Những kiệt tác văn học của nhà văn vĩ đại Nga Fedor Dostoevsky đã được dịch sang hơn 100 thứ tiếng trên thế giới. Thời kỳ trước khi Việt Nam được thống nhất, ở miền Nam Việt Nam, rất nhiều tác phẩm của Fedor Dostoevsky được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt. Sau 1975, ở Việt Nam xuất hiện một số dịch giả mới. Một trong những dịch giả đó là ông Phạm Ngọc Thạch, người đã dịch “Ghi chép dưới hầm” ("Записки из подполья") và “Tuy hai mà một” ("Двойник") sang tiếng Việt. Nhân 200 năm ngày sinh của đại văn hào Nga Sputnik trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc phỏng vấn dịch giả Phạm Ngọc Thạch.
Bắt đầu con đường dịch thuật từ Solzhenitsyn
Sputnik: Được biết, ông học về dầu khí, rồi cho tới nay ông vẫn làm trong lĩnh vực này. Ông có thể chia sẻ, duyên nào đã dẫn ông tới con đường dịch thuật, lại là dịch văn học Nga?
Ông Phạm Ngọc Thạch, dịch giả văn học Nga:
Tôi là một kỹ sư, được đào tạo về chuyên ngành dầu khí tại Viện đại học Dầu Hóa, thành phố Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan (Liên Xô trước đây) trong những năm 1981-1986, làm việc tại Liên doanh dầu khí Việt-Nga “Vietsovpetro” ở thành phố Vũng Tàu từ 1987 đến nay.
Vào quãng năm 2008 tôi tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ “Sách Xưa” trên internet, là nơi giao lưu của những người có chung sở thích và thú vui sưu tầm sách cổ, sách hiếm. Câu lạc bộ mở ra nhiều chuyên đề, trong đó có thư mục giới thiệu về sách của các tác giả đoạt giải Nobel. Trong số các tác giả Nga/Xô -Viết được trao giải Nobel Văn chương thì tác phẩm của nhà văn Alexander Solzhenitsyn hầu như chưa được dịch sang tiếng Việt từ nguyên tác tiếng Nga, mà chỉ có những bản Việt dịch từ tiếng Anh, tiếng Pháp, chưa thể hiện được hết sự tinh tế và “chất Nga” trong văn phong của tác giả. Vì vậy, tôi bắt đầu dịch một hai chương đầu cuốn tiểu thuyết “Quần đảo GULAG”, rồi đăng trên trang web để giới thiệu với các thành viên CLB.
Sputnik: Tác phẩm đầu tiên ông dịch sang tiếng Việt là tác phẩm nào? Vì sao ông chọn nó?
Ông Phạm Ngọc Thạch, dịch giả văn học Nga:
Được sự hoan nghênh và khích lệ nhiệt tình của các thành viên CLB “Sách Xưa”, năm 2011 tôi tập hợp một số truyện ngắn, đoản văn, tiểu luận của Solzhenitsyn và xuất bản hai tập truyện dưới hình thức Samizdat (vào thời điểm đó Solzhenitsyn chưa được phép xuất bản tại Việt Nam): “Hai truyện ngắn” (gồm “Ngôi nhà của Matryona” & “Trường hợp tại nhà ga Kochetovka”) và “Tùy bút Solzhenitsyn” với số lượng giới hạn, chỉ dành tặng bạn bè thân hữu.
Solzhenitsyn là nhà văn Nga mà tôi đặc biệt mến mộ và tôi hy vọng sẽ có dịp giới thiệu một số tác phẩm lớn của ông đến độc giả Việt Nam qua bản dịch của mình.
Còn cuốn sách đầu tiên do tôi dịch thuật được xuất bản chính thức tại Việt Nam là truyện thiếu nhi nổi tiếng của Alexander Grin “Cánh buồm đỏ thắm”. Tôi nhận lời dịch lại tác phẩm này theo đặt hàng của nhà xuất bản, vì họ muốn có một bản dịch mang phong cách mới và hình ảnh minh họa mới.
