Những “ông lớn” nào đứng sau dự án điện khí LNG 2 tỷ USD ở Quảng Ninh?

Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh có trị giá hơn 2 tỷ USD đã chính thức khởi động, kỳ vọng sẽ bổ sung lượng điện thêm 9 tỷ kWh/năm cho lưới điện quốc gia của Việt Nam.
Sputnik
Đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG nhập khẩu tại miền Bắc, Việt Nam, công suất lên tới 1.500MW. Những “ông lớn” nào đứng sau dự án Nhà máy Điện khí LNQ Quảng Ninh?

Quảng Ninh khởi động dự án nhà máy điện khí LNG 2 tỷ USD

Ngày 24/10, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ công bố quyết định chấp thuận nhà đầu tư và thực hiện khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.
Dự án nhà máy điện khí LNG tại Quảng Ninh có kinh phí đầu tư hơn 47.480 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD) do Liên danh PV Power – COLAVI- Tokyo Gas và Marubeni cùng đầu tư.
Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, hướng đến 2030. Điểm đáng chú ý chính là xu hướng chuyển đổi sử dụng năng lượng “sạch hơn”. Cùng với 7 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động với tổng công suất 5.640MW, đây là dự án nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên tại Quảng Ninh, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh từ “nâu sang xanh”.
Giảm điện than, dừng nhà máy hạt nhân, Việt Nam chọn LNG và năng lượng tái tạo
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng một lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh tới dự sự kiện quan trọng này.
Như đã biết, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 60ha tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, là nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến 1.500 MW.
Quy mô đầu tư xây dựng gồm có 1 Nhà máy điện khí LNG công suất 1.500 MW, 1 bến nhập LNG cho tàu trọng tải 71.500 DWT, 2 bồn chứa LNG công suất 100.000 m3/bồn cùng hệ thống tái hóa khí.
Dự án kết nối giữa bến cập tàu và kho chứa LNG là tuyến ống dẫn LNG lỏng dài khoảng 3-3,5km, đấu nối nhà máy với hệ thống lưới điện quốc gia bằng tuyến đường dây 500 kV xây dựng mới dài khoảng 30 km từ nhà máy đến trạm 500 kV Quảng Ninh tại xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long, nguồn nhiên liệu chính của nhà máy là khí LNG nhập khẩu từ các nước xuất khẩu lớn trên thế giới như Australia, Qatar, Algeria, Nga, Mỹ... với sản lượng dự kiến 1,1 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động khai thác trong quý III/2027.
Đến thời điểm hoàn thành, dự kiến, dự án bổ sung lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Cụ thể, theo các nhà đầu tư, dự kiến khi đi vào hoạt động, Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.

Quảng Ninh chuyển đổi năng lượng theo mô hình từ “nâu sang xanh”

Phát biểu tại buổi khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, dự án nhiệt điện khí đầu tiên tại Quảng Ninh nói trên sẽ góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh từ “nâu” sang “xanh”.
Ở Việt Nam đề xuất từ bỏ điện hạt nhân thay bằng nguồn điện khí LNG
Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, dự án được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nhanh nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, đưa điện khí trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55 ngày 11/02/2020, đóng góp nguồn điện mới vào hệ thống điện quốc gia.
Đồng thời, nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh cũng thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh thành cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, là nguồn cung cấp nhiên liệu và năng lượng của quốc gia theo định hướng tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2622 ngày 31/12/2013.
“Với quan điểm, phương châm hành động "Hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của tỉnh", Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành với các nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, ông Nguyễn Tường Văn bày tỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn phát biểu tại buổi lễ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án điện khí LNG Quảng Ninh trong bối cảnh tài nguyên than cho nhiệt điện ngày càng khan hiếm, dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng sẽ tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp số thu ngân sách và nguồn cung việc làm ổn định trong giai đoạn tới.
“Đây cũng là hành động thiết thực của tỉnh Quảng Ninh thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ.

Ai đứng sau dự ánh nhà máy điện khí LNG tỷ đô ở Quảng Ninh?

