Trong trận đấu ra quân của Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam gặp Đội tuyển bóng đá quốc gia Lào tại AFF Suzuki CUP tổ chức ở Singapore, Ban Tổ chức giải đấu đã cho phát Quốc ca Lào và Quốc ca Việt Nam trong phần lễ chào cờ khai mạc trận đấu trên sân vận động Bishan, Singapore. Tuy nhiên, các khán giả Việt Nam xem truyền hình trực tiếp trận đấu trên kênh Next Sport (kênh nhánh của Next Media JSC thuộc VTC) trên nền tảng Youtube đã không được nghe quốc ca của hai nước. Thay vào đó, trên màn hình hiện ra bảng chữ: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi phải buộc lòng tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị khán giả thông cảm”.
Sự việc đang là đề tài tranh luận “nóng” trong dư luận Việt Nam những ngày này.
Vì sao Quốc ca Việt Nam đã bị tắt tiếng? Điều này có vi phạm luật không và ai vi phạm? Các cơ quan chức năng Việt Nam phải xử lý như thế nào?
Sputnik đã phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về những vấn đề đối nội và bản quyền về chủ đề “nóng” trong vài ngày trở lại đây.
Next Media tắt tiếng để tránh bị “đánh gậy bản quyền”. BH Media có thực là “không liên quan”?
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik “vì sao Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng”, chuyên gia Nguyễn Hồng Long nói: Giải thích về việc này, chủ kênh Next Media trình bày, họ đã chủ động tắt tiếng để tránh bị “đánh gậy bản quyền”; bởi trước đó, một kênh khác trên Youtube là BH Media (có trụ sở tại D12 Ngõ 80 Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) đã đăng ký bản quyền trên Youtube đối với một bản phối bài “Tiến quân ca” mà theo họ nói là được Hãng Audio Hồ Gươm ủy quyền khai thác. Next Media lo ngại rằng nếu bài “Tiến quân ca” được phát trên kênh của họ, họ sẽ bị Youtube bắt lỗi bản quyền và có thể xảy ra các hệ lụy, nhẹ thì chịu phạt, nặng thì bị Youtube khóa kênh.
Khi dư luận hướng về BH Media thì ông chủ hãng này cho rằng không liên quan đến vụ tắt tiếng Quốc ca Việt Nam mà do Next Media chủ động ngắt. Đáng chú ý là chỉ kênh Next Sport tắt tiếng phần lễ chào cờ của trận đấu Lào - Việt Nam lúc 19h30 ngày 6-12-2021 (giờ Hà Nội). Còn trên các kênh VTV6 và các kênh khác được VTV chia sẻ bản quyền phát sóng, phần tiếng trong lễ chào cờ vẫn nghe được bình thường.
Mặc dù đây là một sự cố có tính riêng biệt chỉ ở một kênh truyền hình trên nền tảng số nhưng dư luận Việt Nam hết sức bất bình và bức xúc bởi bài Tiến quân ca-Quốc ca Việt Nam là niềm tự hào dân tộc, là đại diện tiêu biểu của Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam. Xúc phạm đến quốc ca là xúc phạm đến thể diện của quốc gia, xúc phạm đến tinh thần độc lập dân tộc.
BH Media cố tình lờ đi điều gì?
Khi phóng viên Sputnik đề cập tới vấn đề vi phạm luật của hành động nói trên và tổ chức nào, ai vi phạm, chuyên gia Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh: Việc tắt tiếng bài hát Tiến quân ca-Quốc ca Việt Nam trong lễ chào cờ rõ ràng là một hành động vi phạm luật pháp, có thể bị quy lỗi xúc phạm quốc huy, quốc kỳ và quốc ca Việt Nam theo Bộ luật Hình sự hiện hành hoặc bị xử lý hành chính. Ngay sáng hôm sau, ngày 7/12/2021, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã tuyên bố:
“Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng)”.
