Đại dịch COVID-19

Kiên Giang: Sự thật tin đồn “Phú Quốc có người mắc Omicron”

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vừa thông tin về việc trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn “Phú Quốc có người mắc Covid-19 nhiễm biến thể Omicron”.
Sputnik
Chính phủ yêu cầu rà soát đánh giá các sự cố tiêm vaccine Covid-19 thời gian qua “đúng, khách quan và trung thực”. Việt Nam cũng đẩy nhanh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19.

Kiên Giang nói gì về tin đồn Phú Quốc phát hiện biến thể Omicron?

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn “Phú Quốc lần đầu tiên ghi nhận biến thể Omicron”.
Trước thông tin này, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã có phản hồi chính thức, bác bỏ tin đồn “nhảm”, sai sự thật về việc trên địa bàn đã ghi nhận ca mắc Covid-19 với biến thể nguy hiểm mới Omicron.
Thực tế, như Sputnik cập nhật thường xuyên, hiện tại, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn đang “cảnh giác rất cao”, nỗ lực ngăn chặn, phòng tránh và đề ra phương án ứng phó với biến chủng Omicron. Theo đề xuất của Bộ Y tế, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT hiện vẫn giám sát chặt khách từ châu Phi vì lo ngại biến chủng Omicron.
Trở lại với tin đồn về việc Phú Quốc phát hiện người nhiễm Omicron, ngày 5/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung khẳng định, tin đồn trên mạng xã hội về việc Phú Quốc có người nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 mới Omicron là hoàn toàn không đúng sự thật.
Đại dịch COVID-19
Sang năm tới mới biết rõ về mối đe dọa thực sự của chủng Omicron
“Đây là thông tin thất thiệt, bịa đặt nhằm chống phá địa phương, nhất là Phú Quốc đã và đang thực hiện thí điểm mở cửa đón khách quốc tế đến đảo ngọc du lịch”, Phó Chủ tịch Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung nêu rõ.
Theo vị lãnh đạo trả lời Tuổi trẻ, Sở Y tế Kiên Giang đã vào cuộc xác minh tin đồn về việc “Phú Quốc phát hiện ca mắc biến thể Covid-19 Omicron”.
Ngành y tế địa phương khẳng định “không hề có ca nhiễm nào mắc chủng Omicron” như thông tin lan truyền trên các mạng xã hội những ngày qua.
“Hiện UBND tỉnh cũng phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tiến hành điều tra vấn đề trên”, ông Trung khẳng định.
Hôm 20/11 vừa qua, sau thời gian dài nỗ lực tái mở cửa, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch, Phú Quốc đã đón hơn 200 du khách quốc tế đầu tiên.
Chuyến bay mang số hiệu VJ 3749 của Vietjet Air đưa hơn 200 khách chủ yếu là người Hàn Quốc đến Phú Quốc, Kiên Giang du lịch nghỉ dưỡng, áp dụng chính sách hộ chiếu vaccine. Sở Du lịch Kiên Giang thống kê cho thấy, trong tháng 11 vừa qua, địa phương đã ghi nhận trên 317 nghìn lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó, khách quốc tế đã bắt đầu tăng lên với khoảng hơn 1.400 lượt.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, tất cả du khách đến địa phương tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng đều phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cũng theo lãnh đạo Kiên Giang, trong tháng 12 này, tỉnh sẽ đón thêm khoảng trên 500 khách quốc tế nữa đến Phú Quốc nghỉ dưỡng. Họ chủ yếu là người Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, áp dụng hộ chiếu vaccine và tuân thủ quy định về phòng chống dịch.
Thành công bước đầu của Phú Quốc cũng mở đường cho công tác khôi phục hoạt động du lịch, hàng không, nhà hàng khách sạn, F&B cũng như giao thương quốc tế của Việt Nam.
Đại dịch COVID-19
Tình hình dịch Covid-19, số ca tử vong tăng 35%, Hà Nội điều động nhân lực chi viện

