Hải quân Nga-Trung tuần tra chung: Một tín hiệu cho các cường quốc khác

Tương tác hải quân giữa các hạm đội của Nga và Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt sau khi liên minh quân sự Hoa Kỳ, Anh và Úc được tạo ra nhằm gây áp lực lên Nga và Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được thành lập. Trong tình hình đó, việc chứng minh Moskva và Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác và cùng bảo vệ lợi ích của mình là quan trọng.
Sputnik
10 tàu hải quân Nga, bao gồm tàu tổ hợp đo lường “Marshal Krylov”, các tàu chống ngầm cỡ lớn “Đô đốc Tributs” và “Đô đốc Panteleev”, và các tàu hộ tống thuộc dự án 20380 “Anh hùng Liên bang Nga Aldar Tsydenzhapov”, “Gromkiy” và các tàu của Hải quân Trung Quốc như tàu khu trục "Côn Minh" và "Nan Chang", các tàu hộ tống "Bin Zhou" và "Liu Zhou", cũng như tàu tiếp liệu "Dun Ping Hu" lần đầu tiên trong lịch sử đi qua eo biển Sangar (Tsugaru ) trong một cuộc tuần tra chung ở Thái Bình Dương. Các đoàn thủy thủ của các tàu đã thực hiện các bài diễn tập chiến thuật chung và thực hiện một số bài huấn luyện. Trong suốt hành trình, các tàu đã vượt qua hành trình hơn 1.700 hải lý. Trước đó, cuộc tập trận hải quân song phương Nga-Trung "Sea Interaction-2021" đã được tổ chức tại Biển Nhật Bản.

Nga-Trung tuần tra chung tại Thái Bình Dương: Không có vấn đề gì là bất thường

Nhiều năm qua, Hải quân Mỹ và một số quốc gia phương Tây cũng tiến hành tuần tra một bên hoặc tuần tra chung nhiều bên trên các vùng biển quốc tế hoặc các vùng biển thuộc chủ quyền của một trong các bên tham gia. Khi diễn ra các vụ cướp biển nghiêm trọng ở vùng biển Oman và cửa ngõ ra vào Hồng Hải, Hải quân Mỹ cũng phối hợp với hải quân của một số quốc gia tiến hành tuần tra chung thường xuyên để chống cướp biển.
«Họ chỉ cần nhấn nút». Dân Anh lo sợ trước động thái hợp tác của Nga-Trung
Trong những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc cũng phối hợp với Hải quân Việt Nam tiến hành một số cuộc tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ, nơi hai nước có biên giới chung trên biển đã được hoạch định bằng một hiệp định phân giới từ năm 1999. Hải quân Việt Nam cũng đã từng phối hợp với Hải quân Campuchia, Hải quân Thái Lan tiến hành tuần tra chung trên một số khu vực trên Vịnh Thái Lan.

“Việc lực lượng hải quân của các quốc gia có chung biên giới trên biển hoặc có hiệp ước hợp tác quân sự quốc phòng tiến hành tuần tra chung trên các vùng biển thuộc chủ quyền của họ hoặc trên các vùng biển quốc tế (không thuộc hải phận của nước nào) là điều hoàn toàn bình thường. Nếu các bên tham gia các cuộc tuần tra chung tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS-1982) về tự do và an toàn hàng hải và hàng không trên các vùng biển diễn ra các cuộc tuần tra đó thì không có vấn đề gì là bất thường”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận về sự kiện với Sputnik.

Một tín hiệu cả Nga và Trung Quốc muốn gửi đến Mỹ và phương Tây

Về khía cạnh chính trị-quân sự thì đây là một tín hiệu mà cả người Nga và người Trung Quốc muốn gửi đến Mỹ và phương Tây. Cuộc tuần tra chung lần này của hải quân Nga-Trung diễn ra trong bối cảnh ở phía Tây, các nước NATO gia tăng các hoạt động chống Nga như tập trận sát biên giới Nga, gây rắc rối ngoại giao khiến cho Nga phải rút phái bộ quân sự của mình khỏi Brussel và phía NATO cũng làm việc tương tự, làm cho “Hội đồng Nga-NATO” gần như bị vô hiệu hóa, căng thẳng gia tăng… Ở phía Đông, Mỹ cùng với Anh và Australia ký kết hiệp ước AUKUS, hình thành một liên minh kiềm chế Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bên cạnh bộ tứ QUAD gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia.
Nga và Trung Quốc lần đầu tiên tuần tra chung ở Thái Bình Dương
“Dĩ nhiên là người Trung Quốc không thể ngồi yên nhìn Mỹ và phương Tây “thắt sợi dây thòng lọng” quanh cổ mình. Họ cần tìm kiếm một liên minh chặt chẽ hơn với “người bạn phương Bắc” để chống lại các mối đe dọa có thể có từ Mỹ và phương Tây. Điều này hoàn toàn đáp ứng với mục tiêu “Đông Tiến” của Nga từ gần 10 năm về trước, sau khi Nga thu hồi Crimea và NATO tăng cường chính sách chống Nga”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm cho bình luận trong trả lời phỏng vấn của Sputnik.
“Còn nói về một liên minh quân sự chặt chẽ giữa Liên bang Nga với Trung Quốc ở thời điểm này thì có thể là hơi sớm. Mặc dù Mỹ và các nước phương Tây chưa có một động thái quân sự nào rõ rệt chống lại cả Nga và Trung Quốc nhưng các hoạt động gia tăng bất thường của Hải quân Mỹ và phương Tây ở Tây Thái Bình Dương buộc cả Nga và Trung Quốc phải đề cao cảnh giác”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng nói với Sputnik.
Cũng theo lời chuyên gia Nguyễn Hoàng, cuộc tuần tra chung của hải quân Nga và Trung quốc diễn ra ngay sau cuộc thi “CUP biển” trong khuôn khổ “Army Games 2021” cho thấy một tín hiệu mà cả Nga và Trung Quốc muốn gửi đến Mỹ và phương Tây là: “Đừng gây hấn thêm nữa ! Chúng tôi đã có các biện pháp đề phòng và sẽ không hoạt động riêng rẽ!”.
“Sự kiện trên cũng còn là một tín hiệu cho phía Mỹ thấy rằng chính sách lôi kéo Nga chống Trung Quốc hoặc lôi kéo Trung Quốc chống Nga như thời kỳ Richard Nixon thực hiện trong những năm Chiến tranh Việt Nam là bất khả thi”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Tuy nhiên, không loại trừ việc nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng các hoạt động chống Nga và Trung Quốc, gây thêm căng thẳng thì Nga và Trung Quốc sẽ gia tăng mức độ liên kết về chính trị và quân sự để loại trừ các mối đe dọa đến từ với đối thủ chung của họ.

“Tương tác hải quân giữa các hạm đội của Nga và Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt sau khi liên minh quân sự Hoa Kỳ, Anh và Úc được thành lập (AUKUS). Khối AUKUS, theo các chuyên gia đánh giá, được tạo ra nhằm gây áp lực lên Nga và Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong tình hình như thế, việc chứng minh Moskva và Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác và cùng bảo vệ lợi ích của mình là rất quan trọng. Việc tuần tra chung của các hạm đội Nga và Trung Quốc ở Thái Bình Dương là một trong những hình thức thể hiện điều đó”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Minh phát biểu đánh giá của mình với Sputnik.

Thảo luận