Để đảm bảo an toàn dịch tễ lâu dài, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP rà soát nhu cầu vắc xin Covid-19 để tiêm cho người dân, đặc biệt là lên kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 3, 4.
Theo đó, để làm cơ sở cho việc phân bổ vắc xin trong tháng 10 - 12.2021 và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị liên quan căn cứ tình hình, kết quả triển khai tiêm chủng của địa phương và hướng dẫn về việc tiêm kết hợp vắc xin của Bộ Y tế để đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin trong tháng 10 - 12.2021 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Tiếp tục bao phủ mũi 1, mũi 2
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi, 16 - 17 tuổi; và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin cho những nhóm tuổi này; xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều (2 liều).
Trước đó vào ngày 31.10, thông tin từ Bộ Y tế cho hay, Việt Nam đã có hơn 107 triệu liều vaccine Covid-19 (kể từ tháng 2/2021 đến nay - PV). Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 75 đợt vắc xin với tổng số gần 105 triệu liều.
Đến trưa 31/10, cả nước đã tiêm được 81,5 triệu liều: có 32,8 triệu người tiêm 1 liều vắc xin và hơn 24 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 78,5% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là hơn 33,1% dân số từ 18 tuổi trở lên.
1 Tháng Mười Một 2021, 09:35
Theo đánh giá của Bộ Y tế, nhìn chung tình hình dịch được kiểm soát trên toàn quốc. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng lưu ý trong tuần qua, số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày có xu hướng tăng lên. Nhiều địa phương tiếp tục ghi nhận ca mắc trong cộng đồng và đã triển khai nhiều phương án để nhanh chóng kiểm soát dịch như: Hà Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ.
Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn nguy cơ diễn biến khó lường, dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp và giao lưu lớn.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bao phủ vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Chuyên gia đề xuất tiêm vaccine mũi 3 cho tuyến đầu chống dịch
Tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 đợt 4 vào chiều 30/10, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố đã có đề xuất tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 cho tuyến đầu chống dịch và nhóm nguy cơ cao trong tháng 11 và 12.
Tuy nhiên, điều này phải được UBND TP.HCM và Bộ Y tế đồng ý, thì mới công bố kế hoạch cụ thể. Theo chuyên gia của chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa khuyến cáo tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19, dù thực tế một số nước đã tiêm. chuyên gia này nhận định:
“Về nguyên tắc, đúng là tiêm vắc xin mũi 3 giúp củng cố hệ miễn dịch tăng khả năng phòng bệnh. Tuy nhiên, trong nước, việc này cần được cân nhắc thêm, vì phụ thuộc vào nguồn vắc xin tiếp cận và mức độ bao phủ vắc xin chung tại các địa phương”.
Ông Châu cho rằng trong đợt dịch thứ 4, chúng ta ưu tiên vắc xin cho TP.HCM và một số tỉnh thành có dịch bùng phát, hiện TP.HCM là một trong các địa phương đã có tỷ lệ bao phủ cao, trong khi còn khá nhiều tỉnh thành tỷ lệ bao phủ thấp hơn cần tăng độ bao phủ. Ông Châu nêu ý kiến:
“Các địa phương nếu huy động được nguồn vắc xin có thể cân nhắc việc tiêm mũi 3 và lựa chọn các đối tượng ưu tiên tiêm trước”.
Chia sẻ với đề xuất của TP.HCM về tiêm mũi 3 vaccine Covid-19, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng:
“Gần đây ghi nhận nhiều nhân viên y tế nhiễm Covid-19 tiếp. Do đó, nên tiêm nhắc lại mũi 3 cho nhóm này”.
Ngoài ra vào cuối tuần qua, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho hay các địa phương cần đạt độ bao phủ vắc xin theo lộ trình với người từ 50 tuổi (theo hướng dẫn về chuyên môn tại Quyết định 4800 ngày 14.10 của Bộ Y tế - PV).
Theo TS Hương, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ người 50 tuổi là yếu tố quan trọng để giảm tử vong trong dịch, nếu không đạt tỷ lệ này theo lộ trình thì phải nâng cấp độ dịch. Và khi nâng cấp độ dịch, chính quyền địa phương phải báo trước 48 giờ để người dân, doanh nghiệp có phương án ứng phó chuyển đổi với biện pháp chống dịch cấp độ cao hơn.