Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa theo hình thức đầu tư công, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành vào năm 2025.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa có chiều dài 82,75 km với điểm đầu giao với Quốc lộ 14 tại Km 999+700 thuộc huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Điểm cuối tại nút giao đường tỉnh ĐT.825 và tuyến tránh Hậu Nghĩa thuộc huyện Đức Hòa (tỉnh Long An).
Quá trình thực hiện sẽ được chia làm 2 đoạn, trong đó đoạn 1 (Km 0 – Km 10) sẽ tận dụng đoạn đã đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) theo giai đoạn hoàn thiện quy mô 6 làn xe cao tốc. Đoạn 2 (Km 10 – Km 82+750) sẽ được đầu tư quy mô đường cấp III, 2 làn xe, chiều rộng nền đường 12,25 m, chiều rộng mặt đường 11,25 m như quy mô đã được phê duyệt và thi công dang dở, thực hiện GPMB theo giai đoạn hoàn thiện quy mô cao tốc 6 làn xe.
Mặc dù chỉ được phân kỳ đầu tư theo quy mô tương đương đường cấp III, tuyến Chơn Thành – Đức Hòa vẫn đạt tiêu chuẩn hình học phù hợp với đường cao tốc loại A, vận tốc 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án trong giai đoạn phân kỳ là 3.482 tỷ đồng.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa thuộc đường cao tốc Bắc – Nam phía tây, được thi công từ quý IV/2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án đường Chơn Thành – Đức Hòa phải dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Dự án chỉ mới thi công 3 gói thầu (gói 1, 2, 42) nối thông 10 km từ quốc lộ 14 đến quốc lộ 13 thuộc tỉnh Bình Phước.
Khẩn trương huy động vốn thực hiện cao tốc Bắc – Nam đoạn Nha Trang – Cam Lâm
Mới đây, Bộ GTVT đã có công văn gửi Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) và Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) về việc huy động nguồn vốn thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đoạn Nha Trang – Cam Lâm theo phương thức PPP (hợp tác công tư).
Đại diện Bộ GTVT cho biết, đây là lần thứ 3 trong vòng một tháng trở lại đây, Bộ có công văn thúc tiến độ ký hợp đồng tín dụng dự án này. Cụ thể, Bộ đã yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án khẩn trương đàm phán hợp đồng tín dụng với các tổ chức ngân hàng hoặc có phương án huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án theo đúng quy định hợp đồng.
“Bộ GTVT sẽ xử lý vi phạm hợp đồng trong trường hợp nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án không huy động đủ và đúng hạn nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được yêu cầu tăng cường đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư/doanh nghiệp trong quá trình đàm phán hợp đồng tín dụng với các tổ chức ngân hàng hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án; tổng hợp, kịp thời báo cáo Bộ GTVT kết quả, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động nguồn vốn thực hiện dự án.
Trước đó, ngày 6/5, Bộ GTVT đã cùng Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (nhà đầu tư dự án), Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm ký kết hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) dự án thành phần đoạn Nha Trang – Cam Lâm.
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Nha Trang – Cam Lâm có chiều dài khoảng 50 km với điểm đầu tại Km 5+783 thuộc xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh) và điểm cuối tại Km 54 thuộc xã Cam Thịnh Tây (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).
Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 5.524 tỷ đồng.Trong giai đoạn đầu, tuyến đường được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe với nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đoạn cao tốc có 1 hầm đường xuyên núi Dốc Sạn dài khoảng 700 m với 2 ống hầm và một số cầu lớn. Thời gian xây dựng 2 năm, vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.