Việt Nam giám sát chặt hoạt động của Netflix, Apple TV, WeTV, Disney Plus

Netflix, Apple TV, WeTV, IQIYI, Disney Plus được cho là đang hoạt động “ngoài vòng pháp luật” ở Việt Nam do đến nay vẫn chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thực hiện cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền xuyên biên giới tại Việt Nam.
Sputnik
Cùng với đó, các cơ quan thuế của Việt Nam cũng đang đẩy mạnh thu thuế phát sinh từ Google, Facebook, Youtube, Netflix, Apple cũng như các sàn thương mại điện tử.

Netflix, Apple TV, WeTV, Disney Plus vào tầm ngắm

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, tại Việt Nam hiện có 22 doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên mạng internet (được gọi là OTT TV).
Kể từ 2017 đến nay, OTT TV đã chiếm lĩnh 20% thị trường, với khoảng 3,6 triệu thuê bao, doanh thu gần 190 tỷ đồng. Bên cạnh các kênh chương trình, OTT TV còn mang đến 20.000 giờ nội dung truyền hình theo yêu cầu (VOD), trong đó 60% thời lượng là phim các loại.
Netflix muốn sản xuất tại Việt Nam
Nội dung của VOD rất đa dạng, được sản xuất ở cả trong và ngoài nước và đều được biên tập trước khi đến tay người dùng dịch vụ.
Các doanh nghiệp hàng đầu trong nước hiện đang cung cấp OTT TV có thể kể đến như FPT (FPT Play), Viettel (Next TV), VNPT (MyTV), VTVcab (Oncab)...
Lợi thế của các nhà cung cấp này là ngoài kinh doanh dịch vụ truyền hình còn cung cấp các dịch vụ viễn thông khác trên cùng hạ tầng truyền dẫn.
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet mà các doanh nghiệp trong nước cung cấp đang làm khá tốt nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người dân và đảm bảo các quy định quản lý nội dung của nhà nước.
Tuy nhiên, công nghệ truyền dẫn internet băng rộng phát triển mạnh cũng mang đến các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có những nội dung không được biên tập trước, có thu tiền qua tài khoản ngân hàng.
Hiện cơ quan quản lý đang lưu tâm theo dõi các dịch vụ như WeTV, IQIYI, Netflix, Apple TV, Disney Plus...
Các dịch vụ này cung cấp nội dung giải trí nước ngoài đa dạng cho mọi lứa tuổi, gồm các sản phẩm như phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, phim hoạt hình, trò chơi truyền hình thực tế, các chương trình thể thao quốc tế.
Được biết, cho đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa cấp phép cho các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền xuyên biên giới tại Việt Nam (như Netflix, WeTV...).
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, các nội dung chương trình không được biên tập theo quy định pháp luật của Việt Nam mang lại nguy cơ rủi ro lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân.

Vi phạm chủ quyền, xuyên tạc lịch sử

Vừa qua, một số phim trên Netflix có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm về văn hóa, thậm chí có những phim sai lệch với lịch sử đấu tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc.
Khi phát hiện ra vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi các bằng chứng vi phạm và văn bản đến đại diện pháp lý của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ đó để yêu cầu chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam...
Netflix sẽ ra mắt sản phẩm tương tự như TikTok dành cho trẻ em
Dù vậy, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, những giải pháp tình thế này không đem lại hiệu quả quản lý thực sự, do dịch vụ này vẫn thu tiền của người Việt nhưng ko chịu sự điều chỉnh của quy định truyền hình trả tiền và quy định về phí, dẫn đến việc nhà nước thất thu phí.
Ngoài ra, dù cho doanh nghiệp có gỡ bỏ nội dung sai phạm theo yêu cầu thì nội dung đó cũng đã tác động, ảnh hưởng đến người xem. Do đó, hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật, chống phá, vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam là không cao.
Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi chính sách pháp luật trong quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp xuyên biên giới tại Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, việc xây dựng, sửa đổi chính sách pháp luật như sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ… sẽ góp phần quản lý hiệu quả dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường truyền hình trả tiền, đồng thời điều chỉnh được đối tượng là các doanh nghiệp xuyên biên giới.

Tăng thu thuế phát sinh từ Facebook, Google, Apple, Netflix

Theo công bố mới đây của cơ quan thuế ở Việt Nam, dựa vào dữ liệu của 4 ngân hàng thương mại cung cấp, trong năm 2020 và ba tháng đầu năm 2021, đã có 4.784 tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google, Facebook, Youtube, Apple, Netflix với tổng số tiền nhận từ nước ngoài đạt trên 48 triệu USD và hơn 20 tỷ đồng.
Người dùng Việt Nam và thế giới nhận ra mình đã quá phụ thuộc vào Facebook, Instagram
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM xác nhận, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) làm việc với các công ty đối tác tại Việt Nam của Google (thường gọi là MCN - Multi Channel Network, hệ thống mạng lưới đa kênh) làm nhiệm vụ quản lý các kênh YouTube tự sản xuất nội dung số và có chi hộ tiền của Google cho các cá nhân là các YouTuber tại Việt Nam.
Cục Thuế sau đó có văn bản đề nghị các MCN khấu trừ thuế nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Cơ quan thuế cũng cung cấp tên các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nội dung số có nhận thu nhập từ Google mà không đồng ý cho khấu trừ nộp thay thuế.
Tổng lại, Cục Thuế TP.HCM đã ghi nhận 3.101 cá nhân với mức doanh thu 379 tỷ đồng, đã thu nộp vào ngân sách nhà nước được 20 tỷ đồng.
Để quản lý các hoạt động mua bán thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo có thuê các doanh nghiệp giao nhận, cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa đến tay người mua và ủy quyền cho các doanh nghiệp này thu hộ tiền bán hàng, cơ quan thuế đã xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng, nhất là các đơn vị thu hộ tiền bán hàng (COD) của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử cho cơ quan thuế, với nội dung cung cấp gồm số lượng hàng hóa vận chuyển, số tiền thu hộ.
Đừng để thông tin cá nhân của bạn ‘vỗ béo’ Facebook, Google
Tính đến hết tháng 6 vừa qua, tính riêng dữ liệu thu thập được của năm 2017 và năm 2018 trên địa bàn thành phố là 14.686 tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền thu hộ gần 15.100 tỷ đồng.
“Hiện tại cơ quan thuế đang triển khai xác định về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân trong danh sách, yêu cầu giải trình và xử lý theo quy định đối với các trường hợp sai phạm”, ông Lê Duy Minh cho biết.
Theo ông Minh, do số lượng ngân hàng hợp tác thời gian qua còn ít nên số liệu thu thập chưa được nhiều.
Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 đề cập đến cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan ban ngành, trong đó có phối hợp với các ngân hàng nên khả năng dữ liệu được tập hợp đầy đủ hơn, góp phần chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực thương mại điện tử. Việc đẩy mạnh thu thuế phát sinh từ Google, Facebook, Netflix, Apple, sàn thương mại điện tử được coi là một trong những đề án trọng điểm thực hiện trong thời gian tới.
Từ 1/1/2022, các sàn thương mại điện tử thực hiện cung cấp thông tin với các cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử. Trước đó, Tổng cục Thuế phối hợp với Bộ Công thương khảo sát một số sàn thương mại điện tử trong tháng 8 để xây dựng chuẩn dữ liệu, dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn.
Đồng thời, từ ngày 1/10/ 2021 đến 1/1/2022, Tổng cục Thuế và các sàn thương mại điện tử triển khai nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc cung cấp thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.
Thảo luận