Ký kết thành công 29 thoả thuận, mở rộng cánh cửa hợp tác Việt-Pháp

HÀ NỘI (Sputnik) - Trong khuôn khổ chuyến thăm tại Pháp, Thủ tướng đề nghị các Đại sứ tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và phía EC sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đã chứng kiến Lễ trao 29 thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam - Pháp - châu Âu.
Sputnik
Tối ngày 4/11 (theo giờ Paris), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với 11 Đại sứ Việt Nam tại các nước châu Âu.
Cũng tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Thủ tướng đã gặp mặt với các đại diện kiều bào tại khu vực châu Âu. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất để kiều bào đóng góp xây dựng và phát triển đất nước.
Đặc biệt, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự chứng kiến Lễ trao 29 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu.

Tận dụng các hiệp định thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu

Tại cuộc làm việc với 11 Đại sứ Việt Nam tại châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những đóng góp cho ngành ngoại giao và cho đất nước, nhất là ngoại giao vaccine trong thời gian vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Đại sứ Việt Nam tại các nước châu Âu
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch COVID-19, thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; mở cửa từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các Đại sứ, bằng các hoạt động của mình, tuyên truyền, quảng bá để khách du lịch quay trở lại Việt Nam; tiếp tục tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào các nước châu Âu; thúc đẩy để Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam.
Đặc biệt thực hiện tốt công tác chăm sóc cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân. Gặp gỡ các kiều bào, Thủ tướng nhấn mạnh, với 5 triệu người, cộng đồng người Việt ở nước ngoài có liên hệ rất quan trọng với đất nước. Thủ tướng chia sẻ:
“Rất đáng mừng là ở đâu, chúng ta cũng chứng minh được, ở đâu người ta cũng khen ngợi người Việt Nam chăm chỉ, thông minh, linh hoạt, vượt khó. Truyền thống của chúng ta là mỗi lúc khó khăn, thử thách lại nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định mình, điều này được hun đúc qua các thời kỳ lịch sử, từ lòng yêu nước, thương nòi, từ tinh thần, sức mạnh đoàn kết”.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ kiều bào khu vực Châu Âu
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhắc đến việc, từ lúc rất khó khăn khi bắt đầu đổi mới, “làm ăn không đủ ăn, xuất không đủ nhập, thu không đủ chi”, đến nay, chúng ta đã phát triển đất nước với quy mô GDP đứng thứ 4 trong ASEAN. Qua đó, thu nhập bình quân đầu người 3.500 USD, có vị thế mới và sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế.
Để làm rõ hơn điều này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ kết quả Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự các sự kiện gần đây như Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh, cũng như kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Ký kết thành công 29 thoả thuận, mở rộng cánh cửa hợp tác Việt-Pháp

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam và Pháp đã chứng kiến Lễ trao 29 thỏa thuận hợp tác.
VinFast sẽ đóng góp gì vào cam kết của Việt Nam về 'biến đổi khí hậu' và giảm phát thải ròng?
Đây là những thoả thuận giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, xây dựng, quy hoạch, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong đó ở lĩnh vực đầu tư, thương mại có các thỏa thuận như:
Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Vinfast và Tập đoàn EDF về cung cấp, lắp đặt thiết bị sạc và cung cấp dịch vụ sạc điện công cộng cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức của VinFast;
Hiệp hội Vì sự phát triển của xe diện (AVERE) trao chứng chỉ thành viên cho Vinfast;
Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Airbus thỏa thuận hợp tác chiến lược về cung cấp 184 tàu bay, phát triển mới đội tàu bay thân rộng và bàn giao 3 tàu bay thân rộng A330;
HDBank và Tổ chức tài chính Phát triển Pháp (Proparco) thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam;
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel và đại diện Công ty Rapid Space International thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm công nghệ 5G;
Tập đoàn T&T và Tập đoàn Total thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, với mục tiêu đầu tư các dự án khả thi và hợp tác phát triển ít nhất 2.000 MW, với tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỷ USD.
Ngoài ra, còn có nhiều thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế. Đáng chú ý, Đại học Y Hà Nội và đại diện Tập đoàn NG Biotech thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao Công nghệ sản xuất 175 loại test nhanh cho Việt Nam. Hay lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng công ty Dược Việt Nam và Sanofi giai đoạn 2021-2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ các bác sĩ, chuyên gia y tế Pháp – Việt nhằm 'thắt chặt mối nhân duyên y tế Pháp – Việt' và nâng cao năng lực y tế cho Việt Nam.
Chủ tịch MEDEF: Cánh cửa hợp tác mở rộng cho 2 bên
Trước khi có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux để trao đổi về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp
Với 185.000 doanh nghiệp cộng với 10 triệu lao động của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và kinh tế. Nói về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như vấn đề năng lượng tái tạo, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, y tế, giáo dục, KHCN, Thủ tướng chia sẻ:
“Đây là những lĩnh vực chúng tôi có chính sách ưu tiên, còn Pháp lại có thế mạnh nên chúng ta gặp nhau ở điểm này”.
Trên cơ sở quy hoạch quốc gia Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh hai bên có thể tìm kiếm các dự án cụ thể để cùng nhau thúc đẩy.
Ví dụ ở Việt Nam, nông nghiệp là lĩnh vực phát triển ổn dịnh. Dù có biến động về khí hậu, dịch bệnh cũng như tác động khác, nhưng ngành nông nghiệp, nhất là thủy sản, trái cây mùa vụ vẫn phát triển nhanh, ổn định và chất lượng nâng lên.
“Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Pháp không có xung đột mà chỉ có hỗ trợ, bổ sung cho nhau để phát triển tốt hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Chính vì thế, Việt Nam muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn, muốn Pháp mở cửa hơn, các doanh nghiệp của Pháp vào làm việc nhiều hơn với doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chủ tịch Thượng viện Pháp nói về “món nợ” với Việt Nam
Về phía Chủ tịch MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux, ông tin tưởng vào triển vọng hợp tác và cho rằng quan hệ hai nước sẽ ngày càng phong phú, sâu sắc hơn.
“Chúng tôi thấy có nhiều cơ hội thúc đẩy kinh tế giữa Việt Nam và Pháp. Việt Nam thời gian qua rất nỗ lực cải cách và mở cửa kinh tế nên có mức tăng trưởng thuộc top những nước cao nhất thế giới”, ông Geoffroy Roux de Bézieux nhận định.
Chia sẻ với Việt Nam trong việc chịu tác động của đại dịch COVID-19, song ông cho rằng đó là khó khăn nhất thời. Chủ tịch MEDEF hoàn toàn tin tưởng triển vọng phát triển của Việt Nam vào năm 2022.
“Chúng tôi thấy Việt Nam có rất nhiều chương trình và kế hoạch phát triển mạnh mẽ, cam kết mạnh mẽ về hạ tầng, nông nghiệp sạch, y tế và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp Pháp có rất nhiều thế mạnh trong lĩnh vực này nên cánh cửa hợp tác mở rộng cho 2 bên”, theo ông Geoffroy Roux de Bézieux.
Khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến Việt Nam, Chủ tịch MEDEF cho rằng số lượng lớn MOU vừa ký kết, trao đổi giữa hai bên đã cho thấy sự quan tâm này.
Song theo ông, con số trao đổi thương mại giữa 2 nước dù tăng trưởng vẫn khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên. Chủ tịch MEDEF tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Pháp sẽ tạo đà mới trong hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực thương mại, kinh tế và đầu tư.
Thảo luận