Thời gian dự kiến bắt đầu từ Quý IV/2021
Theo kế hoạch liên ngành triển khai tiêm vaccine Covid-19 vừa được Sở Y tế Hà Nội ban hành, đối tượng tiêm là toàn bộ trẻ em đủ 12-17 tuổi (bao gồm trẻ đi học tại các trường đóng trên địa bàn thành phố và trẻ không đi học đang sinh sống tại Hà Nội).
Cách tính tuổi là trẻ độ tuổi đủ sinh nhật tính đến ngày triển khai tiêm.
Chiến dịch tiêm chủng triển khai theo lộ trình hạ dần lứa tuổi (từ 17 tuổi xuống 12 tuổi, tương đương học sinh khối lớp 12 tiêm trước, tiếp đến khối 11 và lần lượt cho đến khối 7).
Dự kiến, Hà Nội có tổng cộng 791.921 trẻ em thuộc diện tiêm chủng đợt này, gồm 519.547 trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi, 272.374 trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Thời gian triển khai tiêm dự kiến vào Quý IV/2021 tới Quý I/2022. Thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng của Bộ Y tế. Mục tiêu là trên 95% trẻ 12-17 tuổi đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19.
Hà Nội lập các điểm tiêm chủng lưu động ở trường học (bao gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông, trường giáo dục thường xuyên; các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ 12-17 tuổi...), và các điểm lưu động khác.
Trẻ cũng có thể tiêm tại Trạm Y tế hoặc điểm tiêm chủng, tiêm vét cho nhóm bị tạm hoãn tại trường và trẻ không đi học.
Tổ chức tiêm tại bệnh viện cho trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu... nghe tim phổi bất thường, phản vệ độ 3 với bất cứ dị nguyên nào.
Tiêm chủng cho trẻ em sẽ ít thuận lợi hơn do tâm lý e sợ
Kế hoạch tiêm vacicne Covid-19 cho trẻ em tại Hà Nội nằm trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc bắt đầu từ 29/10. Bộ Y tế đã phê duyệt hai loại vaccine sử dụng cho trẻ gồm Comirnaty của Pfizer và Spikevax của Moderna.
Với kỳ vọng trong quý 4 tiêm ít nhất một mũi vaccine cho tất cả trẻ 12-17 tuổi. TP HCM, Ninh Bình và Bình Dương là những tỉnh thành thí điểm, tiêm đầu tiên từ 26/10.
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC), cho rằng chiến dịch tiêm chủng cho trẻ sẽ ít thuận lợi hơn so với người lớn do trẻ thường sợ bác sĩ, có hiệu ứng dây chuyền, cần người nhà đi cùng chăm sóc dẫn tới tăng số lượng người đến địa điểm tiêm chủng.
Vì vậy, để chủng ngừa hiệu quả và bảo đảm an toàn, cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, phương án để tiêm cho trẻ an toàn ngay tại trường học.
Đồng tthời, trẻ cần được chuẩn bị tâm lý trước và trong khi tiêm. Phụ huynh nên động viên, trấn an trẻ để tránh tâm lý lo sợ.
Bên cạnh đó, trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng tự theo dõi và thông báo kịp thời các phản ứng sau tiêm. Do đó, gia đình cần theo dõi sát phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu. Phụ huynh và trẻ nên ở lại điểm tiêm chủng trong vòng 30 phút sau tiêm để được cán bộ y tế theo dõi sát.
Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine phòng COVID-19 Covaxin
Sáng 10/11, tại Quyết định số 5225, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch đối với vaccine phòng COVID-19 Covaxin. Đây là vaccine được sản xuất ở Ấn Độ.
Vào ngày 16/05, Hãng dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ từng tuyên bố vaccine Covaxin phòng bệnh COVID-19 có hiệu quả đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và B.1.1.7 phát hiện tại Anh.
Theo nghiên cứu do Viện Virus học quốc gia và Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ thực hiện, vaccine Covaxin "tạo ra hiệu giá trung hòa (có nghĩa là nồng độ của kháng thể) chống lại tất cả các biến thể mới hiện nay."
Trên mạng xã hội Twitter, Suchitra Ella - đồng sáng lập cũng là Giám đốc điều hành Bharat Biotech - nêu rõ:
"Vaccine Covaxin được quốc tế công nhận một lần nữa thông qua các dữ liệu nghiên cứu khoa học được công bố, cho thấy khả năng bảo vệ trước những biến thể mới".
Theo quyết định của Bộ Y tế, vaccine Covaxin mỗi liều vaccine có 0,5 ml chứa 6 mcg kháng nguyên toàn SARS-CoV-2 bất hoạt (chủng NIV-2020-770), bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp 16 lọ, mỗi lọ chứa 1 liều, 5 liều, 10 liều và 20 liều; mỗi liều 0,5 ml.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã ban hành sử dụng khẩn cấp (EUL) đối với vaccine Covaxin (do Bharat Biotech - Ấn Độ phát triển), bổ sung vào danh mục vaccine ngày càng tăng được WHO xác nhận để phòng ngừa COVID-19 do SARS-CoV- 2.
Bộ Y tế cũng quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Covaxin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.