Nếu Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng huy động vốn thành công cho VinFast, đây có khả năng đây sẽ là cuộc gọi vốn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Vingroup huy động đầu tư vốn 1 tỷ USD cho VinFast
Tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup (VIC) đang đàm phán với các nhà đầu tư, bao gồm quỹ đầu tư quốc gia Qatar và BlackRock (BLK.N), để huy động khoảng 1 tỷ USD vốn chủ sở hữu cho VinFast, theo ba nguồn tin của Reuters.
Việc đàm phán diễn ra khi VinFast, công ty con của Vingroup, đang mở rộng đầu tư vào thị trường Mỹ, nhằm đưa những chiếc SUV điện và mô hình cho thuê pin cạnh tranh với những cái tên như khổng lồ trong làng xe điện thế giới như Tesla (TSLA.O) và General Motors (GM. N).
“Nếu thành công, có khả năng đây sẽ là cuộc gọi vốn tư nhân lớn nhất Việt Nam”, nguồn tin nhấn mạnh.
Điều này cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư ở Đông Nam Á, khu vực mà những gã khổng lồ trong lĩnh vực đặt xe và giao hàng như Grab và GoTo đã huy động được hàng tỷ đô la.
Động thái gây quỹ cũng cho thấy các dự án xe điện vẫn là một điểm thu hút lớn đối với các nhà đầu tư.
“Xe điện là chủ đề của năm và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư”, một trong số các nguồn tin cho biết.
Theo đó, Vingroup đang thảo luận về việc huy động vốn trước khi VinFast niêm yết cổ phiếu tại Hoa Kỳ, có thể diễn ra vào đầu năm sau, như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó.
Nguồn tin cũng cho biết, công ty có thể hoàn tất thỏa thuận huy động vốn tư nhân sớm nhất là vào tháng tới. Vingroup cũng đang đàm phán với các công ty cổ phần tư nhân toàn cầu.
Các nguồn tin tham chiếu nhấn mạnh, Vingroup đang đàm phán nâng cao với Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA), quỹ tài sản quốc gia trị giá 300 tỷ USD của nước này, hiện đang đa dạng hóa các khoản đầu tư từ những thị trường cốt lõi của Mỹ và Châu Âu cho đến Châu Á. Trong khi đó, BlackRock là công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới.
Vingroup từ chối bình luận trong khi QIA không phản hồi thông tin trên. BlackRock cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Đầu tháng này, Tổng Giám đốc điều hành VinFast toàn cầu nói với Reuters rằng công ty có kế hoạch niêm yết tại Mỹ trong vòng vài năm tới, nhằm gia nhập danh sách ngày càng tăng các công ty khởi nghiệp xe điện đang tận dụng sự quan tâm của nhà đầu tư và huy động vốn.
Hai nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng VinFast đang bám sát kế hoạch trước đó là niêm yết thông qua một công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) hoặc niêm yết độc lập.
VinFast, được thành lập vào năm 2017 với tư cách là một bộ phận của Vingroup gắn với tên tuổi người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, có kế hoạch bắt đầu sản xuất ô tô điện tại Hoa Kỳ vào nửa cuối năm 2024.
VinFast đã trình làng hai mẫu xe điện thể thao đa dụng là VF e35 và VF e36 tại Triển lãm ô tô Los Angeles diễn ra vào tháng này và nhận về nhiều đánh giá tích cực.
Vingroup đóng góp lớn vào vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài
Theo công bố mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2021, Vingroup đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài.
Theo đó, trong số 22 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, Mỹ vẫn là nước đứng đầu với 305,3 triệu USD, chiếm 45,1% tổng vốn đầu tư. Trong đó, riêng vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh do có dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh đã tăng 300 triệu USD.
Như Sputnik thông tin trước đó, vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đã bùng nổ từ cuối quý 1/2021 và tiếp tục được đẩy mạnh các tháng tiếp theo. Đóng góp lớn vào mức tăng đột phá này phải kể đến dòng vốn đầu tư Vingroup ra nước ngoài.
Cùng với các dự án tại Mỹ tăng thêm 300 triệu USD, Vingroup còn có 3 dự án đầu tư sang Pháp, Hà Lan, Canada với vốn đầu tư mỗi dự án là 32 triệu USD và một dự án tại Singapore 20,5 triệu USD với mục tiêu kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông, điện tử, đồ gia dụng, ô tô.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng đầu tư mạnh vào lĩnh vực hoạt động kỹ thuật, khoa học công nghệ, thương mại chất lượng cao cho thấy sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, việc dần chuyển hướng đầu tư này sẽ đóng góp rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế số của đất nước.
Nhờ việc rón vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ hàng đầu ở nước ngoài, các doanh nghiệp Việt sẽ có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, cọ xát và đem những thành tựu khoa học kỹ thuật mới về áp dụng trong nước, đồng thời ghi dấu, định hình thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ.