Chuyên gia Việt Nam cho rằng, đây là chiêu trò “bình mới rượu cũ” của Bắc Kinh. Hành động này một lần nữa cho thấy toan tính độc chiếm Biển Đông bằng đường lưỡi bò và các hoạt động dân sự của Trung Quốc.
Trung Quốc biên chế tàu tuần tra Hải Tuần 09
Ngày 23/10, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) đã đưa vào biên chế tàu tuần tra Hải Tuần 09 (Haixun 09) tại tỉnh Quảng Đông.
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc (CCTV) thông tin, Hải Tuần 09 là tàu tuần tra dân sự lớn nhất của nước này, được sử dụng để cung cấp nguồn tiếp tế chiến lược, bảo vệ “yêu sách chủ quyền hàng hải” của Bắc Kinh ở biển Bột Hải, biển Hoa Đông hay cả tiến tới là cả Biển Đông.
Cũng theo CCTV, Thời báo Hoàn cầu (Global Times), việc tàu Hải Tuần 09 được biên chế cho Cục Hải sự Quảng Châu đánh dấu con tàu tuần tra biển có trọng tải lớn nhất trang thiết bị tiên tiến dẫn đầu thế giới chính thức được đưa vào sử dụng.
Với chiều dài 165m, rộng gần 21m lượng choán nước tới 10.700 tấn, đây cũng là con tàu hiện đại nhất trong số tàu dân sự của MSA Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Bắc Kinh cũng đã có 2 tàu tuần tra cỡ vạn tấn là 2901 và 5901 do Cục Hải cảnh quản lý.
Hải Tuần 09 được trang bị súng phun nước, vòi rồng cực mạnh, hệ thống theo dõi, khả năng cứu hộ y tế và một boong đáp trực thăng. Theo thông tin mà truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa, Hải Tuần 09 được coi là “soái hạm”, chỉ huy tổng hợp hoạt động ở vùng biển sâu, có khả năng hành trình an toàn trong mọi vùng biển và tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp trong điều kiện biển động.
Ngoài ra, Hải Tuần 09 có thể giúp Bắc Kinh thực thi pháp luật trên không và trên biển cũng như cứu hộ trên phạm vi toàn cầu. MSA hy vọng đây sẽ trở thành một nền tảng thực thi pháp luật quan trọng, điều phối cấp cứu khẩn cấp và chống ô nhiễm trên biển của Trung Quốc.
MSA cho biết, với tư cách là thành phần quan trọng của hạm đội tuần tra trên biển quy mô lớn của Trung Quốc, Hải Tuần 09 khi được đưa vào sử dụng sẽ giúp tăng cường khả năng kiểm soát giao thông trên biển, đảm bảo ứng cứu khẩn cấp, hiện thực hóa sự ổn định của chuỗi cung ứng hậu cần, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Hải Tuần do Trung tâm Nghiên cứu và Thiết kế Tàu Trung Quốc phụ trách, được Nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, đơn vị thành viên của Tổng Công ty đóng tàu Nhà nước Trung Quốc thi công, chế tạo.
Hải Tuần được phía Trung Quốc khởi công đóng từ tháng 5/2019, có chiều dài tổng cộng 165 mét, chiều rộng 20,6 mét, chiều sâu 9,5 mét, lượng choán nước đầy tải 13.000 tấn, khả năng hành trình không dưới 10.000 hải lý/16 tiết (hải lý/giờ), tốc độ tối đa không dưới 25 hải lý/giờ.
Đáng chú ý, tàu được thiết kế để hoạt động ở vùng biển xa, khả năng tự duy trì trong 90 ngày, có thể đi thuyền an toàn trong điều kiện biển động cấp 9 và điều kiện gió cấp 12.
Hải Tuần 09 giúp Trung Quốc kiểm soát hàng hải
Hải Tuần còn được trang bị hệ thống cabin thông minh, hệ thống vòi rồng thông minh, thuyền cứu hộ, hệ thống theo dõi và thu thập bằng quang điện cũng như vận chuyển trực thăng.
Do có trung tâm dữ liệu hàng hải tiên tiến, “soái hạm” này có thể thực hiện kết nối mạng toàn cầu thông qua nhiều hệ thống vệ tinh gồm Beidou và thiết lập mạng lưới biên đội, các cụm kỹ thuật số, với nhận thức động thái, giám sát và cảnh báo sớm, xử lý thông tin, chỉ huy tích hợp, giám sát hàng hải, cũng như tham gia cứu hộ, bịt lỗ thủng, bơm nước, cấp cứu (thậm chí là đủ điều kiện tổ chức phẫu thuật cho người gặp nạn).
Tờ Bưu điện Nam hoa Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong dẫn lời ông Collin Koh, nhà phân tích an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore (RSIS) cho rằng, Cục Hải sự Trung Quốc đang nâng cấp hiện đại hóa đội tàu ứng phó khẩn cấp của mình.
“Điều này có thể giúp Bắc Kinh khẳng định sự kiểm soát trong khu vực, gồm cả thực thi các quy tắc hàng hải đối với tàu nước ngoài”, ông Collin Koh nhấn mạnh.
Trong khi đó, một cựu sĩ quan Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thì cho rằng, Hải Tuần 09 có thể di chuyển 180km mà không cần tiếp nhiên liệu, tham gia tiến hành các chiến dịch giải cứu và thực thi pháp luật, quy định hàng hải, điều khoản đánh bắt ở biển Bột Hải, biển Hoa Đông.
