Theo giới quan sát quốc tế, Trung Quốc khó lòng dọa được Mỹ hay Nga, ngăn cản Việt Nam hợp tác khai thác tài nguyên khí đốt ở Biển Đông, bởi dự án mỏ Cá Voi Xanh nằm ngoài yêu sách đường lưỡi bò (đường chín đoạn) của Bắc Kinh.
Lãnh đạo Việt Nam trong các tuyên bố chính thức đều hoan nghênh các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Hoa Kỳ, trong đó có ExxonMobil tiếp tục đầu tư, làm ăn lâu dài, ổn định, mang lại lợi ích hợp tác chiến lược cho cả hai nước.
ExxonMobil vẫn tiếp tục dự án Cá Voi Xanh ở Việt Nam
Hôm 29/11, phía công ty ExxonMobil (XOM) thông báo cho biết họ đang tiếp tục công việc chuẩn bị cho dự án khí đốt mỏ Cá Voi Xanh (Blue Whale) tại thềm lục địa miền Trung, Việt Nam.
Tuy nhiên, quyết định đầu tư cuối cùng của ExxonMobil còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác bao gồm cả phê duyệt từ cơ quan có thẩm quyền theo quy định và hợp đồng bán khí, thỏa thuận về giá bán khí đốt cho bên tiêu thụ.
Hồi tháng 10, Hội đồng Quản trị tập đoàn ExxonMobil (được bầu từ tháng 5/2021) tranh luận gay gắt về việc có nên tiếp tục một số dự án dầu khí lớn ở nước ngoài hay không.
Lãnh đạo ExxonMobil băn khăn về các dự án lớn bao gồm cả chương trình khai thác khí đốt ở Việt Nam (mỏ Cá Voi Xanh) và dự án trị giá trên 30 tỷ USD ở Mozambique.
Quan ngại của ExxonMobil được đặt trong bối cảnh các nhà đầu tư chuyên thúc đẩy năng lượng nhiên liệu hóa thạch ngày càng ý thức sâu sắc hơn về chi phí khai thác cũng như tầm quan trọng của việc chuyển hướng sang các nguồn năng lượng xanh thân thiện như điện gió và điện mặt trời.
Liên quan đến những vướng mắc và lo ngại chung, phía ExxonMobil nêu ra một vài lý do đáng chú ý. Trong đó, để duy trì những dự án lớn sẽ phải đầu tư lượng vốn – nguồn tài chính khổng lồ, nhưng phải mất nhiều năm khai thác, vận hành, phát triển mới có thể sinh lời. Do đó, nhiều thành viên HĐQT của Exxon Mobil Corporation muốn tính toán kỹ lưỡng và đánh giá lại tiềm năng, triển vọng thực tế của các dự án đầu tư ở nước ngoài, trong đó có dự án mỏ Cá Voi Xanh.
Ngoài ra, khi giá dầu thế giới lên cao, vấn đề chia lợi nhuận cổ đông và theo thỏa thuận hợp đồng với phía đối tác cũng hết sức “nóng”.
Đối với dự án mỏ Cá Voi Xanh, phía ExxonMobil cũng gặp một số trở ngại mang yếu tố chính trị nhạy cảm khi tiến hành khai thác vùng biển ngoài khơi Việt Nam, nơi có tranh chấp chủ quyền, mà đáng quan tâm nhất chính là xung đột ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cũng như cách Bắc Kinh luôn “gây rối” cho Philippines, Malaysia, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình luôn tìm cách ngăn cản nước láng giềng Việt Nam tiến hành khai thác dầu khí với đối tác, bởi nguồn tài nguyên ở Biển Đông đóng vai trò rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế, mang lại lợi nhuận thương mại, công nghiệp khổng lồ.
“Chúng tôi đã hoàn thành thiết kế và kỹ thuật ban đầu cho dự án (mỏ Cá Voi Xanh) vào tháng 5 năm 2020 và hiện đang hoàn thiện kế hoạch phát triển cuối cùng”, người phát ngôn của ExxonMobil trả lời Reuters về dự án khai thác dầu khí tại Việt Nam.
Như đã biết, nếu Việt Nam và ExxonMobil đạt được thỏa thuận thành công, tiến hành khai thác thuận lợi, mỏ Cá Voi Xanh có khả năng trở thành dự án khí đốt lớn nhất cả nước, với trữ lượng ước tính 150 tỷ mét khối, ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam.
Theo kế hoạch ban đầu của dự án, khí đốt khai thác được sẽ dẫn qua đường ống dài hơn 80 km để đưa đến cơ sở xử lý ở gần thành phố Đà Nẵng và sau đó cung cấp cho bốn nhà máy điện (trung tâm Khí điện) ở các tỉnh miền Trung của Việt Nam.
“Quyết định sau cùng về đầu tư sẽ còn tùy thuộc một số yếu tố khác như nhận được sự chấp thuận của cơ quan thẩm quyền quản lý ngành dầu khí của Việt Nam, sự đảm bảo từ cơ quan Chính phủ, thỏa thuận về giá bán khí đốt khi đã được khai thác, tính cạnh tranh về kinh tế”, phía ExxonMobil cho biết.
Trung Quốc không ngăn được Mỹ hay Nga hợp tác với Việt Nam
Giới quan sát quốc tế nhận định, hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi Biển Đông của Việt Nam gặp trở ngại lớn do áp lực từ phía Trung Quốc.
Như đã biết, mỏ Cá Voi Xanh có trữ lượng khí khoảng 150 tỷ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây - Lan Đỏ ở Nam Côn Sơn của Bắc Kinh.
Ngoài ra, phía Trung Quốc hướng đến chính sách o ép, “hai mặt”. Trong đó, họ vừa gây sức ép, quấy rối các dự án dầu khí (như với Repsol, Rosneft, hay ExxonMobil). Phần khác, họ muốn cùng Việt Nam phải khai thác chung khí đốt với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không dễ dàng gây sức ép cho Việt Nam và các đối tác vì Cá Voi Xanh hoàn toàn không giống như Cá Rồng Đỏ và Lan Đỏ. Theo GS. Carl Thayer từng lưu ý, dự án Cá Voi Xanh nằm ngoài “đường chín đoạn”, “đường lưỡi bò”, yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Tiếp đó, ExxonMobil hay Rosneft của Nga không phải là Repsol, và Trung Quốc không bắt nạt được Mỹ hay Nga.
Mặc dù không uy hiếp được trực tiếp, không ép được Mỹ hay Nga phải bỏ cuộc như Tây Ban Nha, nhưng nhưng theo giới quan sát, Trung Quốc có thể tạo ra “hiệu ứng kép” làm phức tạp thêm vấn đề “cơ chế” như thủ tục phê duyệt và giá cả, cùng nhiều hành vi quấy rối hoạt động thăm dò nghiên cứu khai thác của cả Việt Nam, Philippines, Malaysia ở ngoài khơi Biển Đông như cách họ đã làm ở Bãi Tư Chính.
Việt Nam không muốn ExxonMobil rời đi
Gần nhất, hôm 11/10 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm việc với đại diện ExxonMobil.
Theo thông cáo báo chí của EVN, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bà Cécile Rauline, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Exxon Mobil Việt Nam đã có buổi làm việc về khả năng tiêu thụ khí Cá Voi Xanh cho các nhà máy nhiệt điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I & III.
Trong cuộc gặp này, hai bên đã tập trung trao đổi về những vấn đề quan trọng như khả năng cung cấp khí hàng ngày, thời gian cấp khí cho cả vòng đời dự án, khối lượng khí bao tiêu.
“EVN và ExxonMobil Việt Nam đã cơ bản thống nhất về khả năng cấp khí ở mức 730 triệu bộ khối/ngày; đồng thời nâng khả năng cấp khí lên tối thiểu 760 triệu bộ khối/ngày trong trường hợp các tổ máy có công suất lớn hơn cần tiêu thụ khí nhiều hơn”, phía EVN khẳng định.
Ngoài ra, tại cuộc họp giữa Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải và bà Cécile Rauline, hai bên cũng thống nhất ExxonMobil sẽ phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam/PVN) báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương có cơ chế phù hợp đối với các nhà máy điện để tiêu thụ lượng khí bao tiêu.
Cùng với đó, các nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung quất I & III sẽ được xây dựng tại Trung tâm Điện lực Dung Quất (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, nhân dịp dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 23/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo tập đoàn ExxonMobil.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh cả ExxonMobil, Next Decade, và Blackrock cùng các nhà đầu tư Mỹ “quan tâm đến Việt Nam”, đầu tư làm ăn, ổn định, phát triển bền vững với Hà Nội.
Người đứng đầu Nhà nước khẳng định, Việt Nam dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát khí thải nhà kính.
“Việt Nam mong muốn nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ, qua đó góp phần phát triển thương mại hai chiều hài hòa và bền vững”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trong cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Tập đoàn ExxonMobil, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập đoàn tiếp tục làm việc với các đối tác và cơ quan chức năng của Việt Nam để phát triển các dự án ExxonMobil quan tâm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hoạt động của các công ty dầu khí lớn Mỹ, trong đó có ExxonMobil tại các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt những khu vực nước sâu và nhiều tiềm năng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai phía mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
“Hoạt động của ExxonMobil hay những tập đoàn năng lượng hàng đầu Hoa Kỳ tại Việt Nam còn phục vụ mục tiêu chung của cả Việt Nam và Mỹ trong việc góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực”, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.