"Cắt bỏ ung thư cộng sản": Liệu nước Anh có phạm tội thảm sát ở châu Á?

Hơn nửa thế kỷ trước, một làn sóng thanh trừng đẫm máu quét qua Indonesia, về quy mô và mức độ tàn bạo có thể so sánh với sự khủng bố của Khmer Đỏ. Gần đây, có bằng chứng cho thấy Anh đã gián tiếp tham gia vào vụ thảm sát. Tuy nhiên, điều này khó có thể làm cơ sở không chỉ cho việc bồi thường, mà thậm chí là một lời xin lỗi.
Sputnik

Giống như Hitler và Thành Cát Tư Hãn

"Một chiến dịch tuyên truyền do Vương quốc Anh tổ chức đã kích động một trong những vụ thảm sát đẫm máu nhất trong nửa sau thế kỷ XX - vụ thảm sát những người cộng sản ở Indonesia", báo The Guardian viết, trích dẫn các tài liệu giải mật từ Văn phòng Hải ngoại, Bộ Ngoại giao Anh.
Vào đầu những năm 1960, Tổng thống Sukarno nắm quyền có tư tưởng chống Anh. Ông được Đảng Cộng sản Indonesia (CPI) ủng hộ. London và Washington lo sợ nước này sẽ xích lại gần Trung Quốc, nơi mà lúc đó Mao Trạch Đông đang cai trị.
Theo chỉ thị của chính quyền, các nhân viên tuyên truyền của Bộ Ngoại giao Anh đã đến Singapore. Từ đó họ tích cực hoạt động để phá hoại chế độ.

"Nhóm do Ed Wynn, 40 tuổi, lãnh đạo. Ông ta được hỗ trợ từ bốn cư dân địa phương, một đồng nghiệp cấp dưới và hai phụ nữ từ bộ phận nghiên cứu thông tin, thành lập vào năm 1945 để phản tuyên truyền của Liên Xô. Họ đóng cơ sở trong một tòa nhà hai tầng ở khu vực sang trọng và yên tĩnh", bài báo viết.

Truyền đơn, tờ rơi buộc tội Đảng Cộng sản Indonesia
Với sự hoạt động của nhóm, một đài phát thanh chỉ trích nguyên thủ quốc gia bắt đầu phát sóng tới Indonesia. Các quan chức cấp cao được cung cấp các tờ rơi, do những người di cư đứng tên phát hành. Trên thực tế, chúng đã được người Anh thực hiện. Để che đậy dấu vết, các tập truyền đơn đã được gửi từ Hồng Kông, Tokyo và Manila.

Một số tờ rơi viết: "Chúng tôi không kêu gọi bạo lực. Nhưng thay mặt cho tất cả những người yêu nước, chúng tôi yêu cầu cắt bỏ căn bệnh ung thư cộng sản. Đảng đang biến thành một con rắn bị thương. Đã đến lúc phải giết nó trước khi nó hồi phục", nội dung trong một số tờ truyền đơn viết. Những tờ khác nhắc đến Hitler và Thành Cát Tư Hãn, kêu gọi" xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản, nếu không, mối đe dọa đỏ sẽ lại bao trùm đất nước."

Kết quả là, chế độ đã bị tan vỡ và diễn ra cuộc đảo chính. Người Anh, như tờ báo viết, đã tích cực kích động người Indonesia "tiêu diệt tất cả các tổ chức cộng sản". Nếu không, như họ cam đoan, "quốc gia sẽ gặp nguy hiểm". Họ hành động chủ yếu thông qua các tướng lĩnh quân đội. Theo nhiều nguồn khác nhau, từ năm 1965 đến năm 1966, từ 500 ngàn đến ba triệu người, bằng cách này hay cách khác có liên hệ với cộng sản, đã bị sát hại. Quyền lực đã bị nhà độc tài Suharto chiếm đoạt, trị vì đất nước trong hơn ba mươi năm sau đó.
Sinh viên Indonesia biểu tình chống Tổng thống Sukarno, năm 1967
Bản thân Đảng Cộng sản bị cấm hoạt động vào năm 1966. Các cuộc thanh trừng trong quân đội và các cơ quan chính phủ bắt đầu ở Jakarta, lan sang Trung Java, quét qua Đông Java và Bali.

“Ở Anh, người ta có biết về các vụ thảm sát hàng loạt”, bài báo viết.

Mỹ cũng tham gia vào đó?

Theo các nhà báo, Washington cũng có liên quan. Có lẽ chính quyền Mỹ đã tiết lộ cho người Indonesia danh sách các quan chức bị nghi ngờ có liên hệ với cộng sản. CIA phủ nhận điều này. Mặc dù các nhà sử học địa phương nhấn mạnh vào một điều gì đó khác hơn.

