Kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam có những biểu hiện “mất trật tự”, khó kiểm soát”

Trong năm 2021, hàng loạt các vụ liên quan đến lĩnh vực xăng dầu lậu, kém chất lượng với cả trăm triệu lít tuồn vào thị trường được cơ quan điều tra phát hiện. Tình hình đòi hỏi cấp thiết siết chặt hành lang quản lý.
Sputnik
Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu hiện nay ở Việt Nam như thế nào? Có các dạng tội phạm nào trong lĩnh vực xăng dầu ở Việt Nam? Các cơ quan chức năng và pháp luật cần phải hành động như thế nào để giải quyết vấn đề này? Cùng với một số chuyên gia Việt Nam Sputnik có tìm hiểu về đề tài đang rất nóng này.

Xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế

Có thể nói xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế các quốc gia cũng như toàn cầu. Bên cạnh điện và than đá, xăng dầu là nguồn năng lượng phổ biến của đời sống kinh tế xã hội toàn thế giới trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất đến giao thông vận tải, quân sự quốc phòng, an ninh trật tự, v.v. Ở Việt Nam cũng vậy.
Việt Nam thay đổi cách tính giá cơ sở, quy định mới về kinh doanh xăng dầu
Năm 2019, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam đã lên tới 31,2 triệu tấn, gấp đôi năm 2010. Theo dự báo của Bộ Công thương năm 2020 thì tới năm 2050, lượng tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam có thể lên tới con số từ 90 triệu tấn đến 98 triệu tấn/năm.
“Sản xuất trong nước tại các nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa), mới chỉ đáp ứng tối đa khoảng 45% nhu cầu trong nước ở thời điểm hiện tại. Ngay cả khi các nhà máy lọc dầu số 3 và số 4 đang được xây dựng tại Long Sơn (Vũng Tàu), Cần Thơ Cũng như Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (Khánh Hòa) đi vào hoạt động thì cũng chỉ đáp ứng được tới 75% nhu cầu trong nước ở thời điểm năm 2035. Trong kinh doanh, mặt hàng xăng dầu cho lợi nhuận khá cao, từ khoảng 3,5% khi giá dầu thô tăng đến trên 8,7% khi giá dầu thô giảm”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.
Dự báo của cả Cơ quan năng lượng quốc tế Mỹ (IEA), Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy mức độ tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng cao, thậm chí, đang có đột biến khi thế giới dần đẩy lùi đại dịch COVID-19 và khôi phục tăng trưởng kinh tế. Các cơ quan nghiên cứu kinh tế của Việt Nam cũng đưa ra các dự báo tương tự cho nền kinh tế Việt Nam.

Xăng dầu - “mảnh đất tốt” làm phát sinh tội phạm

Ở Việt Nam cũng như ở các nước khác, mặt hàng nào càng thiết yếu, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn và có lợi nhuận cao thì đó là “mảnh đất tốt” làm phát sinh tội phạm liên quan đến mặt hàng đó, nhu cầu đó. Và xăng dầu cũng không phải là ngoại lệ.
Các hành vi phạm tội liên quan đến xăng dầu đã xuất hiện từ lâu và chủ yếu diễn ra 5 nhóm hành vi sau đây:
Tham ô, trộm cắp xăng dầu;
Buôn lậu, đầu cơ xăng dầu (bao gồm cả nhập khẩu và xuất khẩu);
Gian lận thương mại trong cân, đong, đo, đếm xăng dầu khi mua bán;
Sản xuất, vận chuyển và kinh doanh xăng dầu giả;
Vi phạm quy định an toàn phòng chống cháy nổ trong vận chuyển, dự trữ và kinh doanh xăng dầu.

