Ông Turnbull đã kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng vào tháng 8-2018 và chính là người ban hành lệnh cấm Huawei tiến hành xây dựng các mạng 5G tại Úc.
Theo lời ông, mặc dù Australia chưa bao giờ trực tiếp cáo buộc Huawei về tội gián điệp hoặc bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào, nhưng, việc các công ty Trung Quốc có nghĩa vụ hợp tác với các cơ quan tình báo đã là một mối đe dọa an ninh. Vì vậy, cựu Thủ tướng Australia cho rằng, Canada nên cấm tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc cung cấp thiết bị cho hệ thống mạng 5G.
Ông Turnbull đã đưa ra tuyên bố này tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax (Halifax International Security Forum, HFX). Canada chưa đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của Huawei tại nước này. Đến nay, Ottawa chỉ yêu cầu tập đoàn viễn thông nhà nước Trung Quốc China Mobile ngừng hoạt động tại quốc gia này. Cựu Thủ tướng Australia quyết định chia sẻ kinh nghiệm của mình. Ông nêu ví dụ về vụ bắt giữ hai công dân Canada ở Trung Quốc, trùng hợp với vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Turnbull cho rằng, trường hợp này là một ví dụ rõ ràng về cách toàn bộ hệ thống Trung Quốc hoạt động vì lợi ích của nhà nước. Turnbull nhấn mạnh, lý do duy nhất để duy trì phần cứng Huawei trong cơ sở hạ tầng của bạn là nếu bạn sẵn sàng cấp quyền truy cập từ bên ngoài vào cơ sở hạ tầng quan trọng của mình.
Mặc dù Turnbull đảm bảo rằng, quyết định của Australia đối với Huawei không mang tính chính trị và chỉ dựa vào ý kiến của các chuyên gia kỹ thuật đã kiểm tra thiết bị của nhà cung cấp Trung Quốc, nhưng, cả Turnbull và bất kỳ ai khác chưa từng cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy thiết bị của Huawei nguy hiểm hơn so với Ericssson hoặc Nokia. Thật vậy, các mạng không dây có thể bị xâm nhập từ bên ngoài. Thiết bị tiếp nhận, truyền đi và xử lý dữ liệu có những nguy cơ rò rỉ thông tin. Điều này cũng áp dụng cho hệ thống máy tính, điện thoại, v.v. Không có gì phải bàn cãi - mỗi quốc gia phải đảm bảo an ninh cho hệ thống viễn thông của mình. Chính bởi vậy các chuyên gia phát triển các thuật toán mã hóa và các yếu tố khác bảo vệ mạng. Về phần mình, Huawei đã nhiều lần mời mọi người đánh giá mức độ an toàn của thiết bị do công ty sản xuất. Họ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với bất kỳ cấu trúc nào đảm bảo an ninh thông tin trong một quốc gia cụ thể.
Nền tảng cho các cáo buộc nhắm vào Huawei là gì?
Vấn đề là ở chỗ: tất cả các cáo buộc chống lại Huawei chỉ dựa trên một lập luận: theo pháp luật Trung Quốc, bất kỳ công dân hoặc công ty nào bắt buộc phải "hợp tác với công việc tình báo của nhà nước", tức là phải giao dữ liệu cho Bắc Kinh nếu cần thiết. Do đó, theo kết luận của các đối thủ của Huawei, các cơ quan tình báo của Trung Quốc có thể truy cập không hạn chế vào các mạng viễn thông của các quốc gia khác.
Nhưng, thành thật mà nói, đây là tầm nhìn hạn hẹp, ít nhất là từ quan điểm kỹ thuật. Tại Trung Quốc không có luật nào bắt buộc Huawei phải xây dựng mạng lưới ở các quốc gia khác theo các thông số nhất định. Nói cách khác, ở các quốc gia khác, Huawei có thể tự do hoạt động theo yêu cầu của luật pháp địa phương. Nếu quốc gia khác yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo mật, mã hóa dữ liệu, v.v. - công ty sẽ tuân thủ các yêu cầu này. Và quyền truy cập vào dữ liệu chỉ đơn giản không có sẵn về mặt vật lý. Trong trường hợp này, bất cứ luật nào của Trung Quốc yêu cầu chuyển dữ liệu sang các dịch vụ đặc biệt không thể được thực hiện đầy đủ. Hơn nữa, đạo luật không quy định loại dữ liệu nào mà các công ty và cá nhân được yêu cầu cung cấp cho nhà nước.
