Tuần trước Nhà Trắng công bố kế hoạch tác động đến thị trường dầu mỏ. Do trước đây Hoa Kỳ không thể đồng thuận với các nước OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu, nên người Mỹ quyết định tự mình hành động. Washington hứa Hoa Kỳ sẽ đưa thêm dầu ra thị trường từ nguồn dự trữ chiến lược của mình. Mỹ kêu gọi các đồng minh của mình, bao gồm Ấn Độ, Anh và Nhật Bản, cũng làm như vậy. Ngoài ra, Washington cũng đưa ra đế xuất với Trung Quốc như là nước tiêu thụ dầu lớn nhất.
Ban đầu, Mỹ quyết định đưa ra thị trường khoảng 50 triệu thùng, tương đương với mức tiêu thụ xấp xỉ 2,5 ngày của cả nước. Ấn Độ hứa sẽ "bỏ ra" 5 triệu thùng. Anh từ chối đảm bảo bất cứ điều gì, nhưng cho biết họ sẽ không phản đối nếu các cơ sở lưu trữ dầu tư nhân bán ra tới 1,5 triệu thùng dầu ra thị trường. Nhật Bản đồng ý cung cấp vài trăm nghìn tấn dầu, đồng thời không nói rõ lời hứa này sẽ được thực hiện trong khung thời gian nào.
Theo Reuters, ngay cả trước khi dầu dự trữ được tung ra, giá dầu trên thị trường thế giới đã giảm gần 10%. Tuy nhiên, sau đó giá dầu Brent phục hồi lên 82,70 đô la Mỹ một thùng. Như Goldman Sachs giải thích, lượng dầu xuất xưởng từ kho chứa mà các nước công bố chỉ muối bỏ biển trong lương tiêu thụ nhiên liệu đen hàng ngày trên thị trường thế giới. Năm nay, nhu cầu dầu thế giới trung bình là 96,5 triệu thùng/ngày. Như vậy, lượng dầu xuất hiện thêm trên thị trường thậm chí còn ít hơn so với nhu cầu hàng ngày. Có lẽ các bước tiếp theo sẽ được tiếp tục, nhưng cho đến nay các biện pháp được thực hiện vẫn chưa làm thị trường phấn khích.
Mỹ không thể một tay ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu
Do đó, họ buộc phải phối hợp hành động với các quốc gia khác. Tất nhiên, Ấn Độ và Nhật Bản là những nước đóng vai trò quan trọng, nhưng khối lượng mua và tiêu thụ dầu mỏ của họ không đáng kể bằng Trung Quốc. Do đó, điều quan trọng bây giờ là chính quyền Biden cần tìm hiểu về vấn đề này với phía Trung Quốc, Mei Xinyu - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nói với Sputnik.
Lạm phát đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ trong năm đã tăng 6,2% - con số cao nhất trong 30 năm qua. Hơn nữa, giá một số mặt hàng thực phẩm và những thứ cần thiết trong cuộc sống hàng ngày còn tăng cao hơn. Ví dụ, thịt xông khói tăng giá 20%, trứng gà - 12%, máy giặt - 15%, xăng - 50%. Và ngay cả khi chính quyền Mỹ đưa ra các biện pháp để giúp người dân vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, làm thu nhập danh nghĩa của các hộ gia đình tăng khá nhanh thì lạm phát thậm chí còn nhanh hơn. Do đó, so với mức tháng 10 năm 2020, thu nhập thực tế của các gia đình Mỹ đã giảm 1,2%.
Theo báo Global Times, vấn đề lạm phát hiện nay đã khiến uy tín của Biden giảm sút. Trừ khi tình hình sớm thay đổi, nếu không, triển vọng của đảng Dân chủ về cuộc bầu cử giữa kỳ rất mờ mịt. Tờ báo Trung Quốc lưu ý mặc dù giá dầu giảm có lợi cho Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc trong tình huống này đang có thế mạnh. Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lời hứa cụ thể về việc đưa dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của mình ra thị trường. Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa cho biết rằng họ sẽ chỉ tung dầu ra từ nguồn dự trữ theo nhu cầu của chính mình.
Tuy nhiên, có một số lý do dẫn đến lạm phát ở Hoa Kỳ, và giá năng lượng cao không phải là vấn đề chính. Giá trong nước tăng nhanh cũng do mức thuế trị giá 360 tỷ USD mà chính quyền Mỹ trước đó áp lên các sản phẩm Trung Quốc. Do nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc không giảm, nên người tiêu dùng Mỹ phải chịu gánh nặng của các mức thuế hiện hành.
Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước nhất định để điều chỉnh giá năng lượng trước mùa đông. Tuy nhiên, họ sẽ thực hiện điều này một cách thận trọng, tránh những biến động mạnh. Trong mọi trường hợp, Trung Quốc khó có thể hành động vì lợi ích của Mỹ, vì Bắc Kinh không chờ đợi các bước đi có đi có lại từ Washington. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố có thể tiếp tục đàm phán thương mại và khôi phục quan hệ với điều kiện là hủy bỏ mức thuế hiện hành đối với các sản phẩm Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với chính quyền Biden, về mặt chính trị là điều cực kỳ khó khăn để thay đổi. Rõ ràng, Hoa Kỳ sẽ thử nhiều biện pháp nửa vời khác nhau trong tương lai, và chỉ bắt đầu điều trị nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh này sau cùng, khi các biện pháp khác tỏ ra không hiệu quả trong thực tế.