Vì sao Việt Nam liên tục trúng cử vào nhiều tổ chức lớn của quốc tế?

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày 17/11, Việt Nam đã lần thứ 5 trúng cử thành viên Hội đồng UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu đồng thuận rất cao. Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang chia sẻ những yếu tố giúp Việt Nam liên tục được ứng cử vào các tổ chức quốc tế trong thời gian gần đây.
Sputnik

Tỷ lệ 92% số phiếu chấp thuận

Ngày 17/11, trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025
Với số phiếu rất cao, 163/178, tương đương với 92%, đây là lần thứ năm Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO.
Vì sao Việt Nam là 'mắt xích' quan trọng trong UNESCO?
Ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, thuộc Bộ Ngoại giao, đồng thời là trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 cho biết:
"Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO".
Ông Mai Phan Dũng cho biết đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
Đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử trong những năm vừa qua.
Chia sẻ về kết quả đáng mừng này, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, UNESCO là một trong các tổ chức chuyên môn quan trọng của Liên hợp quốc, phụ trách hợp tác về giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin-truyền thông.
Đây đều là những lĩnh vực nền tảng gắn liền với sự phát triển quốc gia và góp phần vào gìn giữ hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

"Trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện “trách nhiệm kép” của Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững, đồng bộ và toàn diện".

Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp thực chất vào các vấn đề quốc tế mà UNESCO đang quan tâm thúc đẩy.

'Năm 2021 thực sự là một năm có nhiều tin vui của đối ngoại đa phương'

Như Sputnik đã đưa tin, ngày 12/11 vừa qua Đại sứ Nguyễn Hồng Thao của Việt Nam đã tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc với số phiếu bàu 149/191.
Đằng sau việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang thông tin, tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025.
Vào tháng 8/2021, Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới nhiệm kỳ 2022-2025.
Sự kiện ngày 17/11 khi Việt Nam là một trong 27 nước trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 đánh dấu lần thứ 5 Việt Nam trúng cử thành viên của tổ chức quốc tế này.
Bốn lần trước diễn ra vào các năm 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và 2015-2019. Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang khẳng định thêm:
"Năm 2021 thực sự là một năm có nhiều tin vui của đối ngoại đa phương".
Đặng Hoàng Giang
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Thời gian qua, Việt Nam đã được bầu vào nhiều vị trí quan trọng của Liên hợp quốc, ASEAN, UNESCO.
Thứ trưởng Giang cho biết đây là nhờ vào việc Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng cử, bầu cử tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản, đồng bộ kế hoạch ứng cử trong nhiều năm qua của Việt Nam.
Cũng là nỗ lực, quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao với các bộ, ngành liên quan cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong và ngoài nước.
Việc Việt Nam trúng cử thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế; là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO.
Thảo luận