Như đã thông tin, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt danh mục dự án đầu tư và thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là Liên danh nhà đầu tư Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty cổ phần Cơ khí và lắp máy Việt Nam (COLAVI), cùng với 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Tokyo Gas - Marubeni.
Như vậy, đứng sau dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh là tổ hợp 4 nhà đầu tư lớn của Việt Nam và Nhật Bản, từ Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty cổ phần Cơ khí và lắp máy Việt Nam (COLAVI JSC), Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni.
Tại sao Việt Nam chọn LNG của Mỹ?
Cũng tại lễ khởi động dự án ngày 24/10, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện trao Giấy chấp thuận đầu tư Dự án điện khí LNG Quảng Ninh cho tổ hợp nhà đầu tư PV Power - COLAVI - Tokyo Gas - Marubeni. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh phấn đấu hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư trong quý II/2022, tập trung nguồn lực triển khai thi công xây dựng nhà máy.
Trong đó, theo ông Văn, cần lựa chọn đầu tư dây chuyền thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến, đảm bảo môi trường, hoàn thành, đưa tổ máy số một vào phát điện trong năm 2026. Trong quá trình thi công, yêu cầu quản lý chất lượng, tiến độ cần bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật.
“Bên cạnh đó, vì đây là dự án quy mô lớn, phức tạp, nhà đầu tư cần thực hiện nghiêm túc các quy định và hướng dẫn chuyên môn của các bộ, ngành Trung ương”, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lưu ý.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh tin tưởng với kinh nghiệm, tiềm lực, uy tín và đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp, tâm huyết của các nhà đầu tư và sự ủng hộ của nhân dân vùng dự án, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Phát biểu tại sự kiện này, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT PV Power đã gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh đã luôn tạo điều kiện tốt nhất để liên danh 4 nhà đầu tư: PV Power, Colavi, Tokyo Gas và Marubeni có cơ hội tiếp cận dự án LNG Quảng Ninh.
Lãnh đạo PV Power cũng khẳng định quyết tâm của tổ hợp nhà đầu tư đưa dự án đi vào phát điện thương mại theo đúng kế hoạch đã đề ra. Trước đó, vào cuối năm 2020, PV Power, COLAVI, Tokyo Gas và Marubeni đã cùng ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án điện khí, trong đó có dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với mục tiêu “LNG Quảng Ninh – hợp tác – tiên phong”.
Cần khẳng định, theo lãnh đạo Quảng Ninh, cả 4 nhà đầu tư vào dự án điện khí LNG Quảng Ninh đều có kinh nghiệm và uy tín đáng tin cậy. Theo đó, PV Power - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam/PVN), hiện là nhà sản xuất điện năng lớn thứ 2 tại Việt Nam, đứng đầu trong lĩnh vực điện khí với 7 nhà máy có tổng công suất 4.205MW, vốn điều lệ hơn 23.000 tỷ đồng, hàng năm đóng góp vào lưới điện quốc gia khoảng 21 tỷ kWh điện.
Thực hiện Chiến lược phát triển đã được phê duyệt, PV Power hiện đang tập trung phát triển nguồn điện khí sử dụng LNG. Trước khi tham gia đầu tư vào dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, PV Power đã và đang quyết liệt triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, cũng là dự án điện sử dụng nhiên liệu LNG đầu tiên của Việt Nam. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II/2024.
Công ty JERA của Nhật Bản có kế hoạch cùng với ExxonMobil sản xuất điện từ LNG tại Việt Nam
Về phần Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (COLAVI JSC), đây là doanh nghiệp có tiền thân là Công ty CP Cơ khí Yên Thọ, hoạt động chủ yếu trong ngành gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại, được thành lập từ năm 2003. Tại Việt Nam, COLAVI chuyên thực hiện các dự án EPC, EP, PC, BOO thuộc lĩnh vực công nghệ tuyển quặng, vận chuyển khoáng sản bằng băng tải, đồng thời chế tạo kết cấu thép phi tiêu chuẩn, lắp máy đáp ứng nhu cầu dân dụng và các ngành công nghiệp nặng như sản xuất điện, xi măng, vật liệu xây dựng, luyện thép, cán thép.
Thực tế, COLAVI đã đảm nhiệm thiết kế và thi công nhiều tuyến tải vận chuyển khoáng sản phục vụ các nhà máy nhiệt điện phía Bắc, phần lớn hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh. Đáng chú ý, COLAVI đang làm chủ công nghệ băng tải vận chuyển vật liệu - phương pháp được tín dụng hiện nay bởi đem lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu khí thải môi trường. Một số đối tác chính của doanh nghiệp là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Vinacomin, Tập đoàn Hoa Sen Group và Tổng Công ty thép Việt Nam VNSteel.
Một trong những doanh nghiệp khí lớn nhất Nhật Bản - Tập đoàn Tokyo Gas được thành lập năm 1885, được đánh giá có vị thế quan trọng trong ngành khí toàn cầu. Tokyo Gas có nguồn LNG ổn định từ các dự án tham gia góp vốn tại Mozampich, Canada và Vịnh Mexico (Hoa Kỳ).
Ngoài kinh doanh khí, Tokyo Gas còn đầu tư vào các nhà máy điện. Năm 2017, Tokyo Gas mua 24,9% cổ phần của Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là nước thứ hai sau Malaysia mà Tokyo Gas mua cổ phần doanh nghiệp để tham gia phân phối khí gas. Vào tháng 8/2016, Công ty Tokyo Gas Asia, công ty 100% vốn chủ sở hữu của Tokyo Gas, cùng với Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV GAS), Tập đoàn Bitexco thành lập công ty có tên LNG Vietnam có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nhằm phân phối khí hỏa lỏng cho các khách hàng lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đối với nhà đầu tư Tập đoàn Marubeni, đây là một trong 5 tập đoàn thương mại lớn của Nhật Bản, hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, hóa chất và lâm sản, năng lượng và kim loại, dự án điện và nhà máy, máy móc vận tải và công nghiệp. Ngoài LNG Quảng Ninh, Tập đoàn Nhật Bản Marubeni này cũng đã tới Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất kế hoạch xây dựng một nhà máy điện khí LNG, sau 2 năm nghiên cứu.
Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 200ha, với tổng công suất 4.800 MW. Dự kiến dự án này có vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, quý II/2025 sẽ đưa vào vận hành thương mại, hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện trong khoảng 25 năm sau đó.