Lo ngại Omicron, Việt Nam giám sát chặt khách về từ châu Phi

Nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng đã ký công văn khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải.
Cục trưởng Hàng không Việt Nam cũng chỉ đạo các hãng hàng không tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ hành khách đến, đi qua các quốc gia tại châu Phi hoặc các quốc gia có biến chủng Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này.
Cùng với đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cảng vụ hàng không có trách nhiệm báo cáo các trường hợp hành khách đến, đi qua các quốc gia tại châu Phi hoặc các quốc gia có biến chủng Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến chỉ đạo đối với các đối tượng hành khách này.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không thực hiện nghiêm việc xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trường hợp phát hiện nhân viên dương tính, các đơn vị hoạt động tại sân bay phải báo cáo cơ quan y tế, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý, các nhân viên tiếp xúc gần (F1) phải được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR và khai báo y tế đầy đủ theo quy định.
Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ từ 10 quốc gia châu Phi (Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia ở Đông Phi) đến Việt Nam, đồng thời, cấm nhập cảnh đối với hành khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 30 ngày trước khi vào Việt Nam.
Đại dịch COVID-19
Ký kết thỏa thuận mở rộng sản xuất «Sputnik V» và lưu hành «Sputnik Light» tại Việt Nam
Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Y tế để có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát y tế đối với hành khách đến từ một số quốc gia đã xuất hiện Omicron như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác cách ly y tế, đảm bảo 100% hành khách quốc tế đến từ các quốc gia đã xuất hiện biến chủng Omicron phải cách ly y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến và đề nghị Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện khách đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam qua của khẩu hàng không để thông báo kịp thời cho Bộ Y tế, cơ quan y tế của địa phương nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể này vào Việt Nam.

Tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam “khá cao” so với thế giới

Ngày 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 trong nước, cũng như nhập khẩu từ nước ngoài.
Bộ Y tế có báo cáo khẳng định, chiến lược vaccine của Việt Nam là phù hợp tình hình, kịp thời, đạt kết quả tốt.
“Mặc dù Việt Nam xuất phát chậm hơn nhiều nước trong tiêm vaccine nhưng với tốc độ tiêm chủng vừa qua, đến nay tỷ lệ người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 94%, tiêm mũi 2 đạt 69%, đây là tỷ lệ khá cao so với thế giới”, Bộ Y tế đánh giá.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam, tổng số vaccine đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng hơn 200 triệu liều.
Tính đến hết ngày 3/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vaccine, trong đó có gần 71,5 triệu liều mua từ nguồn ngân sách nhà nước và hơn 79 triệu liều từ nguồn viện trợ, tài trợ từ các nước bạn cũng như thông qua nhiều cơ chế khác nhau.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ thông tin, việc xuất hiện biến chủng mới Omicron đã làm dịch bệnh trên thế giới càng diễn biến phức tạp và khó lường, khó dự báo hơn.
Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy hiệu lực bảo vệ của các loại vaccine đã được cấp phép vẫn cao và các hãng đang tiếp nghiên cứu để bảo đảm và nâng cao hơn nữa hiệu lực bảo vệ của vaccine. Theo đại diện Bộ Ngoại giao, trước biến chủng mới, nhiều nước triển khai quyết liệt trở lại các biện pháp phòng dịch, ngày càng nhiều nước triển khai và đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi thứ 3.
Thứ trưởng Vũ cho biết, hiện nay, đã có hơn 20 nước tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi, trong đó có nhiều nước phát triển. WHO khuyến cáo rằng việc tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi có lợi ích cao hơn rủi ro, tuy nhiên, nên ưu tiên cho người già và người có bệnh nền, khi đã đủ vaccine thì tiêm cho trẻ em.
“Có thể đánh giá tiêm chủng vaccine là một điểm sáng của Việt Nam khi số lượng vaccine cam kết và tốc độ tiêm vaccine đã vượt mục tiêu và kế hoạch, các nước đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.
Đáng chú ý, tại cuộc họp sáng nay, đại diện Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các đại biểu cho biết, cũng như tại các nước trên thế giới, việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Việt Nam khó tránh khỏi các sự số, rủi ro. Tuy nhiên, tỷ lệ gặp sự cố, rủi ro và tử vong liên quan tới tiêm vaccine tại Việt Nam là thấp hơn nhiều nước trên thế giới, kể cả tại những nước phát triển như Mỹ.
Báo cáo về tình hình thuốc điều trị, tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 2/12, Bộ đã tổng hợp nhu cầu sử dụng và tiến hành phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương các loại thuốc gồm Remdesivir (đã phân bổ hơn 514.000 lọ), Favipiravir (có quyết định phân bổ 2 triệu viên); Casirimab + Imdevimab (170 lọ thuốc), thuốc Molnupiravir đang được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt.
Đại dịch COVID-19
Các chuyên gia tại Đại học Hồng Kông đã phân lập được chủng virus "Omicron"

