, Sri Lanka, Czech, Ma Rốc, Arabia Saudi, Đức, Liên bang Nga, Anh, Áo, San Marino, Iceland, Lào, Singapore, Bỉ, Tay Ban Nha, Đan Mạch, Mỹ, Italia, Bulgaria, Slovakia, Nauy, Thụy Điển, Israel, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Pakistan, Ai Len, Hy Lạp, Kuwait, Colombia, Hà Lan, Australia, Phần Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hungary, Belarus, Campuchia, Algerie, Indonesia, Nepal, Mexico, Bolivia, Croatia, Bồ Đào Nha, Turmenistan, Palestine, Qatar, Libya, Ai-Cập, Timor Leste, Ukraina, Philippines, Malaysia, Luxemburg, Argentina, Jordan, Brunei, Canada.
Những vấn đề bất cập
Mặc dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, nhưng vì vận tải hàng không có nhiều mối quan hệ liên ngành với nhiều lĩnh vực khác, nhất là du lịch, bao gồm cả trong nước và quốc tế cũng như các nhu cầu xuất/nhập khẩu và các lĩnh vực giao lưu, vận tải quốc tế khác nên bị phụ thuộc rất lớn vào an toàn chống dịch; trong đó, “hộ chiếu vắc-xin” có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, việc Việt Nam công nhận vắc-xin của các nước khác sử dụng cũng như các nước công nhận vắc-xin do Việt Nam sử dụng cũng là một nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để du lịch và vận tải hàng không phục hồi trở lại.
Nhưng, nhìn chung, còn có nhiều bất cập.
“Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, những người mang giấy tờ gọi chung là “hộ chiếu vắc-xin” sẽ được sử dụng trực tiếp tại Việt Nam và giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày chiếu theo hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 hoặc đã mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh. Việc “hộ chiếu vắc-xin" được sử dụng là một quyết định hợp lý, hợp lúc, nhưng tôi không cho rằng điều này sẽ giúp ngành du lịch được nhiều. Không ai muốn đi du lịch mà mất 7 ngày ở khu cách ly tập trung mà còn phải trả tiền cả. Hơn nữa, hiện nay chúng ta mới chỉ có thông báo của BNG, còn cơ chế thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn thì còn phải đợi. Các doanh nghiệp lữ hành chưa có bình luận gì khả quan về quyết định này”, - TS Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.
“Tôi cho rằng động thái trên của BNG là hợp lý, hợp thời, nhưng vấn đề là Việt Nam có đủ sức và lực để đảm bảo an toàn hay không? Các cơ sở y tế địa phương của chúng ta có đủ năng lực để đối phó với những tình huống có thể như chữa bệnh cho khách du lịch, nếu họ bị nhiễm COVID tại Việt Nam?”, - Chị Ngọc Anh, một người hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Nha Trang đặt câu hỏi trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Tất nhiên, không ai phủ nhận rằng, việc công nhận “hộ chiếu vắc-xin” lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia rất quan trọng. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Hộ chiếu “vắc-xin là "thẻ thông hành" quan trọng giúp Việt Nam sớm phục hồi các hoạt động đi lại quốc tế
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, BNG cho biết: Cục Lãnh sự cũng đã trao đổi với từng nước để công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vắc-xin và áp dụng các biện pháp nhập cảnh, y tế ưu đãi đối với người mang hộ chiếu vắc-xin từ bên này nhập cảnh bên kia.
“Cục Lãnh sự đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vắc-xin”, - Cục trưởng Cục Lãnh sự, BNG bà Nguyễn Thị Hương Lan nói.
Tính đến ngày 21/10, đã có 4 chuyến bay chở người mang hộ chiếu vắc-xin nhập cảnh Việt Nam và sắp tới, ngay trong tháng 10 này sẽ có 4 chuyến nữa. Nhìn chung, các địa phương và cơ quan đánh giá chính sách này mang lại hiệu quả khả quan.
Tại thời điểm hiện tại, theo thông tin của BNG Việt Nam, Nhật Bản và Anh đã sẵn sàng công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam và cho phép sử dụng tại hai nước này, Nhật Bản từ ngày 1/10/2021 và Anh từ ngày 11/10/2021. Các nước như Hungary, Mỹ, Ấn Độ cũng đang xem xét tích cực đề xuất công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với Việt Nam.
Theo Cục Lãnh sự, một trong những khó khăn trong quá trình đàm phán là Việt Nam chưa có mẫu hộ chiếu vắc-xin thống nhất trên toàn quốc. Hiện nay, các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam đang cố gắng tiến tới ban hành mẫu hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam với mã xác thực điện tử phù hợp với chuẩn quốc tế.
“Chúng ta có thể kỳ vọng vào việc sớm phục hồi các hoạt động đi lại quốc tế”, - TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
“Tôi cho rằng quyết định về việc công nhận “hộ chiếu vắc-xin” của Việt Nam là một cứu cánh không nhỏ để cho ngành hàng không và du lịch tăng nhanh đà phục hồi, không để lỡ nhịp với thế giới”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.