Vì sao EU thu hồi lô thực phẩm bổ sung của Đức và thịt gà Ba Lan xuất khẩu sang Việt Nam?

Liên minh Châu Âu (EU) thông báo thu hồi lô thực phẩm bổ sung từ Đức và thịt gà Ba Lan đã xuất sang Việt Nam.
Sputnik
Văn phòng SPS Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu các Cục Thú y rà soát, kiểm tra liên quan đến lô hàng 930 kg thịt gà đông lạnh từ Ba Lan và gần 292 kg sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, thực phẩm chức năng của Vital Products GmbH, Đức xuất khẩu sang Việt Nam.

Phát hiện khuẩn đường ruột trong thịt gà Ba Lan xuất sang Việt Nam

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ & Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thông tin về việc EU thu hồi thị gà Ba Lan cùng lô thực phẩm bổ sung từ Đức xuất qua Việt Nam.
Cụ thể, theo thông cáo của SPS, trong tháng 11 vừa qua, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ & Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam đã nhận hai thông báo từ Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (EU) về việc nhà sản xuất thu hồi sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Thịt gà Việt Nam gian nan tìm đường xuất khẩu sang Nhật, EU
Nguyên nhân thu hồi được công bố là do “có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng”.
Theo đó, hôm 4/11/2021, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ & Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam nhận được thông báo số 513260, có mã tham chiếu 2021.5972 từ Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu về sản phẩm thịt gà có nguồn gốc từ Ba Lan tiêu thụ tại thị trường Việt Nam bị nhiễm Salmonella (khuẩn đường ruột).
Lô hàng này có các sản phẩm gồm: thịt gà và các bộ phận như chân, cổ và cánh… đông lạnh. Thị trường tiêu thụ được xác định là tại Việt Nam, Pháp.
Biện pháp thực hiện là Ba Lan thông báo cho người nhận và thu hồi sản phẩm trên thị trường với lô hàng số 649521/ 650521 có khối lượng 930 kg.
Nhà sản xuất lô hàng trên là Przedsiebiorstwo Drobiarskie Drobex Sp. o.o.; địa chỉ: Powstańców 19, 86-050 Solec Kujawski, Ba Lan.
Theo thông báo từ Hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU, mối nguy chính là Salmonella enteritidis được phát hiện ở 2 trong số 5 mẫu; mức độ rủi ro là nghiêm trọng.
Do đó, Văn phòng SPS Việt Nam thông tin và đề nghị Cục Thú y theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo rà soát, kiểm tra theo quy định.

Thực phẩm bổ sung của Đức có dư lượng 2-CE cao

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ & Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam cũng nêu về việc EU thu hồi lô hàng thứ 2 - các sản phẩm thực phẩm bổ sung (thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm tăng cường) từ nhà sản xuất Vital Products GmbH (Đức).
Theo đó, số hàng bị thu hồi có khối lượng gần 292 kg bị thu hồi. Nguyên nhân thu hồi do phát hiện chất 2-Chloroethanol với hàm lượng 8,5 mg/kg.
Vụ mì Hảo Hảo chứa Ethylene oxide, Bộ Công Thương lên tiếng
Cần nhấn mạnh rằng, Ethylene chlorohydrin (còn gọi là 2-chlorethanol, viết tắt 2-CE) là sản phẩm phụ trong quá trình khử trùng bằng Ethylene Oxide (viết tắt là EO).
Cho đến nay, chưa có bằng chứng về việc 2-CE có thể gây ra ung thư, tuy nhiên có những quy định nhất định về hàm lượng chất này trong thực phẩm, cũng như mức độ an toàn cho phép.
Lô hàng thực phẩm này có tên doanh nghiệp nhận hàng là Công ty Vimidu Vina có trụ sở tại Hà Nội.
Trước đó, như đã thông tin, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo hồi tháng 8/2021 rằng, một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất có chứa chất Ethylene Oxide (EO).
Phía FSAI cũng nêu dù việc tiêu thụ sản phẩm bị nhiễm chất này không gây ra rủi ro cấp tính, nhưng việc tiêu thụ Ethylene Oxide trong thời gian dài có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. Do đó, cần giảm thiểu tiêu thụ Ethylene Oxide. Chính phủ sau đó đã chỉ đạo sớm lập quy chuẩn về Ethylene Oxide.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, xét báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất Ethylene Oxide và bị thu hồi tại một số nước châu Âu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế căn cứ quy định tại Điều 62 Luật an toàn thực phẩm, khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất Ethylene Oxide bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm.
Mì Hảo Hảo, miến Good chứa chất gây ung thư: Thương vụ Việt Nam thông tin
Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương rà soát, cập nhật và thông tin rộng rãi về yêu cầu, mức giới hạn các chất hạn chế sử dụng, chất cấm... trong sản phẩm thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bộ Công Thương tiếp tục kiểm tra làm rõ nguyên nhân sản phẩm mì Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất Ethylene Oxide để có giải pháp xử lý phù hợp, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự.
Trở lại với hai lô hàng 930 kg thịt gà Ba Lan và gần 292kg hàng thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung và thực phẩm tăng cường được Vital Products GmbH - Cộng hòa Liên bang Đức xuất khẩu qua Việt Nam, trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra, Cục Thú y gửi văn bản thông báo kết quả xử lý về Văn phòng SPS Việt Nam để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề nghị người tiêu dùng chủ động không mua sản phẩm và thông báo với cơ quan quản lý nếu các sản phẩm nêu trên vẫn còn tiêu thụ trên thị trường.
Thảo luận