Khi khám phá Dostoevsky, các nhà khoa học và độc giả thường tập trung vào khía cạnh đạo đức và xã hội trong sự nghiệp của ông. Nhưng khía cạnh hư cấu - và đôi khi là khía cạnh trào phúng – lại bị bỏ ra ngoài các nghiên cứu chuyên nghiệp. Đồng thời, hiện tượng nhà văn Dostoevsky, kể cả việc công nhận ông trên toàn thế giới, phần lớn đều dựa trên cốt truyện tác phẩm của ông.
Hơn cả một nhà văn trinh thám
Dostoevsky hiểu rất rõ điều này, ông đã chọn cho tiểu thuyết của mình một trong những loại hình văn học phổ biến nhất và cho đến ngày nay vẫn thế. Xét cho cùng, nếu để ý thì hầu hết các tác phẩm của ông đều là truyện trinh thám với cốt truyện hấp dẫn.
"Tội ác và trừng phạt" không chỉ là một câu chuyện trinh thám, mà còn là lịch sử điều tra và sự hối cải, là cơ hội để nhìn nhận sự việc qua con mắt của một tên tội phạm. Và tiểu thuyết này ra đời rất lâu trước khi "The Murder of Roger Ackroyd" của Agatha Christie (nhà văn trinh thám đầu tiên viết từ góc độ kẻ phạm tội) xuất hiện. Đơn giản là bằng tài năng văn chương của mình, Dostoevsky tạo ra một văn bản tượng hình đến mức chúng ta không chỉ hiểu được động cơ của Raskolnikov mà còn có thể xuyên thấu thế giới giác quan cụ thể của anh ta. "Chàng ngốc” là một câu chuyện trinh thám, cho chúng ta thấy kẻ giết người Rogozhin tiếp cận tội ác như thế nào, chuỗi các sự kiện đưa anh ta đến tâm điểm không thể thay đổi ra sao. "Lũ người bị quỷ ám" là câu chuyện vô cùng chặt chẽ về một tổ chức cực đoan. "Anh em Karamazov" là truyện điều tra vụ án lý tưởng, trong đó mỗi nhân vật đều có động cơ gây ra vụ giết cha.
Tất nhiên, nhà phê bình văn học nhiều kinh nghiệm có thể chỉ trích quan điểm này là hời hợt, khi các khía cạnh đạo đức và triết học của tác phẩm bị cốt truyện che mờ.
Nhưng trước hết, khi theo dõi cốt truyện, độc giả thấy được chiều sâu tư duy của tác giả được hé lộ dần dần. Và tài năng của Dostoevsky với tư cách là người tạo ra cốt truyện là điều không cần bàn cãi.
Nghệ thuật châm biếm của Dostoevsky
Bản thân Dostoevsky hiểu điều này một cách hoàn hảo, nên đôi khi, trong chính tác phẩm của mình, ông quyết định ra đòn hạ gục những người phản biện. Chính tại đây, một Dostoevsky hoàn toàn xa lạ đã xuất hiện: một kẻ châm biếm sâu cay, miệng lưỡi cực kỳ sắc bén, nhưng đồng thời cũng không kém phần sâu sắc.
Ví dụ, “Ca sấu” - một câu chuyện hài hước về viên quan nhỏ đến trại chăn nuôi, trêu chọc con bò sát ở đó và bị nó nuốt chửng. Kết quả là, từ miệng con vật, nhân vật nói rằng ở đó anh ta cảm thấy thoải mái và ấm áp.
Trong hình ảnh vị quan chức gầy gò, ác ý và đeo kính như vậy, những người đương thời có thể nhìn ra sự châm biếm sâu cay mà Dostoevsky dành cho Chernyshevsky, tuy Dostoevsky nhấn mạnh rằng ông không có ý định cụ thể hóa bất kỳ ai.
Tất nhiên, đây không phải là một Chernyshevsky cụ thể, mà là hình ảnh của cả một tập thể. Đó là một người khá là nhỏ mọn, không có sự đồng điệu trong suy nghĩ về thế giới thực. Đó cũng là lý do tại sao ông ta cảm thấy thoải mái trong miệng con cá sấu. Kết quả là ông ta sẽ chấp nhận bất kỳ sự tồn tại nào. Và thậm chí sau khi được một loài bò sát tiêu hóa, ông ta sẽ vẫn khỏe mạnh và không hề hấn gì. Một lần nữa ông ta sẽ khẳng định với mọi người rằng ông ta biết rõ mọi thứ được sắp đặt như thế nào trong cuộc sống thực tế.
Nhà phê bình văn học Yuri Tynyanov cũng phát hiện ra Dostoevsky giễu nhại Gogol, cho rằng Dostoevsky đã mô tả người tiền nhiệm vĩ đại của mình qua hình ảnh nhân vật Foma Opiskin trong truyện “Ngôi làng của Stepanchiki và dân chúng ở đó”. Một loại "nhà văn chuyên khiếu nại", đọc bài giảng về lịch sử và mơ mộng sẽ có "ba vạn người" đến nghe.
Tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Sergei Timofeevich Konenkov "Fyodor Dostoevsky"
© Sputnik
/ Hoặc nhân vật nhà văn Karmazinov trong "Những kẻ bị quỷ ám", thường hay đọc câu chuyện "Merci" của mình, trong đó có rất nhiều đoạn mô tả về thiên nhiên, ký ức về mối tình đầu, nhắc tên nhiều nhà soạn nhạc nước ngoài khác nhau. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều độc giả coi nhân vật này là bức tranh biếm họa về Ivan Turgenev, người mà Dostoevsky có quan hệ không hề đơn giản.
Tất cả những yếu tố này trong tiểu sử của Fyodor Dostoevsky, mà đôi khi không được đề cập đến trong các nghiên cứu chính, tiết lộ cho chúng ta thấy một hình ảnh sâu sắc và sống động hơn nhiều về tác gia kinh điển. Ông không chỉ là nhà đạo đức, mà còn là nhà văn chói lọi sẵn sàng đối thoại sâu sắc qua cốt truyện mạnh mẽ đáng kinh ngạc.
Lý do khiến nhiều người đương thời thấy ông là một nhà văn khó chịu và gây nhiều tranh cãi nói lên sự tính cấp thiết đi trước thời đại trong tác phẩm của ông. Điều này có nghĩa là tác phẩm của ông vẫn đang chờ đợi sự quan tâm của nhà nghiên cứu mới, cũng như độc giả mới.