Lợi nhuận của Petrolimex giảm mạnh, Trung Quốc mua đến 90% sắn Việt Nam

Lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – PLX) giảm mạnh đến 91% trong quý 3, sản lượng kinh doanh xăng dầu chỉ bằng 77% so với cùng kỳ năm 2020.
Sputnik
Tin tức kinh tế, kinh doanh thương mại ngày 1/11 cũng cho thấy, đang có diễn biến bất thường trên thị trường đường với động thái “né thuế” đáng ngờ của các sản phẩm đường xuất xứ Thái Lan, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, trong khi Trung Quốc mua đến 90% lượng sắn (khoai mì) xuất khẩu của đất nước Đông Nam Á này.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 35,5 tỷ USD, nhưng Bộ Công Thương đề nghị sớm vận hành hệ thống cảnh báo, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, tránh bị điều tra phòng vệ thương mại.

Sắn Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy điều bất thường. Trung Quốc mua đến 90% sản lượng sắn (khoai mì) của Việt Nam và mặt hàng xuất khẩu này của Hà Nội đang phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh.
Theo Tổng Cục Thống kê, riêng trong tháng 9/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 199.680 tấn, trị giá 88,07 triệu USD, tăng 5,7% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với tháng 8/2021.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 441 USD/tấn, tăng 11,6% so với tháng 9/2020.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,15 triệu tấn, trị giá 856,42 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 26,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
“Trong tháng 9/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn là nhiều nhất, chiếm 90,1% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 179.910 tấn, trị giá 80,5 triệu USD, so với tháng 9/2020 tăng 5,5% về lượng và tăng 20,3% về trị giá”, Tổng Cục Hải quan thông tin.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 2 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 796,18 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 29,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Dù diễn biến thị trường có khởi sắc, nhất là sản lượng và giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhưng theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, hiện nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo EVFTA, tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan (0%) đứng thứ hai sau lúa gạo, với số lượng là 30.000 tấn/năm.
“Việt Nam vẫn chưa tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản”, Tổng Cục Hải quan nhận định.

VSSA cảnh báo đường nhập khẩu né thuế đổ vào Việt Nam

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa lên tiếng cảnh báo việc đường nhập khẩu né thuế ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Đường mía
Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu rõ, việc nhập khẩu đường đang có diễn biến bất thường. Đường từ Thái Lan “quá giang” Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia rồi tuồn vào Việt Nam để lẩn tránh thuế. Trước đó, cả 5 quốc gia này chưa từng xuất khẩu đường sang Việt Nam.
“Có dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan”, VSSA nhận định.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký VSSA cho hay, đường Thái Lan đã được chuyển sang các nước láng giềng để bán vào Việt Nam với số lượng cực lớn. Lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam lý giải nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là do Bộ Công Thương đã tiến hành áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm mía đường xuất xứ từ Thái Lan.
Vượt Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Campuchia
Việt Nam trước đó đã quyết định áp thuế tạm thời 48,88% đối với đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô, gồm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của các công ty sản xuất, xuất khẩu Thái Lan.

Những thành công đáng mừng của nông nghiệp Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có báo cáo cho biết, 9 tháng năm 2021 này, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dây chuyền chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ở nhà máy của Công ty CP đầu tư phát triển đa quốc gia tại tỉnh Đồng Tháp
Cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ, mây tre đan là những mặt hàng, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao của Việt Nam.
Mỹ vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt, theo Bộ Nông nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm, giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 10,2 tỷ USD, vượt xa thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với gần 6,8 tỷ USD.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 của Hoa Kỳ với 30.000 tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng rau, quả, gạo, thủy sản, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu cũng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Trong ảnh: Chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao tại Hợp tác xã cà phê Bích Thao (Sơn La). Ảnh: TTXVN
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cũng muốn đưa xuất khẩu chăn nuôi vào nhóm ngành tỷ đô. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, dù gặp nhiều khó khăn khách quan nhưng số liệu thống kê cho thấy sản lượng thịt, trứng, sữa rất lớn, năm 2021 ngành chăn nuôi sẽ đạt mục tiêu 5,8 triệu tấn thịt các loại, 1,2 triệu tấn sữa và 16 tỷ quả trứng.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Chính phủ phê duyệt triển khai 5 dự án lớn. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khoảng 60%”, ông Tiến cho biết.
Hiện tại, tỷ lệ thịt, trứng, sữa chế biến còn rất thấp chưa có nhiều chủng loại sản phẩm phù hợp với từng thị trường, vùng miền, công nghệ chế biến còn hạn chế.
“Nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị, Việt Nam sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam khẳng định.
Đối với nền nông nghiệp Việt Nam, theo ông Tiến, thời gian tới, cần có sự chuyển dịch trong thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp nông nghiệp trở thành ngành tăng trưởng bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đóng góp khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn phải đối mặt với các yếu tố bất lợi khác như dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước, cước vận tải tăng cao, sự kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu.

Tại sao hàng Việt Nam bị tăng điều tra phòng vệ thương mại?

Liên quan đến việc số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại tăng nhanh thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, nguyên nhân là do xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cùng với đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bất chấp đại dịch Covid-19 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng
Ông Khánh cũng chỉ ra một nguyên nhân khác là xuất phát từ tác động của dịch Covid-19 đến nhiều nền kinh tế, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân.
“Nhờ sự quyết liệt trong phòng chống dịch, Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng trên nhiều lĩnh vực; trong đó, có xuất khẩu. Vì thế, không ít quốc gia đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất, nhất là các nước vẫn duy trì xuất khẩu tốt như Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh cộng với chính sách bảo hộ của một số thị trường ảnh hưởng từ kinh tế thế giới sẽ khiến số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam dự kiến lớn hơn trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai vận hành hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó kịp thời với các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Lợi nhuận Petrolimex giảm mạnh

Báo cáo tình hình kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex -PLX) cho thấy, lợi nhuận quý 3 giảm mạnh – 91%, xuống thấp nhất trong hơn 1 năm qua.
Theo đó, sản lượng kinh doanh xăng dầu quý III/2021 chỉ bằng 77% so với cùng kỳ 2020 do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ tư và quãng thời gian phong tỏa nghiêm ngặt ở nhiều địa phương.
Các đơn vị thành viên, công ty con của Petrolimex trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay, kho bãi, hóa dầu cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19.
Tuy vậy, nhờ mặt bằng giá xăng dầu quý 3 năm nay cao hơn hẳn so với quý III năm ngoái nên doanh thu thuần của Petrolimex vẫn tăng trưởng 26% lên 34.625 tỷ đồng.
"Petrolimex đừng dọa Nhà nước!"
Mặc dù vậy, lợi nhuận gộp của PLX giảm tới 35% còn 2.036 tỷ đồng. Điều này cho thấy, giá vốn hàng tồn kho của Petrolimex trong quý vừa qua cao hơn hẳn so với cùng kỳ.
Phía Petrolimex cho hay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm nhưng không đủ để bù đắp sự đi xuống của lãi gộp. Đồng thời, đóng góp từ các công ty liên doanh liên kết cũng sa sút.
Do đó, lãi sau thuế quý 3/2021 của Petrolimex giảm hơn 91% so với quý III/2020, chỉ còn gần 80 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của Petrolimex kể từ sau khoản lỗ hơn 1.800 tỷ trong quý I năm ngoái.
Lũy kế ba quý đầu năm, Petrolimex báo cáo tổng doanh thu 119.812 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và thực hiện gần 89% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 2.952 tỷ, cao gấp 15,3 lần cùng kỳ và hoàn thành 88% mục tiêu cả năm nhờ mặt bằng giá xăng dầu cao hơn ở Việt Nam và trên thế giới.
Thảo luận