Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Cộng hòa Pháp

Sáng 6/11 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã rời Paris, kết thúc tốt đẹp toàn bộ chương trình thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex.
Sputnik
Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; chào xã giao Chủ tịch Thượng viện Gerald Larcher và Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand; tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean Castex.
Được biết, trong các cuộc tiếp xúc, tất cả các vấn đề hai bên đưa ra thảo luận đều đạt được sự đồng thuận cao. Việt Nam và Pháp khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thúc đẩy hợp tác hơn nữa, đưa quan hệ đối tác Việt Nam – UNESCO lên một tầm cao mới

Ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại thủ đô Paris của Pháp và hội kiến bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO.
Tại buổi tiếp, bà Audrey Azoulay đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn là thành viên năng động, có trách nhiệm, một trong những nước đi đầu trong việc triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động của UNESCO. Tổng Giám đốc UNESCO cũng hoan nghênh vai trò tích cực của Việt Nam trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và thành viên nòng cốt của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), góp phần tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc nói chung, UNESCO nói riêng với khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu xem Triển lãm 45 năm quan hệ đối tác Việt Nam – UNESCO vì hòa bình và phát triển bền vững do Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch phối hợp với Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO tổ chức.
Về phía mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng UNESCO nhân kỷ niệm 76 năm thành lập, khẳng định vai trò và vị thế của tổ chức đại diện cho lương tri và trí tuệ của nhân loại, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.
“Việt Nam chú trọng thực hiện chính sách lấy người dân là chủ thể, phát triển bền vững dựa trên các giá trị văn hóa, lịch sử, bảo vệ môi trường, phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá cao UNESCO đã luôn đồng hành với Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Thủ tướng mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác hơn nữa để đưa quan hệ đối tác Việt Nam – UNESCO lên một tầm cao mới thực chất và hiệu quả hơn vì phát triển kinh tế – xã hội bền vững và bao trùm ở Việt Nam.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả cho công việc chung của UNESCO trong nhiệm kỳ hai của bà Audrey Azoulay, nhất là khi Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO giai đoạn 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ văn hóa phi vật thể giai đoạn 2022-2026, Ủy ban di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.
Thủ tướng hoan nghênh Tổng Giám đốc UNESCO sớm thăm Việt Nam để trao đổi về định hướng và các ưu tiên hợp tác trong giai đoạn mới, góp phần đưa quan hệ Việt Nam – UNESCO phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Việt Nam là đối tác rất quan trọng của OECD tại khu vực Đông Nam Á

Chiều ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) Việt Nam – OECD giai đoạn 2022-2026.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn OECD đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, nhất là về tư vấn, khuyến nghị chính sách, xây dựng các Báo cáo kinh tế phục vụ thiết thực việc hoạch định các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thủ tướng đề nghị OECD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch, tư vấn về chính sách và huy động các nguồn lực nhằm tăng cường đầu tư vào con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann.
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong muốn OECD tiếp tục hỗ trợ huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị hiệu quả để giúp Việt Nam tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện các cam kết về giảm phát thải như đã đưa ra tại Hội nghị COP 26 vừa qua.
Tổng Thư ký OECD bày tỏ ấn tượng về kết quả kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam cũng như việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đà tăng trưởng kinh tế tích cực. Ông Mathias Cormann hoan nghênh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị COP26, thể hiện quyết tâm của Việt Nam chung tay ứng phó thách thức về biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết OECD sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình này.
Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác rất quan trọng của OECD tại Đông Nam Á, Tổng Thư ký OECD mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam và các nước trong khu vực thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann trao đổi Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và OECD giai đoạn 2022-2026.
Cũng tại cuộc tiếp, ông Mathias Cormann đã trao cho Thủ tướng Báo cáo chính sách đầu tư và tài chính năng lượng sạch của Việt Nam được OECD vừa hoàn thành. Ngay sau đó, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký MOU Việt Nam – OECD giai đoạn 2022-2026 do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann ký kết.
Thảo luận