Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, qua kiểm tra cho thấy nhiều cơ quan Trung ương đang có lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong hệ thống thông tin, có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc phần mềm gián điệp.
Phát hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng kể cả ở các cơ quan Trung ương
Sáng nay 8/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của 8 luật.
Tại buổi làm việc, Bộ Công an đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dịch vụ bảo vệ an ninh mạng vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Theo giải thích của Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, mục tiêu mà Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ An ninh mạng quốc gia đặt ra là giảm thiểu nguy cơ bị xâm hại an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Nghị quyết 22 của Chính phủ về chương trình trình hành động của Chính phủ về đảm bảo An ninh mạng Quốc gia cũng đã giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm thuộc an ninh mạng.
“Thời gian vừa qua, từ thực tiễn công tác và qua kiểm tra trực tiếp, chúng tôi kiểm tra 26 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương có hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia đã phát hiện có lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng bị lây nhiễm mã độc phần mềm gián điệp”, Trung tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Ông Quang cho biết, một trong các nguyên nhân gây ra các lỗ hổng bảo mật trên là do chưa có hành lang pháp lý để quản lý các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Đồng thời, tồn tại nguy cơ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các công ty, doanh nghiệp an ninh mạng không đủ năng lực.
“Đây là kẽ hở hết sức nghiêm trọng nếu bị các cơ quan đặc biệt nước ngoài lợi dụng; có thể đe doạ đến sự an toàn của an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ.
Quang cảnh Hội thảo
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Theo ông Quang, dù Luật An toàn thông tin năm 2015 đã quy định các nội dung về sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng nhưng chưa quy định quản lý công tác bảo vệ an ninh mạng vì đối tượng quản lý và khách thể bảo vệ, chủ thể, biện pháp quản lý là khác nhau.
“Chúng tôi cũng đã thực hiện rà soát các sản phẩm, dịch vụ về an ninh mạng và không bị trùng”, ông Quang lưu ý.
Theo tướng Quang, vừa qua Bộ Công an đã cho rà soát phần mềm y tế quản lý tiêm chủng và phát hiện có sơ hở.
Bộ Công an sau đó đã đề xuất, khắc phục các thiếu sót trong phần mềm quản lý lưu trữ thông tin cá nhân, phục vụ quy định một ứng dụng quản lý dữ liệu tiêm chủng.
Từ các yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn, Bộ Công an đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dịch vụ bảo vệ an ninh mạng vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư trong dự án Luật sửa đổi, tạo hành lang pháp lý và phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện Bộ Công an cho rằng, nếu không bổ sung các danh mục của Luật Đầu tư trong lần sửa đổi này, sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể ban hành Nghị định.
“Như vậy, chúng ta thiếu hành lang pháp lý, cơ sở để quản lý, kiểm soát dịch vụ an ninh mạng đưa vào hệ thống thông tin quan trọng của Đảng, Nhà nước”, Thứ trưởng Bộ Công an phân tích.
Theo ông Quang, những thiếu sót trong hành lang pháp lý này chính là kẽ hở để các thế lực thù địch, tội phạm mạng lợi dụng, xâm hại đến an toàn của chế độ, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
“Vùng lãnh thổ đặc biệt”
Phát biểu tại sự kiện, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nêu quan điểm, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc là chủ trương chiến lược, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong mọi thời kỳ.
Theo tướng Nghĩa, thực tiễn đã chứng minh chỉ khi độc lập, chủ quyền của Tổ quốc được toàn vẹn, lợi ích quốc gia dân tộc được bảo vệ, hòa bình đất nước được giữ vững, thì nhân dân mới được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự. Đồng thời, người dân khi ấy mới có điều kiện, môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới – “không gian mạng”.
Không gian mạng đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
“Tuy nhiên, đây cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát”, tướng Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Do đó, theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, không gian mạng giờ đây đã trở thành "không gian chiến lược mới", "vùng lãnh thổ đặc biệt" gắn chặt với chủ quyền về đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ.
“Chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, thời gian qua, cả hệ thống chính trị, lực lượng Công an nhân dân luôn là một trong những lực lượng nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giữ vai trò trọng yếu trong bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Ông Nghĩa điểm lại Nghị quyết số 35, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" gắn với Kết luận số 53, ngày 4/6/2019 của Ban Bí thư "Về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội".
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, những văn bản cơ sở này đã tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của Việt Nam.
Tăng cường an ninh mạng thời gian tới
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là lĩnh vực hoàn toàn mới, khó, rất rộng lớn, phức tạp và nhạy cảm.
Ông Trạc đề nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; xây dựng các hệ thống, phương châm, nguyên tắc, giải pháp, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
“Cần chú trọng hợp tác quốc tế về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, kinh phí, nguồn nhân lực tạo điều kiện đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong thời gian tới”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nói.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Bế mạc hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian tới, đề nghị lực lượng Công an cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tô Lâm, cần hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông hiện nay của Việt Nam.
Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo
© Phạm Kiên - TTXVN
Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Ngoài bảo vệ an ninh quốc gia, cơ quan chức năng cũng nỗ lực phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng trong thời gian tới.