Dịch các tác phẩm của Dostoevsky luôn là một thách thức lớn
Sputnik: Cảm xúc của ông khi bản dịch đầu tiên hoàn thiện, đặc biệt là bản dịch “Ghi chép dưới hầm” của Fedor Dostoevsky? Ông có cho rằng bản tiếng Việt lột tả được những gì nhà văn đã đề cập tới trong tác phẩm này?
Ông Phạm Ngọc Thạch, dịch giả văn học Nga:
Có thể nói cảm xúc lần đầu khi cầm trong tay cuốn sách do mình dịch thuật cũng gần như đón nhận đứa con đầu lòng, nghĩa là có hồi hộp, có sung sướng, có lo âu... Sau này, khi đã có một số tác phẩm dịch được xuất bản thì niềm hạnh phúc tuy vẫn trọn vẹn, nhưng có lẽ nó không còn nguyên sơ như thuở ban đầu.
Sau khoảng 4 tháng "dưới hầm" để dịch “Ghi chép dưới hầm”, hay đúng hơn là lời độc thoại lê thê của một nhân vật kì dị, cuối cùng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm hoàn thành câu chuyện! Khi chuẩn bị chuyển bản thảo cho nhà xuất bản, bỗng dưng tôi cảm thấy có chút nuối tiếc. Tôi nhớ đến một câu trong tác phẩm: "Nhưng con người là một tạo vật nhẹ dạ và xấu xa, và có thể, giống như một người chơi cờ, hắn chỉ ưa cái quá trình để đạt được mục tiêu chứ không phải chính mục tiêu." Có lẽ niềm vui thật sự của người dịch là lúc "sống" với tác phẩm chứ không phải lúc hoàn thành tác phẩm.
Ghi chép dưới hầm - ấn phẩm tiếng Việt
© Sputnik / Hoàng Hoa
Còn về đánh giá bản tiếng Việt, thiết nghĩ, nên nhường việc này cho độc giả thì hơn, phần dịch giả đã hết sức cố gắng trong khả năng của mình rồi. Chị cũng có thể tự thẩm định được điều này.
Ghi chép dưới hầm - bản dịch của Phạm Ngọc Thạch
© Sputnik / Hoàng Hoa
Sputnik: Anh có thể chia sẻ về những khó khăn khi dịch tác phẩm “Tuy hai mà một” không?
Ông Phạm Ngọc Thạch, dịch giả văn học Nga:
Việc dịch thuật các tác phẩm của Dostoevsky luôn là một thách thức lớn đối với bất kỳ dịch giả nào sang bất kỳ ngôn ngữ nào. Trong trường hợp “Tuy hai mà một”, thách thức lớn nhất là việc lột tả được tâm lý vô cùng phức tạp của nhân vật, một kẻ mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng, đầu óc đầy những ảo giác là chung quanh y luôn có kẻ thù rình rập để hãm hại và chà đạp danh dự xuống bùn nhơ, một cuộc giằng xé nội tâm giữa cái tôi và cái ta qua những trường đoạn độc thoại dài dặc và rối rắm.
Tuy hai mà một - ấn phẩm tiếng Việt
© Sputnik / Hoàng Hoa
Theo tôi, để dịch được Dostoevsky thì ngoài tình yêu đối với ông, còn phải có đức tính nhẫn nại nữa.
Tuy hai mà một - bản dịch của Phạm Ngọc Thạch
© Sputnik / Hoàng Hoa
Về việc dịch “Lũ người quỷ ám” sang tiếng Việt
Sputnik: Những tác phẩm dịch Dostoevsky của ông được xuất bản khi nào?
Ông Phạm Ngọc Thạch, dịch giả văn học Nga:
Fyodor Dostoevsky - Ghi chép dưới hầm, Nxb Hội Nhà Văn, 2017
Fyodor Dostoevsky - Tuy hai mà một, Nxb Hội Nhà Văn, 2019
Sputnik: Được biết, ông có dự định dịch “Lũ người quỷ ám” (Бесы), một kiệt tác của nhà văn. Ông có thể chia sẻ về ý tưởng và kế hoạch này không?