“Mỹ đã tham gia sâu đến mức giúp quân đội địa phương thực hiện vụ thảm sát", Bradley Simpson, giám đốc phụ trách Tài liệu về Indonesia và Đông Timor tại Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết.

Trung Quốc muốn giúp Indonesia tiếp cận chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trong khu vực
Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ có một bản báo cáo của Robert McNamara, người lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng.

“Tôi tin rằng chương trình hỗ trợ quân sự của chúng tacho Indonesia trong vài năm qua đã góp phần vào định hướng thân Mỹ của quân đội và chống lại Đảng Cộng sản, - theo báo cáo gửi đến Lyndon Johnson, - Các vị trí chủ chốt đã được chuyển sang cho các sĩ quan được đào tạo tại Hoa Kỳ".

Yêu cầu sự ăn năn, nhưng sẽ không bị trừng phạt

Các nhà bảo vệ nhân quyền từ Tổ chức Ân xá Quốc tế ở Indonesia đang yêu cầu Tổng thống Joko Widodo mở lại cuộc điều tra "vì công lý và vì những người sống sót".
Con cháu các nạn nhân cuộc thanh trừng chống cộng sản cũng yêu cầu từ London một lời xin lỗi.
"Chúng tôi là nạn nhân và đang tức giận. Hòa giải là không thể nếu không có sự thật, vì vậy hãy mở ra điều tra! Tôi kêu gọi Anh, Mỹ, Úc và các quốc gia khác đã lợi dụng vụ thảm sát những người Indonesia vô tội hãy nhận trách nhiệm!", Bejo Untung - Giám đốc Viện nghiên cứu các sự kiện năm 1965-1966 tại Indonesia, khẳng định.
Tổng thống Cộng hòa Indonesia Muhammad Suharto, năm 1989.
Nhiều người đã chứng kiến tận mắt những sự kiện khủng khiếp. Cha mẹ của nhà bảo vệ nhân quyền Tari Lang đã bị bỏ tù vào thời điểm đó.
"Bất cứ ai có vẻ hơi tả khuynh đều bị bắt. Mọi người tránh xa nhau, nói chuyện thì thầm", Tari Lang nói.
Có rất nhiều người Hoa trong số các nạn nhân của các vụ thảm sát và thanh trừng.

“Những vụ sát hại đã để lại vết sẹo sâu trong lòng người dân Indonesia, và vẫn chưa lành cho đến tận bây giờ", theo bài báo trên tờ South China Morning Post cho biết.

Bộ Ngoại giao Indonesia từ chối bình luận các báo cáo về sự tham gia của London. Đại sứ quán Anh tại Jakarta cũng im lặng.
Tuy nhiên, ngay sau vụ bê bối, Thủ tướng Boris Johnson đã có cuộc gặp tại Glasgow với người đồng cấp Indonesia Joko Widodo và hứa sẽ tích cực đầu tư vào nền kinh tế xanh nhằm "hỗ trợ nước cộng hòa chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế". London cũng cho biết họ sẽ "chuẩn bị một gói tín dụng cho Indonesia". Các bộ ngành liên quan đã nhận được hướng dẫn lập danh sách các lĩnh vực ưu tiên.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 ở Glasgow, Vương quốc Anh.
Natalya Eremina, giáo sư Khoa Nghiên cứu Châu Âu thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Tổng hợp St.Petersburg, tin chắc sẽ không có ai bị trừng phạt trong việc này và Anh quốc sẽ không xin lỗi.

"Chính quyền địa phương tỏ ra không kiên trì. Nhưng đối với người dân Indonesia, điều quan trọng là mọi người phải biết về điều đó. Có rất nhiều ví dụ trong lịch sử về việc người Anh đã vi phạm nhân quyền như thế nào. Hãy nghĩ đến Ấn Độ. Chỉ là không phải tất cả sự thật đều được biết đến. London chắc chắn không thể tự gọi mình là một mô hình nên bắt chước học theo", nhà khoa học chính trị nói.

Chính quyền Anh không xác nhận sự liên quan của mình trong các sự kiện ở Indonesia, nhưng các nhà báo trích dẫn tuyên bố của Norman Reddaway, một trong những người sáng lập bộ phận nghiên cứu thông tin của Bộ Ngoại giao Anh. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1996, ông thừa nhận chính quyền đã phân bổ cho ông 100 000 bảng Anh để "làm mọi thứ có thể để loại bỏ Tổng thống Sukarno". Giờ đã hiểu rõ ý của ông trong cụm từ “làm mọi thứ có thể”, The Guardian kết luận.
Thảo luận