Tạm dừng máy in đô la, các quan chức tìm kiếm tiền cho kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ USD của Joe Biden "vào tương lai." Nhưng khi đó, những người giàu sẽ chỉ đơn giản là rời khỏi đất nước, cựu lãnh đạo Nhà Trắng Donald Trump tuyên bố. Sputnik tìm hiểu lý do vì sao không chỉ các tỷ phú phản đối ý tưởng này và họ xoay sở để trốn thuế ra sao.
Có thể không phải trả tiền
Các thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ý tưởng áp thuế đối với siêu lợi nhuận: đưa ra mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn kiếm được hơn một tỷ đô la. Dự luật này có thể ảnh hưởng đến khoảng hai trăm công ty khác nhau.
Đồng tác giả của sáng kiến, Thượng nghị sĩ Angus King, dự kiến sẽ thu được hơn ba trăm tỷ đô la cho ngân sách trong vòng mười năm. Điện Capitol muốn sử dụng số tiền này vào lĩnh vực xã hội và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, như lời kêu gọi từ chính Joe Biden. Việc thực hiện kế hoạch "đầu tư lịch sử vào tương lai" mà chính quyền tổng thống công bố vào cuối tháng 10, sẽ cần tới 1,75 nghìn tỷ đô la. Nhưng phải có cách lấy số tiền này từ đâu đó, trong khi nợ quốc gia của Hoa Kỳ gần như đã lên tới 29 nghìn tỷ và cứ mỗi phút trôi qua lại tăng thêm khoảng hai triệu.
Hiện nay thuế tối đa đối với các tập đoàn là 21%, đây là mức được hạ xuống vào thời Trump. Nhưng trên thực tế, các tỷ phú có thể không trả xu nào, và họ làm điều này hoàn toàn hợp pháp. Theo luật, giá cổ phiếu tăng không được coi là thu nhập cho đến khi tài sản được bán. Và lợi nhuận từ chứng khoán bị đánh thuế ở mức thấp hơn tiền lương.
Bản chất của cuộc cải cách là ngăn các tập đoàn giảm cơ sở thuế. Các tác giả của sáng kiến tin rằng nghĩa vụ thuế công ty tối thiểu phải là 15%. Họ cũng đưa ra mức thuế 23,8% đối với lãi vốn dài hạn trên tài sản giao dịch, cho dù tài sản này đã được bán hay chưa.
Nhà tư tưởng chính của dự án là Đảng viên đảng Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Ron Wyden, các đồng tác giả - Angus King và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, cũng từ Đảng Dân chủ.
Elizabeth Warren
© AP Photo / Matt Rourke
Thuế từ một đô la
Hồi tháng 6, ấn phẩm chuyên về điều tra báo chí ProPublica đã công bố một vụ rò rỉ thuế. Hóa ra trong 15 năm, chủ sở hữu của các tập đoàn hàng đầu đã giàu hơn bốn trăm tỷ đô la, trong khi chỉ có 13,6 tỷ được nộp vào ngân sách.
Ví dụ, người sáng lập Amazon, Jeff Bezos vào các năm 2007 và 2011, Elon Musk vào năm 2018 hoàn toàn không đóng thuế thu nhập. Musk hiện đứng đầu trong danh sách của Forbes với giá trị tài sản 270 tỷ USD. Bezos có 201 tỷ.
Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người tỏ ra phẫn nộ vì điều này. Một bình luận về dự luật nói rằng các công ty đang trút chi phí lên vai những người bình thường.
Các thượng nghị sĩ lấy ví dụ về Amazon: trong ba năm, công ty báo lãi 45 tỷ USD, nhưng nhờ các ưu đãi Amazon chỉ chuyển 4,3% vào ngân sách. Trung bình, người giàu trả thuế ở mức 15,8%, thấp hơn hầu hết người lao động.
Mức thuế phụ thuộc vào thu nhập và có thể đạt tới mức 39%. Nhưng theo luật định, lương của các tỷ phú thấp một cách kỳ lạ. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Mark Zuckerberg ở Meta và Larry Page ở Google chỉ nhận được một đô la mỗi tháng.
Họ sống bằng gì? Đi vay có bảo đảm bằng tài sản. Vì tiền thuộc về ngân hàng nên cơ quan thuế không coi đó là thu nhập.
Tiền dành để lên sao Hỏa
Elon Musk đã phản ứng trước sáng kiến lập pháp với tốc độ nhanh gần như vũ trụ. Ông khẳng định rằng vấn đề nợ nhà nước không thể được giải quyết theo cách này.
"Ngay cả thuế 100% đối với các tỷ phú cũng sẽ chỉ đủ để trang trải một phần số tiền này", - Musk viết trên Twitter.
