Quốc hội bàn cách gỡ vướng vấn đề khen thưởng, ‘giải cứu’ điện ảnh nước nhà

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), còn chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Sputnik
Tiếp tục kỳ họp 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số điểm của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận về Luật Điện ảnh.

Gỡ vướng vấn đề thi đua, khen thưởng

Sau 17 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng, có không ít vấn đề vướng mắc cần được giải quyết khi sửa đổi luật, mà một trong số đó là việc khen thưởng đối với đại biểu dân cử và bổ sung hình thức khen thưởng đối với thanh niên xung phong.
Trên thực tế, từ khi thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng đến nay, xuất phát từ vị trí, chức năng và tổ chức của Quốc hội, chưa có hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội.
Để giải quyết vướng mắc trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 353/2017/NQ-UBTVQH quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội đã quy định cụ thể vấn đề này. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đề nghị khen thưởng cho đại biểu chuyên trách ở địa phương vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh phát biểu.
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 8 chương và 98 điều. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 18 điều nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; sửa đổi, bổ sung 53 điều với nhiều nội dung mới để đảm bảo bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị, đồng thời cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước.
Đáng chú ý, dự án luật bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội.
Dự thảo luật đã bổ sung quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền; sửa đổi, bổ sung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Quốc hội bàn về cơ chế, chính sách phát triển đặc thù của 4 tỉnh, thành phố

Tạo khuôn khổ pháp lý cho điện ảnh phát triển

Thực tiễn sau 15 năm thi hành Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho thấy nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan.
Việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và mạng xã hội đã tác động, làm thay đổi cả về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân, đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật.
Dưới sự tác động của các nền tảng công nghệ, đặc biệt là nền tảng số, mạng xã hội, trong những năm gần đây, ngành Điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh không chỉ góp phần làm phong phú thêm tinh thần người dân, mà còn xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Trong bối cảnh đó, Luật Điện ảnh năm 2006 hiện hành, vốn chỉ thiết kế cho tiếp cận phim, điện ảnh trên nền tảng truyền thống được ví như một chiếc áo quá chật trên một cơ thể đang lớn nhanh.
Kể từ khi có hiệu lực từ năm 2007, Luật Điện ảnh năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh nước nhà phát triển. Doanh thu điện ảnh trong những năm gần đây đã tăng trung bình khoảng 2 triệu USD.
Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm gần đây, khi làn sóng kỹ thuật số phổ cập toàn bộ ngành Điện ảnh, đi cùng với "trăm hoa đua nở" các nền tảng phân phối phim trực tuyến, vấn đề khai thác, phổ biến phim trên mạng Internet, xem phim trên các thiết bị cá nhân đã trở thành những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh hiện hành. Đi cùng với đó là vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh…
Các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định, phát sinh giấy phép chồng chéo, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, nhà sản xuất. Trong khi đó, xu thế hợp tác làm phim đa quốc gia ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho việc quảng bá hình ảnh quốc gia, du lịch…
Điện ảnh Việt Nam sẽ càng khó khăn trong những năm tới
Những bất cập, hạn chế trên đã tạo nên một bức tranh phát triển khập khiễng giữa chính sách và thực tiễn của ngành điện ảnh Việt Nam; hay nói cách khác là cơ thể đang lớn nhanh của điện ảnh Việt Nam đang cựa quậy, khó khăn trong chiếc áo pháp lý quá chật, cần một chiếc áo mới đủ rộng để phát triển.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Chương VI về Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh bao gồm 2 mục, là chương mới so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Dự thảo Luật đã loại bỏ “phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện” vì: Dự thảo Luật đã quy định điều kiện chung để tiến hành các hoạt động phát hành phim cần tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ; Phim xuất khẩu phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng, phim nhập khẩu phim phải đảm bảo không vi phạm khoản 1, Điều 10 .
Do vậy, quy định điều kiện kinh doanh đối với phát hành phim là không cần thiết đồng thời việc bỏ điều kiện sẽ khuyến khích lĩnh vực phát hành phim phát triển.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận.
Thảo luận