Một số vụ đình đám trên thị trường xăng dầu Việt Nam

Theo tổng hợp của ông Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội Việt Nam, đối với tội phạm trộm cắp, tham ô xăng dầu, tháng 3/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) phá vụ án trộm cắp xăng dầu xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec). 25 bị can đã có hành vi trộm cắp 218.310 lít dầu Jet-A1 và tiêu thụ tài sản do người phạm tội mà có; gây thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp, bình ổn giá xăng dầu
Tháng 2-2018, C45 (Bộ Công an) phối hợp với PC45 (Công an TP hồ Chí Minh) triệt phá băng nhóm trộm cắp xăng dầu tại 7 địa điểm thuộc Quận 2, Quận 7 và huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). 30 đối tượng trong vụ án này đã tiến hành trộm cắp mỗi ngày 10.000 lít xăng E5 trong một thời gian dài.
Đối với tội phạm buôn lậu và vận chuyển trái phép xăng dầu thì chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2021, các cơ quan chức năng trên vùng biển Tây Nam nước ta đã xử lý hình sự 3 vụ buôn lậu xăng dầu, xử phạt hành chính 71 vụ vận chuyển trái pháp xăng dầu, phạt 1,5 tỷ đồng, tịch thu và phát mại 1,5 triệu lít dầu diesel.
Đối với loại tội phạm gian lận thương mại xăng dầu bằng biện pháp gian dối số lượng thì nổi tiếng nhất phải kể đến vụ án tại Công ty Cổ phần Dương Đông Hòa Phú (Bình Thuận), xảy ra năm 2016. 6 bị can là lãnh đạo công ty và nhân viên thuộc quyền thông đồng với một số cán bộ hải quan biến chất thuộc Chi cục hải quan Bình Thuận lập hồ sơ khai báo nhập khẩu 17.446.627 lít xăng A92 (tương đương 12.600 tấn) và 14.840.350 lít dầu DO (tương đương 12.300 tấn); còn lại che giấu để nhập lậu là 73.619.678 lít xăng A92 (tương đương 53.100 tấn ) và 63.042.027 lít dầu DO (tương đương 53.200 tấn), tổng trị giá là hơn 2.000 tỷ đồng. Cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án này còn có giám đốc và nhân viên của Công ty Giám định World Control và một thuyền trưởng người Philippines.
Giá xăng dầu sẽ còn tăng và tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Tội phạm gian lận bằng công nghệ trong buôn bán xăng dầu cũng diễn ra phức tạp và tinh vi. Tuy nhiên, nhiều thủ đoạn thay đổi, can thiệp vào hệ thống đo, đếm tự động tại các cây xăng đã bị các cơ quan chức năng bóc trần. Vụ án đáng kể đầu tiên diễn ra hồi tháng 7/2010 tại cây xăng tư nhân Hoàng Xuân Lộc trên đường Phạm Văn Đồng (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội). Bên bán xăng đã sử dụng hệ thống chíp được đấu nối tinh vi bằng dây dẫn chôn ngầm dưới mặt đất, dẫn vào phòng điều hành phía trong cây xăng. Cứ 10 lít xăng bán ra, người mua bị hụt 0,75 lít. Mỗi lít xăng, khách hàng bị móc túi khoảng 1.200 đồng.
Về hành vi phạm tội sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ xăng giả gần đây đã có hai vụ án nổi tiếng. Đó là vụ án Trịnh Sướng, Giám đốc công ty TNHH Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng cùng 38 đồng phạm đã pha chế và bán ra thị trường hơn 188 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng.
Vụ thứ hai cũng còn nghiêm trọng hơn thế diễn ra tại Đồng Nai tháng 4/2021. Trong vụ án này, bị can Trần Huy Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm cùng các đồng phạm là chủ mưu và gần 70 bị can khác đã pha chế và bán ra thị trường nhiều tỉnh phía Nam hơn 200 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng. Đến nay Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố 70 bị can, trong đó có cựu đội phó thuộc Cục Hải quan Đồng Nai. Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cũng khởi tố 13 bị can thuộc thẩm quyền điều tra của mình.

Lỗ hổng nằm ở đâu?

