Sáng 26/10, Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và 39 và các hội nghị liên quan đã khai mạc dưới sự chủ trì của Brunei trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các hội nghị này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
ASEAN nỗ lực phục hồi kinh tế sau COVID-19
Với chủ đề "Chúng ta quan tâm, chúng ta sẵn sàng, chúng ta thịnh vượng," các hội nghị ASEAN dự kiến thảo luận một số vấn đề trong đó có tăng cường hơn nữa khả năng của Cộng đồng ASEAN hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, củng cố sự sẵn sàng của ASEAN trong việc giải quyết những thách thức chung, nắm bắt cơ hội mới để theo đuổi sự thịnh vượng chung; đồng thời duy trì hợp tác để đạt được những mục tiêu dài hạn của khu vực.
Đây sẽ là dịp đầu tiên trong năm 2021, Lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi và chỉ đạo về chính sách, cũng như quyết định tất cả các vấn đề then chốt liên quan đến thực hiện các mục tiêu của ASEAN.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, nên năm nay, 2 Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức đồng thời. Bởi vậy, chuỗi hội nghị lần này sẽ là sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39 dự kiến sẽ công bố, thông qua, ghi nhận tới hơn 100 văn kiện, bao trùm nhiều lĩnh vực ở cả 3 trụ cột hợp tác của ASEAN.
Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39 và các hội nghị liên quan năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Dù dịch bệnh COVID-19 vẫn chi phối nhưng tình hình đã khác năm 2020. Thời điểm này, vaccine đang được phủ rộng, các nước trên thế giới đang từng bước mở cửa, các nước ASEAN đã học cách thích nghi tốt hơn với đại dịch. Tình hình mới đặt ra những thách thức mới cho ASEAN, đồng thời cũng đặt ra những kỳ vọng lớn vào đợt hội nghị quan trọng lần này của khối.
Những kỳ vọng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39
Các quốc gia ASEAN vừa trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Lúc này, việc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, ngăn chặn sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang là thách thức rất lớn, chưa kể đến việc dịch bệnh còn có thể phức tạp trở lại trong mùa đông tới đây.
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự báo sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2022 cũng đang đặt ra những thách thức như liên kết kinh tế, hình thành các chuỗi cung ứng nội khối, thích nghi với thị trường rộng lớn hơn.
Về mặt địa chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu rộng và dưới nhiều hình thái mới là nhân tố có thể tác động tới cân bằng chiến lược ở khu vực.
Trong khối, tình hình Myanmar, biển Đông còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường an ninh chung. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống khác tiếp tục nảy sinh sau đại dịch.
Một lần nữa, những thách thức này đòi hỏi ASEAN cần giữ vững lập trường nguyên tắc, duy trì vai trò trung tâm và độc lập của mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Thách thức càng lớn bao nhiêu thì kỳ vọng vào kết quả thực chất từ Hội nghị lần này lại càng nhiều bất nhiêu.
Bên cạnh đó, cũng đang có nhiều kỳ vọng đối với Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF), Khuôn khổ nhấn mạnh 5 chiến lược mà ASEAN dự kiến sẽ tập trung là Nâng cấp hệ thống y tế; Tăng cường an toàn cho người dân; Tối đa hóa tiềm năng của thị trường nội khối ASEAN và hội nhập kinh tế rộng hơn; Đẩy mạnh Chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện và Tiến tới một tương lai bền vững và dễ phục hồi hơn.
Việt Nam cùng ASEAN vượt qua khó khăn
Là một thành viên tích cực và chủ động, trước bối cảnh và những thách thức hiện nay, Việt Nam đã chuẩn bị tốt và tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39 và các hội nghị liên quan với chủ trương "Đóng góp chủ động, ứng xử tích cực và sẻ chia trách nhiệm", hướng tới vai trò nòng cốt, dẫn dắt trên các lĩnh vực.
Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn với những thách thức chưa từng có đối với ASEAN. Dù vậy, Việt Nam tin tưởng, chương trình nghị sự tại Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39 sẽ mang lại những kết quả thực chất, giúp tăng cường khả năng phục hồi của Cộng đồng ASEAN, nâng cao khả năng sẵn sàng của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức chung và nắm bắt các cơ hội để theo đuổi sự thịnh vượng chung, đạt được các mục tiêu dài hạn của khối.