Tuy nhiên, việc tắt tiếng bài Quốc ca Việt Nam vừa qua chỉ là một giọt nước tràn ly sau khi Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ truyền thông Bihaco (BH Media) đăng ký bản quyền trên Youtube đối với một bản phối bài “Tiến quân ca” mà họ nói rằng được Hãng Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác. Khi được yêu cầu giải trình, BH Media đã trả lời tránh đi rằng, họ không đăng ký bản quyền bài “Tiến quân ca” mà chỉ đăng ký bản quyền cho một bản phối ca nhạc của bài hát này. Theo quy định của Khoản 9, Điều 1, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 như sau:
1. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình;
b) Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
2. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng
Theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Hồng Long, có lẽ BH Media cho rằng, thiên hạ không có ai hiểu biết về công nghệ thông tin và quy định cũng như cách xác định bản quyền âm nhạc trên Youtube. Họ đưa tác phẩm lên YouTube và được xác định Content ID. Khi có mã Content ID, các video, audio đăng tải lên sau nếu nội dung trùng lặp hoặc chứa đoạn âm thanh tương tự sẽ mặc định bị khiếu nại bản quyền. Nguyên nhân là ở chỗ việc soát xét sự giống và khác nhau của các bản nhạc trên Youtube không do con người trực tiếp thực hiện mà do công nghệ AI (người máy thông minh) đảm nhận. Chỉ cần “người máy” ấy xác định được tới vài % độ dài của một bản ghi bất kỳ có giai điệu giống với bản ghi đã được đăng ký bản quyền trước đó thì hệ thống Youtube sẽ tự động gắn nhãn “Vi phạm bản quyền” lên bản còn lại. “Người máy” của Youtube chỉ có thể đánh giá bản nhạc qua giai điệu chính mà không thể phân biệt được sự khác nhau của các bản phối khí khác nhau. Đó chính là yếu tố kỹ thuật mà BH Media cố tình lờ đi khi giải thích về việc làm của mình.
Trước đó, nhạc sĩ Giáng Son cũng bị “chiếm đoạt bản quyền” bài hát “Giấc mơ trưa” trên Youtube theo cách thức tương tự.
Những lý lẽ không thuyết phục của BH Media
Việc BH Media nói rằng, họ được Hãng Hồ Gươm Audio ủy quyền khai thác bản phối mà họ đã đăng ký bản quyền cũng không thuyết phục. Xét đến nguồn gốc của vấn đề thì ngày 15/7/2016, tại Văn phòng Quốc hội Việt Nam, vợ và 5 con của cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng bản quyền bài “Tiến quân ca” cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Và Quốc hội Việt Nam đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trách nhiệm quản lý, khai thác và phổ biến bài “Tiến quân ca-Quốc ca Việt Nam”.
Như vậy, bài “Tiến quân ca- Quốc ca Việt Nam” là tài sản của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Nhà nước Việt Nam giữ bản quyền bài hát này nên cho dù bài hát đó có được thể hiện dưới bất kỳ bản phối khi, hay thanh nhạc nào cũng đều phải được phép của Nhà nước. Nhà nước Việt Nam tuy nắm giữ bản quyền bài “Tiến quân ca-Quốc ca Việt Nam” nhưng đã coi đó là tài sản chung của toàn dân nên bất kỳ ai cũng có thể tự do sử dụng mà không cần xin phép. Điều đó còn có nghĩa rằng bất kỳ cá nhân hay tổ chức cũng không được phép đăng ký bản quyền đối với bất kỳ bản phối khí và thanh nhạc của Quốc ca Việt Nam và chắc chắn sẽ không bao giờ cho phép. Vì vậy, việc BH Media đăng ký bản quyền của mình đối với bản phối khi-thanh nhạc bài “Tiến quân ca” trên Youtube là bất hợp pháp.
Một điều nữa là BH Media đã đổ thừa cho việc được Hãng Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản phối hiện hành trên Youtube. Nhưng ngay cả khi Hãng Hồ Gươm Audio có được ủy quyền này thì theo nguyên tắc pháp lý, họ không được phép tái ủy quyền cho bên thứ ba. Còn việc Hãng Hồ Gươm Audio có được ủy quyền hay không thì các cơ quan chức năng đang xem xét về khía cạnh pháp luật. Do đó, đây cũng là cách giải trình thiếu căn cứ pháp lý của BH Media. Nói cách khác, với hành động đăng ký bản quyền đối với bản phối khí của mình trên Youtube, vô hình chung BH Media đã xâm phạm quyền tự do sử dụng Quốc ca Việt Nam và chiếm dụng trái phép bài hát “Tiến quân ca” là của riêng, ít nhất là trên không gian mạng Youtube.
Thứ ba, đối với Youtube việc họ có thể “đánh bản quyền” đối với Next Media, FPT hay các hãng truyền thông khác trong trường hợp cụ thể tại lễ chào cờ trong các sự kiện là điều vô lý. Bởi họ chỉ là các nhà phát sóng và truyền dẫn. Còn việc sử dụng bản ghi quốc ca Việt Nam và các nước là do bản tổ chức sự kiện quyết định, các hãng truyền thông tham gia phát sóng và truyền dẫn không thể can thiệp được. Đây chính là điểm bất cập trong các quy định của nền tảng số này.
