Quốc ca Việt Nam bị 'đánh bản quyền', phải tắt tiếng trên YouTube trong trận Việt-Lào tại AFF Cup

HÀ NỘI (Sputnik) - Trong trận Việt Nam-Lào tối 6/12, khi các cầu thủ làm lễ chào cờ, tiếng của bản Quốc ca Việt Nam đã bị tắt trên YouTube khiến người hâm mộ không thể nghe được trên nền tảng này.
Sputnik

Quốc ca Việt Nam tiếp tục bị 'đánh bản quyền'

Vào lúc lúc 19h30 ngày 6/12, đã diễn ra trận đấu tại bảng B AFF Suzuki Cup 2020 giữa tuyển Việt Nam và tuyển Lào. Theo đó, toàn bộ bản quyền giải đấu, trong đó có các trận của đội tuyển Việt Nam, trên các nền tảng do Next Media sở hữu.
Tuy nhiên, trước khi trận đấu diễn ra và đến phần cử hành quốc ca của hai đội tuyển, người hâm mộ đã không thể nghe tiếng quốc ca của đội tuyển Việt Nam và cả quốc ca của đội tuyển Lào trên kênh YouTube phát sóng trận đấu là Next Sports.
AFF Cup 2020: Việt Nam thắng Lào thuyết phục
Thời điểm tắt tiếng, trên màn hình Next Sports chạy dòng chữ với nội dung:
"Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".
Kênh YouTube của Next Sports thời điểm trận Việt Nam - Lào diễn ra ghi nhận 1,4 triệu người xem trực tiếp. Sau trận đấu ít phút, con số này lên tới 3,6 triệu người.
Đối với khán giả xem qua truyền hình không gặp tình huống này, trên sóng của VTV, quốc ca hai nước vẫn được bật tiếng bình thường.
Song, hàng ngàn người hâm mộ đã chia sẻ sự ngạc nhiên khi quốc ca Việt Nam phải tắt tiếng trên kênh YouTube phát sóng trận đấu chính thức của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng

Như Sputnik đã đưa tin trước đó, một doanh nghiệp có tên BH Media đã đứng ra đăng ký sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" của cố nhạc sĩ Văn Cao. Không chỉ trên kênh của Next Media, thời gian qua đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức bị báo cáo, xóa các video khi đăng tải trên kênh YouTube mà có phát bài quốc ca Việt Nam.
Nếu bản "Tiến quân ca" phát tại lễ chào cờ ở AFF Cup bị YouTube đánh bản quyền, nền tảng này sẽ tự động tiến hành gỡ video trực tiếp bất chấp lượng truy cập lớn. Việc tắt tiếng bản "Tiến quân ca" giúp video phát trực tiếp có thể tồn tại mà không lo vấn đề bản quyền.
Xôn xao câu chuyện về bản quyền 'Quốc ca' Việt Nam
Đây không phải sự việc mới diễn ra. Hồi giữa tháng 11, dư luận từng bức xúc khi ca khúc "Tiến quân ca" bị vướng vấn đề bản quyền dù tác giả, cố nghệ sĩ Văn Cao, đã hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.
Sau khi bị lên án, đơn vị này cho biết họ không nhận sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" mà được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi "Tiến quân ca" trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất.
Chính vì thế, nếu tài khoản nào đăng video sử dụng chính xác bản ghi "Tiến quân ca" do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền và tiến hành gỡ video.
Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ. Đây cũng là công cụ để chủ sở hữu bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình cũng như thu tiền quảng cáo từ YouTube.
Tuy nhiên việc người hâm mộ cả nước xem trận đấu của các cầu thủ nước mình trên nền tảng trực tuyến nhưng không được nghe quốc ca thực sự sự là một thiếu sót khó chấp nhận.

VFF chính thức lên tiếng về vụ việc 'tắt nhạc' Quốc ca

Theo thông tin vừa mới cập nhật, lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết đang tìm hiểu rõ quy trình sử dụng nhạc Quốc ca tại giải AFF Cup để giải quyết vụ việc.
Trước mắt, VFF sẽ gửi bản thu âm mới tới Ban tổ chức giải AFF Cup 2020 để không xảy ra sự cố tắt nhạc Quốc ca khi tuyển Việt Nam làm thủ tục chào cờ trong trận đấu tiếp theo nữa.
Tuy nhiên, vụ việc này cần được xử lý triệt để để giải đáp thắc mắc, liệu bản nhạc Quốc ca Việt Nam được sử dụng tại AFF Cup 2020 trong các trận đấu của đội tuyển Việt Nam được Ban tổ chức lấy từ nguồn nào mà có thể khiến nhà phát sóng bị "dính" bản quyền?
Thảo luận