Giống như các tác giả của sáng kiến, Musk kêu gọi những người Mỹ bình thường: "Rõ ràng, phần còn lại sẽ được lấy từ người dân. Đây là kiến thức toán học sơ cấp. Cuối cùng, họ sẽ hết tiền và họ sẽ đến tìm quý vị." Còn nguồn vốn của Musk, theo tuyên bố của ông, phục vụ cho sự tiến bộ của thế giới:
Elon Musk
© AFP 2023 / Nicholas Kamm
"Kế hoạch của tôi là sử dụng những khoản tiền này để đưa nhân loại lên sao Hỏa và bảo tồn ánh sáng của ý thức."
Donald Trump, người lần đầu tiên sau 25 năm không lọt vào danh sách của Forbes, cảnh báo: sẽ bắt đầu diễn ra cuộc tháo chạy vốn - bao gồm cả vốn tri thức.
"Quốc gia nào sẽ là nước hưởng lợi chính từ thuế tỷ phú? Những người giàu và các công ty sẽ đi đâu và bỏ lại nước Mỹ?" - Người phát ngôn của Trump, Liz Harrington dẫn lời ông trên Twitter.
Nhưng George Soros không tỏ ra phẫn nộ, theo Reuters. Năm 2017, ông là một trong những tác giả của bản kiến nghị lên Quốc hội yêu cầu không giảm thuế đối với của cải, vì nó sẽ làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội. Tài liệu này đã được bốn trăm doanh nhân đặt bút ký bên dưới.
Quá khó để thành công
Theo các nhà quan sát, dự luật chứa nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Không rõ làm thế nào để tính toán những thay đổi trong giá trị của bất động sản hoặc tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, việc khấu trừ từ thu nhập được tạo ra sau khi bán tài sản trái với những sửa đổi của hiến pháp.
Đồng tác giả của Bill, Elizabeth Warren chỉ ra rằng Nhà Trắng và Bộ tài chính Hoa Kỳ hỗ trợ sáng kiến này. Nhưng kể cả khi điều này là đúng thì cải cách có thể gặp phải sự phản kháng thậm chí sớm hơn, tức ở giai đoạn thảo luận tại Thượng viện.
Trước sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng viên Cộng hòa, đảng Dân chủ cần thỏa thuận gần một trăm phần trăm với nhau để thông qua dự luật. Nhưng trong chính đảng này cũng có những chia rẽ ý kiến. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders gọi thuế tỷ phú là "một bước đi đúng hướng", nhưng lưu ý rằng bước đi này không đủ để tăng ngân sách. Joe Manchin, một người theo chủ nghĩa trung tâm và liên tục chỉ trích kế hoạch của Biden thì gọi kế hoạch được đề xuất là không minh bạch.
Không phải luật, mà là quả bóng thử nghiệm
Tuy nhiên, tổng thống đương nhiệm và những người ủng hộ ông không thể từ bỏ những luận điệu mang tính định hướng xã hội. Do đó, rất có thể Biden sẽ cố gắng đạt được một thỏa hiệp.
Viktoria Zhuravleva, nhà nghiên cứu cấp cao tại IMEMO RAN, cho biết:
"Các bước đi sẽ được thực hiện thận trọng nhất có thể. Ông ấy cần những cử tri ôn hòa trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2022. Chưa chắc vị nguyên thủ quốc gia sẽ chịu lép vế trước áp lực của cánh tả. Nếu tài liệu này tới được lĩnh vực lập pháp sau đó sẽ là những cuộc thảo luận kéo dài, bởi vì "gần một nửa xã hội Mỹ coi ý tưởng này là điên rồ", – bà Zhuravleva nói thêm.
Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Hoa Kỳ mang tên Franklin Roosevelt tại Đại học Quốc gia Matxcơva, ông Yuri Rogulev, cũng không tin vào một cuộc cải cách nhanh chóng. Ông nhấn mạnh: đề tài đánh thuế vào các giao dịch của các tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ đã được bàn tới trong khoảng hai mươi năm nay.
"Đây không phải là luật sẵn có, mà là một quả bóng thử nghiệm. Có thể bán thân những người ủng hộ sáng kiến này cũng chưa thể đoán trước được kết quả. Nhưng những thay đổi là thực sự cần thiết", - nguồn tin cho biết.
Kể từ nhiệm kỳ tổng thống của Bush Jr., thuế ở Hoa Kỳ đã được giảm bớt. Trump chỉ tiếp tục xu hướng này.
"Nhưng đại dịch đã làm tê liệt cả chương trình và bản thân Trump. Giờ đây đã đến lúc cần hành động mạnh mẽ hơn", - ông Rogulev nói.