Ông Phạm Ngọc Thạch, dịch giả văn học Nga:
“Lũ người quỷ ám” vốn là một tác phẩm lớn của Dostoevsky. Ở Việt Nam tiểu thuyết này chưa được dịch sang tiếng Việt từ nguyên tác tiếng Nga mà chỉ được dịch từ bản tiếng Pháp nên không tránh khỏi những hạn chế về mặt ngôn ngữ. Vì thế, tôi mong muốn giới thiệu với độc giả Việt Nam một bản dịch mới, đúng với tinh thần nguyên tác đến mức cao nhất có thể. Hiện tôi đã hoàn thành được chương đầu, song tiểu thuyết này khá đồ sộ, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Vậy nên, tôi dự định qua năm 2022, sau khi nghỉ hưu, sẽ dành ra hai năm để thực hiện tác phẩm này. Tuy nhiên, đấy còn là dự định, và tương lai thì luôn có nhiều điều bất ngờ chưa thể biết trước được.
Để đọc được Dostoevsky, cần phải có sự trải nghiệm cuộc sống và sự lắng đọng của tâm hồn
Sputnik: Là một người dịch Dostoevsky, chắc chắn ông đã đọc hầu hết các tác phẩm của nhà văn. Theo ông, những tư tưởng nào của nhà văn, nhà triết học vĩ đại này mãi vẫn mang tính thời sự?
Có những người yêu văn học Nga thế kỷ 19 - thế kỷ vàng của nền nghệ thuật Nga, và có thể nói: Tôi yêu thơ Pushkin, tôi thích văn Lev Tolstoi... Như tôi thì rất yêu Dostoevsky, vì các tác phẩm của ông cứ bắt tôi phải nhìn sâu vào bên trong của mình, nhìn vào bản chất, hay cái chất của con người, của hiện tượng, để rồi phải có lựa chọn sống tốt hơn, con người hơn. Ông có thể nói như thế nào về tình cảm của mình?
Ông Phạm Ngọc Thạch, dịch giả văn học Nga:
Trong số các tác giả cổ điển Nga có hai nhà văn tôi đặc biệt ngưỡng mộ, đó là Nikolai Gogol và Fyodor Dostoevsky (mặc dù Gogol không phải người Nga nhưng ông viết bằng tiếng Nga). Vì sao ư? Vì khi đọc tác phẩm của họ, tôi cảm nhận được sức mạnh của ngòi bút và ngôn từ, chúng mãnh liệt và cuồn cuộn như "сon sóng thứ chín" (Sputnik: "сon sóng thứ chín" ("девятый вал") - một hình tượng nghệ thuật phổ biến trong nghệ thuật, báo chí và văn nói, là biểu tượng của sự nguy hiểm chết người, sự vươn lên cao nhất của một sức mạnh ghê gớm, không thể cưỡng lại được. Biểu tượng của con sóng thứ chín xuất phát từ một niềm tin dân gian xưa rằng, trong một cơn bão biển, con sóng thứ chín là mạnh nhất và nguy hiểm nhất), bạn có thể bị nhấn chìm trong đó; một phần nữa là vì giọng điệu trào lộng, châm biếm, giễu cợt được đẩy lên đến mức cao nhất, song vẫn không mất đi nét tinh tế.
Gogol chỉ dùng ngòi bút để mô tả ngoại hình nhân vật, với giọng điệu trào phúng vô cùng sinh động, như một bức biếm họa, từ đó người đọc có thể mường tượng ra được tính cách từng nhân vật. Mặc dù tính trào lộng, cường điệu được đẩy đến mức tận cùng trong từng bức chân dung, song những nhân vật đó không phải là những con rối, tính chất hiện thực vẫn hiện diện qua từng tính cách.