Thủ tướng: Rà soát sự cố tiêm vaccine, sớm có thuốc điều trị Covid-19

Lắng nghe báo cáo của các bộ, ngành, đơn vị, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam thời gian qua đã triển khai quyết liệt chiến lược vaccine và đạt nhiều kết quả tốt.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, trước những diễn biến mới của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, cần có đánh giá toàn diện và triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh.
“Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là những giải pháp hết sức cơ bản, quan trọng, cấp bách trong tình hình hiện nay”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại.
Tại sự kiện hôm nay, đại diện Bộ Y tế đã có báo cáo về tiến độ thử nghiệm vaccine, việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 đặc hiệu, thuốc điều trị bổ sung, triệu chứng. Đối với vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh Covid-19, tổ chức tiêm vaccine là công việc có quy mô lớn, tính chất phức tạp, chưa có tiền lệ, phải làm trong thời gian ngắn, nên không tránh khỏi những sơ suất, khó khăn, lúng túng, điều quan trọng là phát hiện nhanh, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm vaccine chi tiết, cụ thể về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vaccine…, tránh bị động, lúng túng và phù hợp với kế hoạch/chương trình tổng thể phòng chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu phải thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine và đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, đề cao ý thức người dân trong phòng chống dịch. Thủ tướng nêu rõ, phải phấn đấu chậm nhất trong tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời, rà soát lại các đối tượng chưa tiêm, đẩy mạnh tuyên truyền.
Ông Phạm Minh Chính yêu cầu cần phải có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12-18 tuổi, đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu. Thủ tướng Chính phủ lưu ý đến vấn đề nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vaccine, trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan rà soát lại việc vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm vaccine, đánh giá các sự cố xảy ra, bảo đảm khách quan, trung thực, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch để người dân yên tâm tiếp tục tiêm và không phân biệt đối xử các loại vaccine đã được cấp phép.
“Chính phủ rất sốt ruột về vấn đề trên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chúng ta phải rút ngay kinh nghiệm trong đợt tiêm chủng vừa qua từ bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm, liên quan hạn sử dụng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và nhấn mạnh việc phân bổ và tiêm vaccine phải bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Thủ tướng lưu ý tránh tiêu cực trong vấn đề phân bổ, tiêm vaccine, nếu địa phương còn yếu, thiếu điều kiện tiêm cho người dân thì Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hỗ trợ nhân lực để tăng tốc tiêm vaccine cho nhân dân đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
“Chúng ta tiếp tục đặt tính mạng và sức khỏe người dân là quan trọng nhất, lên trên hết, trước hết để hành động”, Thủ tướng khẳng định.
Về thuốc chữa bệnh, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyển cho ý kiến. Đồng thời, chủ động tính toán về nhu cầu, chủng loại, số lượng, khả năng đáp ứng và phương án phân bổ, đặc biệt phải có cơ số thuốc thiết yếu dự phòng cho tình huống diễn biến xấu.
Ông Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế phải hỗ trợ các nhà sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước để triển khai đúng nguyên tắc, đảm bảo khoa học, hợp lý, hiệu quả, trên tinh thần hợp tác vô tư, trong sáng, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, vì sức khỏe của nhân dân.
Đại dịch COVID-19
Lo ngại biến chủng Omicron, Việt Nam xem xét tạm dừng chuyến bay quốc tế từ châu Phi
“Việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 phải công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, kiểm soát giá cả, đảm bảo bình đẳng, trong sạch, kiên quyết xử lý nếu có tiêu cực trong vấn đề này”, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam bày tỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cương quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh, hết sức tránh cả hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển.
Thảo luận