Mới đây, Tổ chức Đại học Pháp ngữ thông tin, 2 sáng kiến của sinh viên Việt Nam được đứng đầu trong 4 sáng kiến xuất sắc nhất của khu vực Châu Á. Hai dự án này đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến, khả năng hội nhập thị trường lao động của sinh viên tốt nghiệp thời kỳ hậu Covid-19.
Cụ thể, dự án thứ nhất hướng tới mục tiêu xây dựng khung pháp lý và cổng dữ liệu quốc gia về tài nguyên giáo dục mở trực tuyến dùng chung cho các trường đại học Việt Nam. Dự án do Trường Đại học Văn Lang chủ trì, với sự tham gia của Trường Đại học Mở Hà Nội, Đại học Thái Nguyên và trường Đại học Y Dược Hải Phòng, đồng thời được Bộ GD&ĐT Việt Nam trực tiếp hậu thuẫn và phối hợp thực hiện. Dự án này cũng được triển khai kết hợp với một dự án quốc tế do Bộ Ngoại giao Bulgaria tài trợ.
Về dài hạn, nền tảng này sẽ cho phép hỗ trợ các trường đại học chủ động triển khai giảng dạy trực tuyến, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khủng hoảng; góp phần nâng cao năng lực quản trị và đảm bảo chất lượng giảng dạy; xây dựng nguồn tài nguyên số chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.
Dự án thứ hai sẽ được triển khai tại Trường Đại học Hà Nội, nhằm mục đích nâng cao năng lực hội nhập nghề nghiệp cho sinh viên ngành ngoại ngữ theo định hướng chuyên ngành du lịch, đặc biệt khi phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo đó, sinh viên năm 3, 4 và sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành du lịch đã gặp phải rất nhiều trở ngại khi bước chân vào thị trường việc làm trong và sau đại dịch. Chính vì vậy, dự án này ra đời nhằm trang bị cho sinh viên chuyên ngành du lịch những năng lực cần thiết để gia tăng cơ hội tuyển dụng của bản thân sau khi tốt nghiệp.
Hai dự án trên nằm trong khuôn khổ Quỹ ứng phó Covid-19 được AUF triển khai lần thứ 2 kể từ năm 2020; cạnh tranh cùng 436 dự án của 236 trường đại học khác thuộc 60 quốc gia trên thế giới. Quỹ năm nay có tổng giá trị 1,2 triệu Euro nhằm hỗ trợ các sáng kiến của các trường đại học trong nhiều lĩnh vực như y tế công cộng, đổi mới giáo dục và tăng cường quản trị đại học trong thời kỳ khủng hoảng. Với Quỹ ứng phó Covid-19 này, AUF mong muốn tái khẳng định vai trò của khối đại học trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội.
4 Tháng Mười Một 2021, 16:02
AUF (tên đầy đủ trong tiếng Pháp là Agence universitaire de la Francophonie) là tổ chức đa phương hỗ trợ hợp tác và đoàn kết giữa các tổ chức đại học sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ giảng dạy. Được thành lập cách đây 60 năm, tổ chức này hiện có hơn 1.000 thành viên là các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu tại 120 quốc gia. AUF đồng thời là cơ quan thực thi về giáo dục đại học và nghiên cứu của Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp.
Dự án Việt duy nhất được vinh danh Sáng kiến đổi mới giáo dục toàn cầu 2022
Ngày 3/11, Tổ chức phát triển giáo dục quốc tế HundrED (Phần Lan) đã công bố 100 sáng kiến được vinh danh đổi mới giáo dục toàn cầu (100 Global Innovations 2022). Dự án “Tăng cường năng lực giảng dạy kỹ năng sống cho giáo viên mầm non với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin” (KidSkills) là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt.
HundrED cho biết, Việt Nam hiện có 5,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi nhưng giáo dục mầm non vẫn chưa được đầu tư mạnh mẽ. Giáo viên mầm non cũng chưa được trang bị đầy đủ các công cụ và nguồn lực cần thiết cho công việc của họ.
“Chúng tôi hình dung KidSkills như một phong trào nhằm trao quyền và truyền cảm hứng cho gần 400.000 giáo viên mầm non dạy kỹ năng sống trong các trường mẫu giáo ở Việt Nam và hơn thế nữa”, HundrED đánh giá.
Trưởng nhóm của dự án KidSkills là cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên khoa Công nghệ Thông tin – Giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Chia sẻ về dự án, cô Phương cho hay, từ cuối năm 2019, cô hình thành ý tưởng khi nhận ra sinh viên sư phạm mầm non chưa thực sự chú trọng lồng ghép rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ qua các bài dạy. Từ đó, quyết định đưa nội dung về kỹ năng sống làm chủ đề xuyên suốt quá trình dạy Tin học cho sinh viên sư phạm mầm non.
Theo dự án, với mỗi nhóm kỹ năng như giao tiếp, giải quyết vấn đề, tự lập, thoát hiểm, học sinh sẽ vận dụng khoảng 4-5 phần mềm để hoàn thành bộ học liệu cho trẻ (Paint dùng để làm thơ, tạo tranh ảnh theo chủ đề bài học, Word để soạn giáo án cho kỹ năng đó, PowerPoint để soạn giáo án điện tử…). Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Phương cũng giới thiệu bộ công cụ trong Office 365 để lưu trữ, viết nhật ký học tập, một số phần mềm cắt, ghép ảnh và chỉnh sửa video để giúp sinh viên thể hiện bài giảng phong phú hơn.
Tính đến tháng 4/2021, sau 15 tháng hoạt động, dự án KidSkills đã hỗ trợ trực tiếp hơn 2.500 thầy cô, giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống và các phương pháp giảng dạy mới mẻ.
HundrED là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế và được thành lập nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục toàn cầu thông qua phát hiện các sáng tạo, đổi mới có tầm ảnh hưởng. Hằng năm, HundrED chọn 100 sáng kiến được vinh danh đổi mới giáo dục toàn cầu để vinh danh. Mỗi dự án được đánh giá dựa trên các tiêu chí gồm tầm ảnh hưởng và tiềm năng mở rộng. Kết quả được căn cứ bởi ý kiến của các thành viên Hội đồng học thuật của HundrED cùng các giáo viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia.