Chờ cả buổi được hỗ trợ từ thiện 2.000 đồng do bão lũ ở Quảng Nam: “Tôi quá bất ngờ”

Ở Quảng Nam đang xôn xao vụ bà Nguyễn Thị Kim Truyện, ngụ xã Tam Vinh, Phú Ninh, chỉ nhận được 2.000 đồng tiền hỗ trợ từ thiện ủng hộ thiệt hại do bão lũ.
Sputnik
Lãnh đạo xã Tam Vinh khẳng định đã làm đúng thủ tục quy định. Ai thiệt hại ít thì nhận ít, ai thiệt hại nhiều thì sẽ nhận nhiều. Nhưng qua việc này xã cũng sẽ rút kinh nghiệm trong chi tiền hỗ trợ để tránh gặp phải tình huống nhạy cảm.

Nhận 2.000 đồng thiệt hại do bão ở Quảng Nam: Tôi quá bất ngờ

Bỏ cả buổi chiều đi nhận hỗ trợ thiệt hại do bão, bà Nguyễn Thị Kim Truyện chỉ nhận được vỏn vẹn…2000 đồng.
Thông tin này hiện đang gây xôn xao dư luận Quảng Nam cũng như được báo chí, truyền thông Việt Nam thông tin rộng rãi.
Đề nghị truy tố ông Trương Quốc Cường vì gây thiệt hại 51 tỉ đồng
Theo đó, trao đổi với nhiều báo đài, chiều 26/11, bà Nguyễn Thị Kim Truyện (51 tuổi, ngụ tại xã Tam Vinh, Phú Ninh, Quảng Nam) cho biết ngày hôm qua bà có nhận được giấy mời của chính quyền xã, thông báo đến nhà văn hóa thôn cách nhà 2 km để nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do 2 cơn bão năm 2020.
Bà đến điểm hẹn theo giấy mời lúc 14h, nộp giấy rồi chờ đến lượt nhận tiền. Mãi tới 17h vẫn chưa đến lượt, bà đành nhờ một người bạn nhận giùm rồi phải về có việc. Đến 18h hôm đó, người bạn đưa cho bà 2.000 đồng tiền hỗ trợ.
“Tôi quá bất ngờ, mất cả buổi chiều để nhận 2.000 đồng. Giá như ngay từ đầu xã thông báo số tiền để tôi còn biết lên nhận hay không”, bà Truyện cho hay.
Theo bà, số tiền hỗ trợ thậm chí còn không đủ tiền xăng chạy xe máy cả đi lẫn về 4 km, mua khẩu trang phòng Covid-19.
Về thông tin người dân ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh chỉ nhận được vẻn vẹn 2.000 đồng tiền hỗ trợ sau bão, chính quyền xã Tam Vinh thừa nhận, đúng là có sự việc như trên.

“Xã sẽ rút kinh nghiệm”

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch xã Tam Vinh Huỳnh Thị Thu Vân cho biết, hộ gia đình nhà bà Truyện bị thiệt hại 10 m2 trồng chuối, mức độ thiệt hại trên 70%.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, nếu một hecta chuối bị thiệt hại trên 70% thì người dân được hỗ trợ 4 triệu đồng, quy ra thì bà Truyện nhận được 4.000 đồng.
Tuy nhiên, huyện có quy định hỗ trợ 53% trong tổng số đó nên số tiền mà bà Truyện được nhận giảm xuống còn 2.150 đồng.
Bão số 8 giật cấp 14, Phó Thủ tướng: tránh chủ quan dẫn tới thiệt hại, sự cố đáng tiếc
Đại diện UBND xã Tam Vinh cũng nhắc lại, cơn bão số 6 và 9 năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề cho địa phương.
Sau bão đi qua, chính quyền đã tổ chức kiểm tra thiệt hại của bà con nhân dân trên địa bàn để kiến nghị cấp trên hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 03 của UBND tỉnh ngày 5/2/2018 ban hành quy định mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo Nghị định số 02 của Chính phủ.
Theo lãnh đạo xã Tam Vinh, trên địa bàn có 588 hộ dân bị thiệt hại cây trồng sau bão Linfa và Molave năm 2020. Tổng số tiền người dân xã được hỗ trợ là hơn một tỷ đồng.
Trong số đó, hộ nhận hỗ trợ nhiều nhất là 47 triệu đồng, 31 hộ nhận dưới 10.000 đồng. Hộ nhà bà Truyện là hộ nhận hỗ trợ thấp nhất. Trước khi phát tiền, chính quyền đã công khai danh sách số tiền hỗ trợ.
“Trường hợp của bà Truyện là đúng quy định, nhưng xã cũng sẽ rút kinh nghiệm sau vụ việc”, Phó Chủ tịch xã Tam Vinh cho biết.
Ngày 16/9, UBND huyện Phú Ninh có quyết định số 6167 phê duyệt kinh phí và danh sách đối tượng sản xuất trồng trọt, lâm nghiệp bị thiệt hại trực tiếp do bão, lũ năm 2020, được hỗ trợ để khôi phục sản xuất trên địa bàn xã Tam Vinh với tổng số tiền là hơn 1 tỷ đồng.
Theo bà Thu Vân, sau khi có quyết định số 6167 của UBND huyện, UBND xã Tam Vinh tiếp tục công khai cụ thể và cũng không có hộ dân nào phản ánh việc này. Nên ngày 25/11 xã tổ chức phát kinh phí hỗ trợ cho người dân.
Đến nay, xã mới hỗ trợ cho bà con 2 thôn, các thôn còn lại sẽ in sẵn số tiền trên giấy mời. Nếu thấy số tiền được lãnh quá ít, bà con muốn trả lại thì xã sẽ chuyển lại vào ngân sách nhà nước.

“Chúng tôi sẵn sàng giải thích”

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Tam Vinh là ông Nguyễn Văn Phú cũng khẳng định mọi việc chi trả hỗ trợ đều thực hiện đúng quy định, kể cả việc niêm yết số tiền chi trả cũng được thực hiện trong vòng 30 ngày.
Theo ông Phú, người dân có thiệt hại do mưa bão đề nghị hỗ trợ thì xã ghi nhận để kê khai, hỗ trợ theo quy định.
“Ai thiệt hại ít thì hưởng ít. Ai thiệt hại nhiều thì Nhà nước hỗ trợ nhiều. Thế nhưng, tôi thừa nhận việc người dân đến ngồi chờ nhưng sau đó chỉ nhận được số tiền là 2.000 đồng thì rất khó coi”, ông Phú cho biết.
Trong năm 2020, trên Biển Đông có 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động. Trong đó, Linfa và Molave là 2 cơn bão cường độ mạnh, đổ bộ vào miền Trung đất nước.
Cơn bão Linfa (ngày 11/10) đã gây thảm họa lũ lụt, sạt lở đất, làm 130 người chết, 20 người mất tích. Về tài sản, bão Linfa làm hơn 1.000 ngôi nhà bị sập; hơn 120.000 ngôi nhà bị ngập lụt, thiệt hại hơn 1.400 ha lúa và 7.800 ha hoa màu.
Bình Định: Núi Cấm tiếp tục sạt lở
Để chia sẻ mất mát với người dân miền Trung và nhắc nhở cộng đồng không chủ quan với những diễn biến cực đoan của thời tiết, Việt Nam từng đề xuất Ủy ban Bão quốc tế bỏ tên bão Linfa.
Chủ tịch xã Tam Vinh khẳng định, ông hiểu việc để người dân ngồi chờ cả buổi mà nhận mấy nghìn đồng thì thấy cũng khó cho dân. Bản thân ông cũng chia sẻ việc này.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo vẫn nhấn mạnh việc hỗ trợ là đúng theo quy định nhà nước, xã làm để huyện phê duyệt, anh em làm công tác kê khai, hỗ trợ cũng vất vả.
“Người dân nếu thắc mắc chuyện căn cứ vào đâu mà hỗ trợ tiền như vậy thì chúng tôi sẵn sàng giải thích rõ cho họ biết”, ông Phú bày tỏ.
Thảo luận