Quảng Ninh: Dự án hàng tỷ USD của Vingroup, cảng biển Vạn Ninh, sân golf Đông Triều

Cần nhấn mạnh rằng, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh chỉ là 1 trong 4 công trình trọng điểm, động lực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được khởi động, khởi công trong ngày 24/10, với tổng vốn đầu tư của 4 dự án trên 283 nghìn tỷ đồng.
Các dự án tỷ đô khác ở địa phương này khởi công trong ngày qua gồm Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại thị xã Quảng Yên và thành phố Hạ Long, dự án sân golf Đông Triều, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1).
Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh được đầu tư xây dựng trên diện tích 82,79ha, tại xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng, do Công ty CP Cảng Quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư. Thời gian đầu tư, xây dựng dự kiến trong 3 năm, hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV năm 2024.
JV Gazprom và Việt Nam có kế hoạch ra mắt nhà máy sản xuất LNG vào năm 2020
Dự án sân golf Đông Triều có diện tích 130ha thuộc địa bàn xã An Sinh, thị xã Đông Triều, do tập đoàn Tập đoàn Silk Path làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Quy mô dự án có một sân golf 27 lỗ theo tiêu chí sân golf quốc tế, phục vụ khoảng 800 khách/ngày. Trong đó, diện tích quy hoạch sân golf rộng 128,72ha, còn lại là hạ tầng giao thông. Dự án dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động trong quý III năm 2024 được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào ngân sách địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kích cầu các ngành, lĩnh vực khác.
Đáng chú ý, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa khởi động dự án Khu đô thị phức hợp đa năng Hạ Long Xanh với tổng mức đầu tư dự án dự kiến 232.369 tỷ đồng.
Đây là một trong những dự án phát triển đô thị có quy mô lớn nhất tại Quảng Ninh trong những năm gần đây, phạm vi ảnh hưởng đến 2 địa bàn có tốc độ phát triển năng động bậc nhất của tỉnh. Chủ đầu tư dự án là Liên danh Tập đoàn Vingroup và Công ty cổ phần Vinhomes.
Dự án khu đô thị phức hợp đa năng, mang bản sắc ven biển gắn với khu nghỉ dưỡng sinh thái, sân golf và dịch vụ được xây dựng trên diện tích 4.109,64ha (tại thị xã Quảng Yên là 3.186ha, TP Hạ Long khoảng 923,64ha), tiếp giáp với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, quy mô dân số khoảng 244.000 người. Dự án có thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, tiến độ thực hiện trong 10 năm.
Thảo luận