Số ca tử vong, nguy kịch giảm mạnh sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128
Ngày 20/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, sau hơn 1 tháng cả nước triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP (Nghị quyết 128) của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128 (từ 11/10 đến 19/11/2021), cả nước ghi nhận 105.543 ca cộng đồng. So với tháng trước đó, số ca cộng đồng cả nước tăng 2,9%, nhưng số ca tử vong giảm 46,3%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%.
Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành phố) do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.
“Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay.
Tính đến ngày 19/11, Việt Nam đã tiếp nhận 131,2 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 và phân bổ 129,6 triệu liều (1,6 triệu liều chưa phân bổ do vắc-xin mới được tiếp nhận đang kiểm định). Cả nước đã tiêm được hơn 106 triệu liều (trong tuần đã tiêm được 8,2 triệu liều, giảm 2 triệu liều so với tuần trước đó); tỉ lệ tiêm 1 liều vắc-xin là 89,4%, 2 liều vắc-xin là 53,4% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế cho biết thêm, hiện 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Có 49 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128 hoặc văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất, giao thông... Trong đó, kế hoạch của 25 tỉnh, thành phố đã quy định các biện pháp hành chính cho 4 cấp độ dịch; kế hoạch của 24 tỉnh, thành phố chỉ có biện pháp hành chính cho cấp độ dịch hiện tại trên địa bàn.
Báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 như một số địa phương chưa ban hành kế hoạch thích ứng cho cả 4 cấp độ dịch hoặc chỉ có kế hoạch cho 1 cấp độ dịch hiện tại của địa phương; thực hiện xét nghiệm, cách ly đối với người di chuyển về từ các tỉnh có số mắc cao; thời gian cách ly F1 đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh.
Tuy vậy, tình hình kinh tế – xã hội vẫn có nhiều khởi sắc, thị trường lao động đang từng bước hồi phục, khắc phục chuỗi đứt gẫy lao động. Cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Sự phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá nhịp nhàng. Xuất khẩu tiếp tục tăng, thu hút FDI tăng. Các vấn đề về an sinh xã hội đang được rà soát và khắc phục bất cập.
Sớm hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, tại một số nơi, một số lúc vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là; y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế; việc tổ chức tiêm ở một số thời điểm có nơi còn chậm; công tác phối hợp giữa các địa phương vẫn còn những bất cập, thiếu chặt chẽ, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục góp ý, bổ sung để hoàn thiện Nghị quyết 128, hoàn thiện các biện pháp, quy trình trong phòng, chống dịch để thực hiện đồng bộ, thông suốt từ trên xuống dưới.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, tuy tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc; song nguy cơ bùng phát trở lại vẫn rất cao. Do đó, yêu cầu các cấp, các ngành phải nắm chắc, dự báo, phân tích tình hình tốt hơn để có giải pháp phòng, chống dịch khả thi, hiệu quả.
Trong phát triển kinh tế, do diễn biến giá dầu, giá dịch vụ logistics trên thế giới tăng nên ảnh hưởng đến tình hình phục hồi, phát triển kinh tế trong nước. Thủ tướng giao Bộ Y tế tổ chức tổng kết, đánh giá về tình hình và các giải pháp phòng, chống dịch đợt thứ 4 để hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 trình cấp có thẩm quyền.
“Các cấp, các ngành tiếp tục đánh giá, góp ý bổ sung Nghị quyết 128 của Chính phủ; bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội đồng bộ và thống nhất từ trên xuống dưới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Các địa phương được yêu cầu sớm hoàn thiện kế hoạch, kịch bản thực hiện Nghị quyết 128 phù hợp với tình hình thực tế; có kế hoạch hỗ trợ lẫn nhau cùng cấp khi xảy ra dịch bệnh; phối hợp để người dân di chuyển giữa các địa phương thuận lợi và an toàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các tỉnh, thành phố
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, phấn đấu hết năm 2021 hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đủ 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên, có kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em và tiêm vaccine mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Đặc biệt, chủ động đáp ứng thuốc điều trị Covid-19, trong đó cắt giảm thủ tục hành chính để phân bổ ngay thuốc điều trị cho các địa phương.
Các bộ, ngành được giao phối hợp xây dựng, sớm ban hành quy định, quy trình xét nghiệm, cách ly phù hợp. Cụ thể, xem xét xã hội hóa công tác xét nghiệm; xem xét bố trí kinh phí để các bộ, ngành, địa phương mua sắm vật tư, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, nếu vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, tránh lơ là, chủ quan, nhưng không hoảng hốt trong phòng, chống dịch; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nội dung, kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 các cấp phù hợp với tình hình mới; phối hợp chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch; nghiên cứu, ban hành quy định về xuất, nhập cảnh phù hợp tình hình.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội.