Bắc Kinh và Washington nhất trí tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô trong tình hình thế giới đang hồi phục sau khủng hoảng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen
© AP Photo / Evan Vucci
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng cường đối thoại song phương ngay sau khi Joe Biden nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ. Trong khi đó, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc không có sự chuyển đổi lớn nào. Ban đầu, Bắc Kinh đã kỳ vọng Washington sẽ có những bước đi tích cực hơn để bình thường hóa mối quan hệ song phương, vì theo các chính trị gia Trung Quốc, chính Mỹ là bên chịu trách nhiệm về việc mối quan hệ song phương đang trong tình trạng tồi tệ nhất. Tuy nhiên, chính quyền Biden vẫn giữ nguyên mức thuế được đưa ra dưới thời ông Trump đối với các sản phẩm Trung Quốc và tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc.
Lập trường của Mỹ rất đơn giản: Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ kinh tế, công nghệ, địa chính trị và quân sự chính của mình. Do đó, cuộc đối đầu với Bắc Kinh sẽ được thực hiện trên bình diện rộng nhất có thể. Nhưng, ở đâu có lợi cho Hoa Kỳ, Washington sẵn sàng hợp tác: chẳng hạn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hoa Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc (cũng như bản thân Hoa Kỳ) là nguồn phát thải khí CO₂ lớn nhất thế giới. Vì vậy, vấn đề biến đổi khí hậu không thể được giải quyết mà không có sự tham gia của Trung Quốc.
Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu John Kerry là một trong số ít các quan chức Hoa Kỳ đã mấy lần sang Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 và đã có các cuộc gặp trực tiếp với đồng nghiệp Trung Quốc. Vào tháng 9 năm nay, trong thời gian chuyến thăm tiếp theo của ông Kerry, phía Trung Quốc đã nói rõ: hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là có thể thực hiện được, nhưng chỉ với điều kiện ổn định lại quan hệ song phương. Tức là không thể tương tác hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khi vẫn tồn tại sự đối đầu gay gắt trong các lĩnh vực khác. Chắc là ông Kerry đã truyền tải thông điệp này đến Washington bởi vì ngay sau đó Joe Biden và Tập Cận Bình đã có một cuộc điện đàm.
Cuộc điện đàm này đánh dấu sự khởi đầu của việc tăng cường hợp tác song phương
Mỹ đã có một thỏa thuận với Bắc Kinh để trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính công ty Trung Quốc Huawei. Sau đó phía Mỹ đã đưa ra những tuyên bố tích cực. Ví dụ, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã tuyên bố, Mỹ không muốn kinh tế bị tách khỏi Trung Quốc. Theo bà, Trung Quốc là một nền kinh tế rất lớn và Mỹ muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc. Đến lượt mình, Trung Quốc rất cần thị trường Hoa Kỳ. Vào tháng 10, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, Mỹ có thể dỡ bỏ một số mức thuế nhất định đối với các sản phẩm của Trung Quốc có ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng Mỹ.
Giám đốc tài chính của công ty Huawei, bà Mạnh Vạn Châu
© Sputnik / Aleksei Druzhinin
/ Trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, chuyên gia Wang Zhimin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu hóa và Hiện đại hóa thuộc Đại học Kinh tế Đối ngoại và Thương mại Trung Quốc lưu ý rằng, cuộc điện đàm giữa người đứng đầu Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Phó Thủ tướng Trung Quốc cho thấy rằng, Washington đã nhận ra sức tàn phá của quan hệ xấu với Bắc Kinh vượt khỏi tầm kiểm soát.
Lạm phát ở Hoa Kỳ là một vấn đề nghiêm trọng đe dọa làm chậm sự phục hồi kinh tế. Tính đến tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo rằng họ có thể bắt đầu từ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ. Vào tháng 11, nhiều khả năng khối lượng mua lại tài sản mỗi tháng của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẽ giảm 120 tỷ USD. Ở một mức độ nhất định, thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng thúc đẩy lạm phát tăng cao. Theo thống kê thương mại, khoảng 50% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc là hàng hóa trung gian. Điều này có nghĩa là mức thuế mà chính quyền Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm của Trung Quốc cuối cùng làm tăng giá thành phẩm mà người tiêu dùng Mỹ mua.
Trên thực tế, việc phối hợp các biện pháp kinh tế vĩ mô mà bà Yellen và ông Lưu Hạc đã trao đổi ý kiến, liên quan đến các vấn đề đảm bảo nền kinh tế phục hồi ổn định và kiềm chế lạm phát. Bắc Kinh và Washington nên duy trì các kênh liên lạc và, với tư cách là hai siêu cường, nên làm việc cùng nhau để khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng, chuyên gia Wang Zhimin nhận xét.
Vẫn còn rất nhiều vấn đề gai góc khó hòa giải trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Điều này được chứng minh bằng một tuyên bố khô khan của Bộ Tài chính Mỹ đã được đưa ra sau cuộc trao đổi qua điện thoại. Trong thông cáo về cuộc điện đàm, Văn phòng Bộ Tài chính nói rằng, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nêu lên các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm. Những vấn đề này là gì - ai cũng dễ dàng để đoán. Trước đây, các quan chức Mỹ, bao gồm cả Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, đã bày tỏ sự không hài lòng với “các hoạt động thương mại phi thị trường” của Trung Quốc, cũng như tiến độ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống Trump.
Những mâu thuẫn và khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ không thể được giải quyết ngay lập tức. Về phần mình, Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố rằng họ đang làm mọi thứ có thể để thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận thương mại, nhưng các điều kiện khó khăn về khách quan, bao gồm đại dịch COVID-19, sự gián đoạn trong hậu cần và sự biến động trên thị trường hàng hóa, tạo ra những trở ngại đáng kể. Tuy nhiên, việc tăng cường đàm phán giữa hai nước làm nảy sinh sự lạc quan thận trọng. Có vẻ như Washington bắt đầu hiểu rằng Hoa Kỳ không còn có thể ở trong thế “chỉ có một mình” khi đương đầu với những thách thức mà đất nước này và phần còn lại của thế giới phải đối mặt.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.