Alykhan Velshi, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của Huawei Canada, nhấn mạnh: "Chúng tôi bán hàng ở 180 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi phải tuân thủ luật pháp của từng quốc gia đó".
Nếu Huawei vi phạm những luật này, hoặc chỉ đơn giản làm giảm uy tín của công ty theo bất kỳ cách nào, Huawei sẽ chỉ bán sản phẩm ở quê nhà. Và điều này sẽ phá hủy hoàn toàn mọi hoạt động kinh doanh quốc tế. Ông Velshi cho biết, hầu hết trong số khoảng 1.600 nhân viên của Huawei tại Canada đều tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, cũng như tiếp thị các sản phẩm khác ngoài thiết bị mạng dành cho các hãng viễn thông.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Vương Nghĩa Nguy (Wang Yiwei), Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân Dân (Trung Quốc), nhận xét rằng, thiết bị của Huawei đã bắt đầu chinh phục thị trường thế giới nhờ đặc tính kỹ thuật và giá cả cạnh tranh. Theo ông, cái gọi là yêu cầu bảo vệ an ninh mạng quốc gia đi ngược lại quy luật tự nhiên của thị trường và sự phân công lao động quốc tế. Do đó, việc loại bỏ thiết bị của Huawei sẽ chỉ dẫn đến chi phí cao hơn cho các nhà khai thác di động và cuối cùng là cho người dân.
Đối với Canada cũng như nhiều quốc gia khác, vấn đề chấp nhận cho Huawei xây dựng mạng 5G đang gây tranh cãi bởi vì các mạng lưới 4G/LTE thế hệ trước được xây dựng bằng thiết bị của Huawei. Về mặt kỹ thuật, các mạng được sắp xếp theo cách mà rất khó gắn thiết bị của các nhà cung cấp khác. Các mạng di động được xây dựng theo nguyên tắc “mỗi khu vực có một nhà cung cấp”. Vì vậy, nếu đặt ra nhiệm vụ loại bỏ thiết bị của Huawei, bạn cần phải làm lại toàn bộ cơ sở hạ tầng hiện có, mà việc thực hiện nhiệm vụ này là rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Hiện vẫn chưa rõ yếu tố nào sẽ tác động mạnh hơn đến quyết định của Canada: sự phụ thuộc chính trị vào Hoa Kỳ, hay những cân nhắc kinh tế, chuyên gia Vương Nghĩa Nguy nhận xét.
Các nhà khai thác di động ở Canada đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nhà cung cấp Trung Quốc trong những năm tới. Vì thế, BCE Inc., Telus Corp. và Rogers Communications Inc. áp dụng các biện pháp đề phòng, họ đang xem xét khả năng mua thiết bị từ Ericsson, Nokia hoặc Samsung để xây dựng mạng 5G. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại về quyết định cuối cùng của chính phủ, bởi vì có nguy cơ họ sẽ phải xây dựng lại toàn bộ cơ sở hạ tầng và mất hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, các nhà chức trách Canada không vội đưa ra quyết định. Họ hiểu rằng, có chú ý đến sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, phản ứng của Bắc Kinh có thể vô cùng đau đớn. Nhân đây, cựu Thủ tướng Australia Turnbull đã thừa nhận tại diễn đàn HFX: Australia đã tự tạo ra nhiều vấn đề cho chính mình do sự dẫn dắt của Hoa Kỳ.
“Bài học là như sau: không nên đao to, búa lớn. Để cho người Mỹ đưa ra những tuyên bố như vậy. Chỉ cần bình tĩnh và kiên định bảo vệ chủ quyền của mình”, - ông nói.
Turnbull lưu ý rằng, không nên gây rắc rối và can thiệp vào cuộc chiến giữa hai ông khổng lồ - Hoa Kỳ và Trung Quốc. Rốt cuộc, những hành động mà Trung Quốc có thể tha thứ cho Hoa Kỳ, họ sẽ không tha thứ cho các quốc gia khác.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.