Riêng ở Biển Đông, vì khu vực này vốn nhạy cảm nên việc điều động Tuần Hải 09 sẽ có thể kéo theo nhiều chỉ trích, nghi ngại dẫn đến mâu thuẫn và đối đầu quốc tế.
Chuyên gia Việt Nam nói về toan tính của Trung Quốc với tàu Hải Tuần 09
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân (chuyên gia quen thuộc của Sputnik) đã chia sẻ nhiều quan điểm đáng lưu ý liên quan đến việc Cục Hải sự Trung Quốc MSA biên chế Hải Tuần 09 cho Cục An toàn Hàng Hải Quảng Đông quản lý, Cục Hải sự Quảng Châu vận hành.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Tâm, việc Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông, một cơ quan dân sự, được trang bị tàu tuần tra cỡ lớn và hiện đại như Hải Tuần 09 là hành động kiểu “bình mới rượu cũ”, nhằm tạo lớp vỏ mới cho các lực lượng vũ trang trên biển của nước này.
Hải cảnh (hay Cảnh sát Biển Trung Quốc – China Coast Guard) là lực lượng trực thuộc vũ cảnh của Quân đội PLA, được thành lập hồi tháng 6/2013 trên cơ sở hợp nhất nhiều đơn vị thực thi pháp luật trên biển của chính quyền Bắc Kinh, trong đó có Hải giám.
Đáng chú ý, trước khi bị sáp nhập vào lực lượng Hải cảnh, Hải giám Trung Quốc là lực lượng cảnh sát bán vũ trang thuộc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, có chức năng thực thi pháp luật và trật tự hàng hải trong lãnh hải cùng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), kể cả những vùng biển Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền như Biển Đông.
Trong cuộc chia sẻ với VnExpress, Đại tá Nguyễn Minh Tâm thẳng thắn cho rằng “Hải tuần thực chất là lực lượng Hải cảnh và Hải giám khoác áo dân sự”.
“Các lực lượng Hải giám và Hải cảnh của Trung Quốc từng để lại nhiều tai tiếng, nhất là vụ Trung Quốc đặt hạ trái phép giàn khoan HD-981 (Hải Dương 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014”, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân nói.
Cần nhấn mạnh rằng, lực lượng Hải tuần của Cơ quan Hải sự Trung Quốc khôn bị sáp nhật và được xác định là đơn vị dân sự, phi vũ trang. Tuy nhiên, Hải tuần vẫn thực thi một số nhiệm vụ giống Hải giám như kiểm soát trên biển, thực thi luật môi trường, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn theo phân công của Ủy ban An toàn Hàng hải Trung Quốc.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Tâm, Trung Quốc sử dụng từ Hải tuần (Haixun – PV) để đặt tên cho các con tàu mới đóng và coi đó là lực lượng mới, tuy nhiên, về bản chất, đây vẫn là tàu Hải giám với nhiệm vụ rộng hơn và cởi bỏ quân phục để khoác áo dân sự.
Chuyên gia cho rằng, việc đóng tàu Hải Tuần 09, thực hiện nhiệm vụ tuần tra hàng hải cỡ lớn, Trung Quốc đang tìm cách ngụy trang việc đưa lực lượng vũ trang ra ngoài biên giới của mình.
Toan tính độc chiếm Biển Đông
Giới quan sát lưu ý rằng, các tàu với lượng choán nước trên 7.500 tấn như Hải Tuần 01 hay hơn một vạn tấn như Hải Tuần 09 có nhiều chỗ trống trên boong cũng như trên khoang tàu, do đó, có thể thuận lợi bố trí vũ khí hạng nặng như hải pháp, ngư lôi, tên lửa diệt hạm, bom chìm, cùng các hệ thống điều khiển vũ khí. Vậy nên, lại càng dễ cải hoán thành “chiến hạm” thay vì một tàu dân sự theo đúng bản chất.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Tâm, việc đưa các tàu hải tuần vào hoạt động mà không tuyên bố rõ ràng về phạm vi, giới hạn vận hành cho thấy Trung Quốc cố tình tạo ra sự mập mờ như lúc ban hành luật hàng hải, có hiệu lực cách đây gần ba tháng.
“Hành động này một lần nữa cho thấy toan tính độc chiếm Biển Đông bằng đường lưỡi bò và các hoạt động dân sự của Trung Quốc”, ông Tâm nêu quan điểm.
Chuyên gia cũng lưu ý rằng, nguy cơ đụng độ giữa các tàu hải tuần của Trung Quốc với tàu thuyền nước ngoài, như ở Biển Đông sẽ tùy vào khả năng kiềm chế của các bên, “nhất là phía Trung Quốc”.
Chuyên gia Việt Nam cũng lưu ý rằng, nếu Trung Quốc giới hạn phạm vi hoạt động của tàu hải tuần trong các vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và từ bỏ câu chuyện tưởng tượng về cái gọi là “vùng nước lịch sử”, sẽ không xảy ra sự cố nào ngay cả khi tàu Hải tuần 09 được triển khai lâu dài ở Biển Đông.
“Tuy nhiên, nếu Trung Quốc khăng khăng đòi yêu sách chủ quyền phi lý với vùng biển nằm ngoài quy định của UNCLOS, họ sẽ tự chà đạp lên cam kết về đảm bảo an toàn, an ninh trên biển của mình”, Đại tá Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.