Hội nghị thượng đỉnh Joe Biden-Tập Cận Bình có gì đáng chờ đợi?

Trả lời phỏng vấn hãng Sputnik các chuyên gia cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó có thể đạt được thỏa thuận lịch sử nào đó theo kết quả cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Sputnik
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm qua video vào sáng 16/11 theo giờ Bắc Kinh. Và Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, lãnh đạo hai nước sẽ tổ chức một cuộc gặp ảo vào tối thứ Hai, 15/11. Chênh lệch múi giờ giữa Washington và Bắc Kinh là 13 giờ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin rằng, trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 13 tháng 11, ông Blinken đã chỉ ra rằng, trong cuộc hội đàm sắp tới, Hoa Kỳ mong muốn được chia sẻ quan điểm về quan hệ song phương với Trung Quốc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới.

Cơ hội thỏa hiệp, nhân nhượng

Giáo sư Kent Dan tại Trường Kinh tế London cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, hai bên khó có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận quan trọng nào về các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương.
"Cả hai bên đều nổi tiếng với khả năng tiến hành các cuộc đàm phán "rỗng tuếch". Đối với bất kỳ thỏa thuận quan trọng nào, các quan chức của cả hai bên cần có thời gian để xem xét chi tiết. Qúa trình này sẽ mất thời gian và rất có thể sẽ phải chờ đợi đến cuối năm 2022", - ông nói.
CHDCND Triều Tiên xây dựng cơ sở đường sắt để nối lại thương mại với Trung Quốc
Đồng thời, chuyên gia lưu ý rằng, Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang cố gắng thoát ra khỏi thế "cân bằng bên bờ vực" trong cuộc chiến thương mại và tình hình căng thẳng xung quanh Đài Loan, Tân Cương và Hồng Kông. Hai bên cần phải khôi phục sự hiểu biết lẫn nhau, có lẽ chủ đề sinh thái sẽ giúp thực hiện mục tiêu này, ông Dan nói.

"Hội nghị thượng đỉnh sẽ tạo cơ hội tốt để đạt được thỏa hiệp, điều đó đặc biệt quan trọng đối với Joe Biden, vì tại Hoa Kỳ tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm mạnh", - chuyên gia Kent Dan nói thêm.

Vào ngày 8/11 năm 2022, tại Hoa Kỳ sẽ tiến hành cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, trong đó chỗ trống ở Hạ viện gồm 435 ghế, và ở Thượng viện gồm 100 ghế có 34 chỗ trống. Đảng Dân chủ hiện có đa số ghế trong Hạ viện.

Không vượt qua "ranh giới màu đỏ"

Theo Giáo sư Khoa học Chính trị David Schultz từ Đại học Hamline (Mỹ), không nên mong đợi một bước đột phá trong quan hệ song phương sau hội nghị thượng đỉnh.

"Các điểm tranh chấp chính sẽ vẫn là Đài Loan, tham vọng của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông và thương mại. Biden sẽ tìm cách đạt được một số thỏa thuận về các vấn đề thương mại, nhưng, ông không còn nhiều dư địa để điều động trước cuộc bầu cử năm 2022 có chú ý đến việc Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù", - ông David Schultz nói.

Ngày 15/1 năm 2020, sau nhiều tháng đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo đó, Mỹ vẫn áp mức thuế 25% và 7,5% lần lượt đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD và 120 tỷ USD từ Trung Quốc.
"Người cầm lái": Chủ tịch Trung Quốc được tôn vinh ngang mức Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình
Thỏa thuận cũng bao gồm điều khoản Trung Quốc tăng nhập khẩu 75 tỷ USD đối với hàng công nghiệp, 50 tỷ USD với mặt hàng năng lượng, 40 tỷ USD hàng nông sản và khoảng 35-40 tỷ USD hàng hóa dịch vụ khác của Mỹ trong hai năm. Bằng cách này Hoa Kỳ muốn đưa sự mất cân bằng trong thương mại với Trung Quốc, vốn trị giá hàng trăm tỷ đô la, về một mẫu số "công bằng".
Trong ba quý đầu năm 2021, trao đổi hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch ngoại thương đạt 543 tỷ USD, năm ngoái chỉ số này đã tăng 8,3% và lên tới 586 tỷ USD.
Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình mời Joe Biden tham dự Thế Vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ chấp nhận lời mời vì điều đó sẽ giúp ông ghi thêm điểm chính trị trước thềm cuộc bầu cử quốc hội.
“Chuyến thăm này sẽ có tầm quan trọng y như cuộc gặp Richard Nixon và Mao Trạch Đông ở Trung Quốc. Joe Biden sẽ rất khó để từ chối khi có cơ hội sử dụng chuyến thăm này vì mục đích chính trị trong cuộc bầu cử năm 2022”, - ông Schultz nói.
Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã xấu đi rõ rệt dưới thời Tổng thống Donald Trump, khi Hoa Kỳ khởi xướng một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, bắt đầu gây sức ép quá mức lên các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei và ZTE, sau đó áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và vì cuộc đàn áp ở Hồng Kông, bao gồm cả việc thông qua luật an ninh quốc gia. Hoa Kỳ cũng tiếp tục đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã thất bại trong việc ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, và càng làm trầm trọng thêm căng thẳng khi có các cuộc tiếp xúc thường xuyên với Đài Loan.
Trung Quốc chuẩn bị bước vào thời kỳ giữa Thế chiến III và cuộc cách mạng mới
Theo truyền thống, Bắc Kinh lên tiếng phản đối các hành động của Washington, phủ nhận cáo buộc và kêu gọi đưa quan hệ song phương đi đúng hướng. Sau khi Joe Biden lên nắm quyền, trong mối quan hệ giữa hai nước chưa có dấu hiệu tan băng. Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo duy nhất của một cường quốc lớn mà Joe Biden chưa gặp mặt trên cương vị Tổng thống, hai nhà lãnh đạo chỉ tiến hành hai cuộc điện đàm.
Trong cuộc điện đàm gần đây nhất vào ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về nghĩa vụ của 2 quốc gia để đảm bảo sự cạnh tranh không chuyển hướng đến xung đột, cũng như về vấn đề biến đổi khí hậu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi cuộc trao đổi của hai nhà lãnh đạo là thẳng thắn và sâu rộng.
Thảo luận