“Do xăng A83 có giá thành sản xuất rẻ hơn nhiều so với các loại xăng cao cấp A92, A95 nên từ đó, bọn tội phạm nảy sinh “ý tưởng” nhập lậu xăng cấp thấp về để pha chế, sản xuất xăng RON95 giả”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.

“Lỗ hổng lớn thứ nhất trong quản lý xăng dầu ở Việt Nam hiện nay là có quá nhiều doanh nghiệp được nhập khẩu xăng dầu, trong đó, có cả những doanh nghiệp không chuyên doanh xăng dầu, nghĩa là xăng dầu không phải là ngành nghề chính nhưng vẫn được cấp phép kinh doanh xăng dầu. Từ đó phát sinh sự quá tải trong hệ thống quản lý, kiểm tra và kiểm soát. Đặc biệt là khi phát sinh những sự cố, những tình huống vi phạm pháp luật, gây mất an toàn cho hệ thống và mất an toàn trật tự xã hội thì việc truy trách nhiệm đến “đầu nguồn” là rất khó khăn”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long nêu phân tích của mình, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Cũng theo chuyên gia Hồng Long, lỗ hổng lớn thứ hai là trình độ chuyên môn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như các lực lượng thanh tra, kiểm soát. Việc kinh doanh mặt hàng chiến lược quan trọng này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có đội ngũ lãnh đạo, quản lý và nhân viên được đào tạo bài bản, ít nhất là trung cấp chuyên ngành trở lên đối với nhân viên thường và từ cao đẳng, đại học trở lên đối với đội ngũ, lãnh đạo, quản lý cũng như nhân viên kỹ thuật. Cho đến nay, việc quản lý trình độ của những người lao động làm việc trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam gần như bị “thả trôi”, đặc biệt là ở cấp cơ sở bán hàng.
“Cũng như vậy, đội ngũ cán bộ chức năng làm nhiệm vụ quản lý kinh doanh xăng dầu, từ quản lý xuất nhập khẩu đến phân phối, tiêu thụ như hải quan, biên phòng, công an, thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường… vẫn chưa được đào tạo một cách có bài bản về kỹ thuật xăng dầu và kinh doanh xăng dầu. Từ đó, nảy sinh khó khăn trong việc sớm phát hiện các hành vi phạm tội cũng như tiến độ điều tra các hành vi phạm tội liên quan đến kinh doanh xăng dầu”, - Một sĩ quan công an nói với Sputnik.
Vấn đề thứ ba là hạ tầng kinh doanh xăng dầu. Ở các nước có trình độ phát triển cao, chỉ có những doanh nghiệp lớn của mỗi quốc gia, có số vốn lớn theo quy định của pháp luật, có nhiều điều kiện bắt buộc kèm theo như hệ thống kho bãi, đường ống và trạm phân phối, tóm lại là hệ thống hạ tầng đủ điều kiện kỹ thuật, phù hợp với quy mô kinh doanh mới được cấp phép xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu với nhiều điều kiện quản lý rất khắt khe. Hầu hết hệ thống vận chuyển xăng dầu phục vụ kinh doanh đến các trạm cung cấp nhiên liệu ở các nước phát triển đều thực hiện qua hệ thống đường ống, hệ thống trạm bơm, phân phối, van điều tiết được tự động hóa.
Bắt giữ giám đốc công ty xăng dầu lớn nhất Bà Rịa - Vũng Tàu, liên quan đến đại gia Phan Thanh Hữu
“Ở Việt Nam, chủ yếu dùng phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy để vận chuyển nhiên liệu đến các điểm bán hàng. Điều này không chỉ gây lãng phí hay nguy hiểm cho an toàn cháy nổ mà còn phát sinh các kẽ hở cho các đối tượng trộm cắp xăng dầu và gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu hoạt động”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
“Vấn đề thứ tư có liên quan đến tội phạm sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ xăng dầu giả là các loại hóa chất, dung môi dùng để pha trộn với xăng cấp thấp để sản xuất xăng giả hầu như không được quản lý.Có những hóa chất hữu cơ độc hại, nguy hiểm như Methyl benzene (Toluene), Methyl tertiary-butyl ether (MTBE), Methanol,.v.v… vẫn không bị đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện và các hợp chất ấy vẫn không được xác định là chất nguy hiểm độc hại nên hiện vẫn đang được tự do mua bán trên thị trường với giá rẻ”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.
Mỗi lít xăng giả có thể đem lại cho đối tượng phạm tội từ 450 đến 600 đồng nên không chỉ những đối tượng gian lận, sản xuất và buôn bán xăng dầu giả vẫn “sẵn sàng phạm tội” để thu được những món lợi nhuận khổng lồ lên đến hàng tỷ đồng.

Các cơ quan chức năng đang có và cần có những biện pháp gì để giải quyết tình trạng xăng dầu lậu, kém chất lượng?

Có thể nói, hiện nay chính quyền và các cơ quan chức năng Việt Nam đã có những biện pháp mạnh hơn trước đây để ngăn chặn, phát hiện, xử lý các loại tội phạm liên quan đến xăng dầu.
Công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng bảo vệ biên giới trên bộ và trên biển đã được siết chặt hơn. Đặc biệt là việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu xăng dầu trên biển tuy gặp rất nhiều khó khăn do biên giới trên biển khao xác định chi tiết như trên bộ nhưng các lực lượng chức năng vẫn cố gắng khắc phục.
"Việt Nam điều hành giá xăng dầu tăng thấp hơn thế giới"
Mặt khác, các cơ quan điều tra đã tích cực truy tìm và khám phá ra các cơ sở sản xuất, vận chuyển, buôn bán xăng dầu giả.

“Việc các cơ quan điều tra tội phạm về kinh tế của Bộ Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng phát hiện và xử lý hình sự, đề nghị truy tố hai nhóm tội phạm sản xuất, vận chuyển, buôn bán xăng dầu giả với quy mô lớn ở Sóc Trăng, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu như Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện và xử lý đường dây trộm cắp xăng dầu rất lớn cho thấy chính quyền Việt Nam đang đẩy mạnh việc phòng chống tội phạm trong lĩnh vực xăng dầu, mặt hàng được coi là có tầm quan trọng chiến lược nằm trong danh sách an ninh năng lượng của Việt Nam”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long nêu đánh giá của mình với Sputnik.

“Thực sự vẫn còn nhiều việc phải làm để khống chế loại tội phạm này. Trước hết là cần cơ cấu lại ngành kinh doanh xăng dầu, sau một thời gian “mở cửa”, hệ thống kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam từ sản xuất đến tiêu thụ đã có những biểu hiện “mất trật tự”, khó kiểm soát”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Vì vậy, việc thu hẹp đầu mối xuất/nhập khẩu xăng dầu sẽ tạo điều kiện cho Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn việc kinh doanh, lưu thông mặt hàng chiến lược này,. Hệ thống pháp luật, bao gồm cả luật quản lý chuyên ngành, luật doanh nghiệp cần có sửa đổi những điều luật liên quan đến xăng dầu. Các chuyên gia cho rằng, nếu có thể thì nên có một pháp lệnh riêng về kinh doanh xăng dầu. Bộ luật hình sự và các văn bản pháp quy về xử phạt hành chính cũng cần được sửa đổi để có thêm vào danh mục tội phạm đối với “tội sản xuất, vận chuyển, kinh doanh xăng dầu giả”. Bên cạnh đó, theo ý kiến các chuyên gia, việc kinh doanh, buôn bán các hóa chất đã và có khả năng sẽ được sử dụng để làm xăng dầu giả cần được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để siết chặt hành lang quản lý.

“Một vấn đề nữa là, không thể thiếu việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát cũng như phát huy “tay mắt của quần chúng”, sự giám sát của xã hội để phát hiện sớm các hành vi sai trái, hạn chế đến mức thấp nhất các tội phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh xăng dầu”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long phân tích với Sputnik.

Thảo luận