Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị gì với Thủ tướng Chính phủ?
Ngày 14/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, trong gần 2 năm qua, giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi, nhiều hoạt động giáo dục không thể thực hiện được.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
“Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn”, ông Sơn nêu thực tế.
Tuy nhiên, toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và cán bộ quản lý toàn ngành GD&ĐT đang nỗ lực khắc phục những khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, ứng phó với dịch bệnh và mang kiến thức đến cho học sinh, sinh viên.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, các thầy giáo, cô giáo có mặt tại đây hôm nay chính là những đại diện tiêu biểu của hơn 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp trong cả nước.
“Đó là các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học”, ông Nguyễn Kim Sơn nói.
Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đội ngũ nhà giáo nói riêng, lĩnh vực GD&ĐT nói chung, đúng theo tinh thần “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công là tương lai của dân tộc Việt Nam”.
Hàng triệu học sinh, giáo viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận nhiều kết quả tích cực mà ngành giáo dục đạt được trong những năm gần đây. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, tất cả những người làm trong ngành GD&ĐT đều đang thực hiện sứ mệnh rất vẻ vang và đáng tự hào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trước mắt còn rất nhiều việc phải làm, phải đổi mới. Với những tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra cho ngành Giáo dục, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đó cũng là cú hích để thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới; là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục.
“Các thầy cô đã khắc phục khó khăn, thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy cô giáo và ngành giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới giáo dục”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Minh Chính, Chính phủ luôn trăn trở về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến người dân, đến xã hội, trong đó có ngành giáo dục, để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ.
“Từ khi dịch bùng phát, hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn. Thậm chí tôi biết nhiều thầy cô phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em đã trở thành mồ côi do mất cha mất mẹ trong dịch bệnh”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Bởi vậy, khi làm việc với Bộ GD&ĐT, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ phải phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, giải quyết từng bước những khó khăn, bất cập của ngành; yêu cầu Bộ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới sách giáo khoa hiệu quả và phù hợp
Xem xét giảm học phí cho học sinh, rà soát chính sách hỗ trợ giáo viên
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành Giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Cụ thể, về vấn đề học trực tuyến, Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu. Chính phủ giao Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch.
Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập; xem xét giảm học phí cho học sinh vì thực tế một số nơi đã giảm nhưng một số nơi vẫn chưa làm. Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với các cơ quan chức năng các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch.
Về điều kiện trang thiết bị cho dạy học trực tuyến, Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho học sinh, triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” hiệu quả hơn.
Nhân dịp 20/11, một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân danh cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước, các giáo viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam.