Chuyển mình thích ứng với Cách mạng 4.0
“Viettel là doanh nghiệp công nghiệp, công nghệ, viễn thông hàng đầu Việt Nam, có vị thế trên trường quốc tế. Bởi vậy, trong cách mạng công nghiệp 4.0, Viettel nhận trách nhiệm tiên phong, chủ lực trong chuyển đổi số quốc gia”.
“Đối với chính quyền địa phương, chúng tôi xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số ở địa phương. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, Viettel vừa là đơn vị tư vấn, vừa thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Nhiệm vụ chủ đạo nhất là chuyển đổi tất cả hoạt động của doanh nghiệp lên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing). Đối với xã hội, hiện nay chúng tôi đang cung cấp hàng loạt dịch vụ số như tài chính số, nội dung số, thanh toán số, thương mại điện tử, logistics và tự động hóa sản xuất”.
“Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2025, Viettel sẽ hình thành kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam” - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel kỳ vọng.
Đóng góp phát triển nền khoa học công nghệ Việt Nam
“Trong mảng nghiên cứu sản xuất, đến nay Viettel đã có nền tảng. Viettel đã bắt đầu tổ chức nghiên cứu sản xuất từ năm 2010. Thời gian đầu, Viettel tập trung nhiều hơn về những sản phẩm mạng lưới viễn thông. Giờ đây, cuộc cách mạng 4.0 thì lại cần rất nhiều phần cứng công nghệ cao như camera thông minh, cảm biến thông minh hay hệ thống máy tính tốc độ cao. Khi Viettel có sản phẩm phần cứng và phần mềm thì sẽ phát triển được một hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện. Ý nghĩa của của việc sở hữu một hệ sinh thái toàn diện là rất lớn. Nó giúp Viettel làm chủ được nhiệm vụ an toàn bảo mật thông tin mạng lưới, qua đó đảm bảo được an toàn an ninh cho quốc gia” - Ông Lê Đăng Dũng phân tích.
Vượt sóng dịch, nắm cơ hội, tạo đột phá
“Chúng tôi nhận ra, mặc dù Covid-19 mang đến nhiều hệ quả xấu cho con người, nhưng nó cũng tạo nên cú hích để chuyển đổi số nhanh chóng hơn. Thông thường, công cuộc chuyển đổi số hoàn thành trong 10 năm nhưng với tình hình hiện nay chỉ còn mất từ 2 đến 3 năm”.