Một thí dụ để minh họa:
[Phạm Ngọc Thạch dịch từ nguyên tác tiếng Nga một trích đoạn tiểu thuyết “Những linh hồn chết”, trong đó Gogol đã xây dựng hình tượng nhân vật điền chủ Plyushkin, một lão già bủn xỉn, kinh khủng và quái đản hơn mọi kẻ hà tiện, keo kiệt nhất trên cõi đời này.]
...Bình sinh trên đời y đã gặp đủ mọi hạng người, thậm chí cả những loại người mà có lẽ tôi và độc giả chưa từng được thấy bao giờ; thế nhưng hạng người này thì y chưa từng diện kiến. Mặt lão ta không có gì đặc biệt; hầu như cũng giống khuôn mặt của mọi ông già gầy gò, chỉ có cái cằm là chìa ra phía trước quá mức, đến nỗi lúc nào lão cũng phải lấy chiếc khăn tay che lại để khỏi khạc nhổ vào đó; đôi mắt ti hí còn chưa mờ đục đảo qua đảo lại dưới hai hàng lông mày mọc cao, tựa như đôi chuột thò cái mõm nhọn hoắt ra khỏi hang tối, vểnh đôi tai cảnh giác và ve vẩy hàng ria, rình xem có gã mèo hay thằng nhóc nghịch ngợm nào núp ở gần đấy không, và hít hít không khí đầy ngờ vực. Bộ y phục của lão còn đặc sắc hơn nhiều; không một phương tiện nào, không một nỗ lực nào có thể tìm tòi khám phá nổi chiếc áo khoác của lão được chắp nối từ những thứ gì: hai ống tay áo và hai vạt trước nhờn những mỡ và bóng lưỡng như thứ da dùng để đóng ủng; phía sau lủng lẳng không phải hai mà là bốn cái đuôi áo, bông sợi độn bên trong tuột ra từng nhúm. Trên cổ lão buộc thứ gì đó thật khó lòng xác định: cái tất dài, cái nịt tất, hay là cái dải buộc bụng, chứ dứt khoát không thể là chiếc cà vạt được. Tóm lại, giả sử Chichikov bắt gặp lão ăn mặc như vậy ở đâu đó gần cổng nhà thờ thì có lẽ y đã bố thí cho lão một đồng xu lẻ. Phải nói rằng nhân vật của chúng ta cũng có tấm lòng trắc ẩn, y không thể nào đành lòng mà không bố thí cho kẻ nghèo một xu. Song trước mặt y không phải là một kẻ ăn xin, mà là một vị điền chủ. Và vị điền chủ ấy sở hữu đến hơn một ngàn nông nô...
Trái ngược với Gogol, Dostoevsky đi sâu vào mô tả thế giới bên trong, ngòi bút của ông len lỏi vào từng ngóc ngách nội tâm nhân vật, như một lưỡi dao phẫu thuật mổ xẻ, bóc trần những mảng tối của tâm hồn con người. Một số nhà phê bình cho rằng tác phẩm của ông thiếu tính nhân văn, song Dostoevsky không phải là nhà nhân văn chủ nghĩa, ông là người báo trước chủ nghĩa hiện sinh. Ghi chép dưới hầm “là một tác phẩm về chủ nghĩa hiện sinh tuyệt vời nhất từng được viết ra”, theo đánh giá của triết gia Walter Kaufmann. Ghi chép dưới hầm tựa như một bản tuyên ngôn về hiện sinh chủ nghĩa:
Riêng cá nhân tôi, suốt đời tôi chẳng làm gì hơn là đẩy cho tới tận cùng cái mà quý vị chỉ dám dấn có một nửa (Что же собственно до меня касается, то ведь я только доводил в моей жизни до крайности то, что вы не осмеливались доводить и до половины...)
Sự vĩ đại của Dostoevsky ở chỗ các tác phẩm của ông luôn mang tính dự báo.
