Sáng 30/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành họp thảo luận trực tuyến phiên toàn thể về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Tại đây, nhiều ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới vì đã có đầy đủ cơ sở; tạo động lực tăng trưởng, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết để tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, bền vững.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), cả nước sẽ đối diện nhiều thách thức. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải thích ứng an toàn với diễn biến dịch bệnh Covid-19. Ông Ngân cũng nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rộng lớn nên có thể chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những yếu tố bất định.
Thời gian qua, nhiều nước tung ra nhiều gói kích thích kinh tế làm tăng tổng cầu. Bên cạnh đó, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do dịch bệnh làm cho giá cả hàng hoá tăng cao khiến lạm phát tăng mạnh.
Ông Trần Hoàng Ngân đề xuất Chính phủ sớm can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Đại biểu đoàn TP.HCM cho hay: “Giá xăng dầu đang tăng rất nhanh trong khi hiện nay chúng ta đang có dư địa, công cụ như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên”.
Xác định những “nút thắt” của mỗi ngành, địa phương để cơ cấu lại nền kinh tế
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng, 10 năm qua, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả như vừa qua. Nền kinh tế phát triển ổn định, có tốc độ phát triển cao, đời sống nhân dân được nâng lên một cách rõ rệt.
“Trước biến động của nền kinh tế thế giới, tình hình dịch bệnh, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để ổn định quan trọng nhất,chúng ta phải nâng cao nội lực nền kinh tế, phát huy khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước. Cùng với đó, nâng cao vai trò điều tiết của nhà nước bằng các công cụ chính sách”, ông Đào Hồng Vận chia sẻ.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, nên tập trung tháo gỡ “nút thắt” của nền kinh tế, của ngành, của địa phương mình, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, khả thi để khơi thông, tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững. Đồng thời, phải giải quyết được mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển.
“Tôi đề nghị như thế bởi vì nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những “nút thắt” thì như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được những điểm nghẽn”, đại biểu đoàn Tây Ninh nói.
Đưa ra nhận định này, đại biểu nêu ví dụ về ngành điện hiện đang chứng kiến những mâu thuẫn lớn.
“Chỉ một thay đổi về chính sách, đất nước chúng ta từ chỗ luôn lo lắng về thiếu điện giờ đã dư điện. Những nơi đã phát điện lại phải cắt giảm công suất phát điện, lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực của xã hội”, ông Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.
Đại biểu đề nghị, trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp thì sẽ tìm và tháo gỡ được những khó khăn nội tại.