Từ 10 triệu đồng bị đánh mất và khoản tín dụng đen lên tới 300 triệu
T. là sinh viên năm 2, ngành ngôn ngữ Anh của trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Theo lời kể, vì đánh mất khoản tiền đóng học phí khoảng hơn 10 triệu đồng nên T. đã đi vay "tín dụng đen" qua ứng dụng di động (app) trực tuyến.
Tuy nhiên theo thời gian, lãi mẹ đẻ lại con từ các app tín dụng đen mà T. vay chỗ này đập vào chỗ kia, số tiền vay bao gồm lãi đã lên tới gần 300 triệu đồng. Những ngày qua, T. liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi doạ dẫm khiến nữ sinh này hoảng loạn.
“Em gái tôi hiện rất hoảng loạn, có dấu hiệu trầm cảm khi liên tục nhận tin nhắn đòi nợ, doạ dẫm”, anh D - anh trai T vừa cho biết thông tin.
Trước đó vào ngày 16/11, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông thuộc trường đại học mà T. đang học cũng đã lên tiếng xác minh thông tin này là sự thật.
Cụ thể, T đã chia sẻ với nhà trường, sau khi mất 10 triệu đồng mà gia đình gửi cho để đóng học phí hồi tháng 11/2020. Vì lo sợ, em đã vay qua ứng dụng cho vay trực tuyến với lãi suất cao, dự định chi tiêu tiết kiệm và làm thêm để trả nợ.
Đáo hạn, nữ sinh không đủ tiền trả nợ, liền được giới thiệu qua các ứng dụng vay tiền khác. Sau gần một năm, số tiền cả gốc lẫn lãi tăng lên quá lớn, em bị nhắn tin, gọi điện đe dọa. Không chịu nổi áp lực, em đã thú thực với gia đình.
'Tất cả đều thuộc một đường dây'
Việc các app vay tiền hay còn gọi là 'tín dụng đen' không còn mới lạ ở Việt Nam những năm gần đây. Cũng từng có nhiều người vì túng quẫn quá mà chấp nhận 'vay khẩn' với lãi suất cao ngất trời nhưng sau đó không trả đúng hạn lại bị bên cho vay nhắn tin, gọi điện để đe doạ trả nợ.
Lấy ví dụ, với một khoản vay tầm 12 triệu đồng thì người vay sẽ thực nhận là 10 triệu, 2 triệu còn lại là chi phí lãi suất và phải trả đúng hạn sau khoảng thời gian 15 ngày hoặc 30 ngày, thời gian càng dài lãi suất càng cao và số tiền thực nhận càng ít.
Khi người vay không có khả năng chi trả đúng hạn sẽ bắt đầu có những số điện thoại từ các app vay tiền khác gọi điện 'mời chào' vay tiếp.
Tuy nhiên trên thực thế tất cả các app vay tiền đều cùng một chủ sở hữu và thông tin người dùng cũng đã được 'hệ thống' này nắm rõ. Về vấn đề này, bà Thoa thông tin thêm:
"Danh sách các khoản vay gia đình cung cấp cho thấy, em này vay tiền ở hàng chục ứng dụng khác nhau, lãi mẹ đẻ lãi con. Khi khoản này đến hạn trả tiền, không vay thêm được nữa thì em được giới thiệu ứng dụng khác, tất cả đều thuộc một đường dây".
Bà cũng cho biết, đây không phải lần đầu sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM vướng vào các khoản nợ tín dụng đen.
Các ứng dụng cho vay lãi suất cao thường đánh vào sự non nớt của sinh viên năm nhất hoặc năm hai. Nhà trường liên tục cảnh báo sinh viên không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất cao.
"Sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người ngoài hoặc trên ứng dụng, diễn đàn không rõ ràng. Trường khuyến cáo sinh viên khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính có thể liên hệ để nhà trường để tìm cách hỗ trợ, giải quyết", bà Thoa chia sẻ.
Chính vì thế việc nữ sinh viên của trường từ khoản vay đầu tiên là 10 triệu qua thời gian cộng dồn lãi suất của khoản 'vay nóng' và lên tới 300 triệu đồng không phải là điều quá bất ngờ.
Điều đáng chú ý, khi không trả đúng hạn, 'tổ chức' này sẽ cho nhân viên liên tục nhắn tin, điện thoại cho người vay để uy hiếp tinh thần. Không những thế trong các app vay tiền còn yêu cầu cung cấp số điện thoại người thân trong gia đình trong trường hợp không liên lạc được với người vay, sẽ bắt đầu gọi điện khủng bố người quen.
Theo anh D., em gái anh kể rằng ban đầu chỉ vay mấy triệu với mức trả hàng tháng chỉ mấy trăm nghìn. T. nghĩ mỗi tháng chỉ mấy trăm nghìn là một số tiền nhỏ, nhưng sau đó không trả được và cũng không dám nói ra. Khi không trả được thì các app mới lại mở ra và cho vay đủ tiền để đáo hạn. Bị đe doạ nên em tiếp tục vay rồi vay nữa, dẫn tới khoản nợ lớn.
Trong khi đó, việc vay qua app có điều kiện rất dễ dàng.
"Việc cho vay như một cái bẫy dành cho những người nhẹ dạ. Người vay chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và cho truy cập vào danh bạ điện thoại. Vì vậy, sau khi vay và chưa trả hết thì bản thân người vay và gia đình, bạn bè liên tục bị đòi nợ, hù doạ" - anh D. nói.
Vụ việc cũng là cảnh báo cho sinh viên nói riêng và những người có ý định tin tưởng vào các khoản 'tín dụng đen' để 'vay tạm' nói chung.
Trước đó tại cuộc họp Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng cho biết sẽ trấn áp, truy quét, xử lý tội phạm tín dụng đen này. Tuy nhiên, Đại tướng cũng nói thêm:
“Vi phạm vi giữa dân sự và hình sự ở đây khoảng cách rất mong manh, quan hệ vay tín dụng và thỏa thuận mức lãi thông thường là quan hệ dân sự, có sự đồng ý của cả bên vay và bên cho vay, nhưng đi quá phạm vi của việc đó hoặc có dấu hiệu lừa đảo, dấu hiệu phạm tội hình sự thì mới là phạm vi xử lý hình sự”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.
Chính vì thế việc 'dẹp loạn' những tổ chức tín dụng đen không hề đơn giản, cho đến hiện nay, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.