Năm 1923, bác sĩ tâm thần người Pháp Joseph Capgras (1873-1950) đã phát hiện và mô tả một hiện tượng rối loạn tâm thần, hội chứng này được đặt theo tên ông “ảo giác Capgras” (Capgras Delusion hay Capgras Syndrome). Hội chứng Capgras khiến bệnh nhân tin rằng một người nào đó gần gũi với họ hoặc bản thân họ đã bị thay thế bằng một doppelganger (nôm na có thể hiểu là kẻ sinh đôi lạ mặt). Hay nói cách khác, đây là hội chứng rối loạn nhận diện khiến người mắc phải luôn ở trong tâm lý bất an đối với những người xung quanh hay chính bản thân mình. Bệnh nhân luôn nghĩ và tuyên bố rằng những hành động xấu xa được đồn thổi của bản thân là do kẻ mạo danh kia có khuôn mặt giống hệt làm ra và đổ tội cho họ. Chứng rối loạn này thường đi kèm với tâm thần phân liệt.
Hội chứng này đã được nhắc đến trong tác phẩm “Tuy hai mà một” của Fyodor Dostoevsky từ năm 1846, từ hồi Capgras còn chưa ra đời..!
Là một người ham đọc sách từ khá sớm, năm 10 tuổi tôi đã làm quen với hai tập “Tội ác và hình phạt” của Dostoevsky. Thú thật là tôi không hiểu gì mấy, chỉ nhớ lại một cảm giác bức bối ngột ngạt, tối tăm u uất... Năm 20 tuổi, tôi học tập tại Liên Xô và có ý định đọc Dostoevsky bằng nguyên tác tiếng Nga, sau một tháng mượn sách ở thư viện thành phố Baku, tôi đành đem trả lại mà chưa đọc quá 10 trang vì cảm thấy không nhá nổi. Năm 30 tuổi, thời điểm phải nỗ lực hết sức cho công việc, tôi đọc Dostoevsky thấy không vào. Năm 40 tuổi, khi cuộc sống và công việc từng bước ổn định dần, đọc lại Dostoevsky tôi cảm thấy rúng động. Tôi nhận ra rằng, một người bình thường để đọc được Dostoevsky, trong chừng mực nào đó, cần phải có sự trải nghiệm cuộc sống và sự lắng đọng của tâm hồn, nghĩa là phải tương đối trưởng thành. Năm 50 tuổi, tôi bắt đầu dịch Dostoevsky sang tiếng Việt...
Và tôi tin rằng, một ngày nào đó câu dự báo nổi tiếng của Dostoevsky sẽ trở thành hiện thực: "Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới!".
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông Phạm Ngọc Thạch đã dành thời gian cho Sputnik. Rất mong chờ bản dịch sang tiếng Việt “Lũ người quỷ ám” của ông sớm ra đời. Chúc ông thành công trên con đường dịch văn học Nga.
P.S. Những tác phẩm do dịch giả Phạm Ngọc Thạch dịch sang tiếng Việt:
Alexander Solzhenitsyn - Hai truyện ngắn, Samizdat, 2011
Alexander Solzhenitsyn - Tùy bút, Samizdat, 2012
Alexander Grin - Cánh buồm đỏ thắm, Nxb Văn Học, 2014
Yevgeny Zamyatin - Chúng tôi, Nxb Hội Nhà Văn, 2016
Fyodor Dostoevsky - Ghi chép dưới hầm, Nxb Hội Nhà Văn, 2017
Fyodor Dostoevsky - Tuy hai mà một, Nxb Hội Nhà Văn, 2019
Svetlana Alexievich - Lời nguyện cầu Chernobyl (dịch chung với Nguyễn Bích Lan), Nxb Phụ Nữ Việt Nam, 2020, giải thưởng văn học dịch toàn quốc của Hội Nhà văn Việt Nam 2020
Alexander Dyukov - Người Xô viết đã chiến đấu vì điều gì (dịch chung với Phan Xuân Loan), Nxb Trẻ, 2021
Đạo: con đường không lối (Tao: The Pathless Path) - Osho (dịch từ tiếng Anh), Nxb First News, 2015