Quan điểm và phản ứng của Việt Nam
Trong ngày 7/12/2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã làm việc với các cơ quan chức năng, các bên có liên quan và “yêu cầu tất cả cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam”. Thực hiện chỉ đạo này, Next Media đã cam kết rằng “khán giả của Next Sports và người hâm mộ sẽ được hưởng thụ trọn vẹn, toàn bộ phần nghi lễ bao gồm Quốc ca trước mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam trên mọi nền tảng phát sóng”.
Về phía mình, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã gấp rút xin một bản phối khí bài “Tiến quân ca-Quốc ca Việt Nam” từ Cổng thông tin của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để chuyển sang cho Đoàn bóng đá Việt Nam tại AFF SUZUKI CUP và giao cho Ban Tổ chức giải đấu sử dụng. Bản này được phối khí và trình bày bởi Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam nên chắc chắn sẽ không bị “đánh bản quyền”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên cho dàn dựng một bản Quốc ca Việt Nam theo hình thức giao hưởng hợp xướng để người dân có thể tự do sử dụng vô điều kiện trên các nền tảng số. Tuy nhiên, một số người khác cho rằng đó không phải là cách làm hay bởi vô hình chung, nó hạn chế việc truyền bá và phổ biến Quốc ca Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau.
Sự việc sẽ không chỉ dừng lại ở đây.
Tuy nhiên, sự việc sẽ không chỉ dừng lại ở đây.
Trước đó, trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Arabia Saudi tại Vòng loại thứ 3 của giải FIFA WORLD CUP 2022, kênh Youtube “FPT Bóng đá Việt” thuộc sở hữu của Tập đoàn FPT đã bị Youtube gắn nhãn “vi phạm bản quyền” do Ban tổ chức sân đã sử dụng bản Quốc ca Việt Nam do hãng băng đĩa nhạc Marco Polo sản xuất, được Naxos Digital Services US xác nhận. Kết quả là buổi truyền hình của “FPT Bóng đá Việt” đã bị ngắt và kênh đã thất thu hàng triệu đồng.
Các sự việc liên quan đến Quốc ca Việt Nam xảy ra đối với các kênh phát sóng và truyền dẫn của Việt Nam dựa trên các nền tảng số hiện đang do nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) kiểm soát đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Trước hết là vấn đề bản quyền đối với những tác phẩm có tầm quan trọng đặc biệt như Quốc ca Việt Nam hoặc các bài hát quan trọng khác như “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Giải phóng miền Nam”, “Hồn tử sĩ” và các bài hát truyền thống sử dụng trong các dịp lễ quan trọng. Nếu sử dụng các bài hát này trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc trên các nền tảng số của Việt Nam thì các tác phẩm đó sẽ được Nhà nước Việt Nam bảo hộ theo Luật sở hữu trí tuệ ngày 25/6/2019. Nhưng các nền tảng số nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, sử dụng hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam để kinh doanh mà lại “đánh bản quyền” đối với các tác phẩm của Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm quan trọng và đặc biệt quan trọng nêu trên là điều không thể chấp nhận được. Nói một cách khác là họ đã đem “luật riêng” của mình đè lên Pháp luật Việt Nam. Điều này đặt ra vấn đề “ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ” của Việt Nam trên không gian mạng.
Thứ hai là để khắc phục những sự cố vừa qua một cách cơ bản, trong đó có cả việc BH Media đăng ký tác quyền bản phối của họ đối với bài “Tiến quân ca-Quốc ca Việt Nam”, Nhà nước cần ban hành một đạo luật, hay chí ít cũng là một Nghị định về quản lý, khai thác, sử dụng Quốc huy, Quốc kỳ và Quốc ca Việt Nam. Theo đó, đối với Quốc ca Việt Nam, cần có tuyên bố rõ ràng về tác quyền tuyệt đối của Nhà nước Việt Nam đối với ‘Quốc ca Việt Nam”. Nhà nước cần tuyên bố tác quyền này là phi lợi nhuận và nghiêm cấm đăng ký tác quyền “Quốc ca Việt Nam” đối với cá nhân và tổ chức sản xuất và trình diễn bất cứ một tác phẩm nào có sử dụng quốc ca.
Nhà nước cũng cần quy định rõ những đối tượng, những trường hợp có thể sử dụng Quốc ca Việt Nam mà không cần xin phép cũng như những đối tượng, trường hợp sử dụng phải xin phép, đặc biệt là trong các lĩnh vực truyền thông và truyền thông số. Riêng đối với cá nhân và tổ chức nước ngoài, nếu họ muốn sử dụng Quốc ca Việt Nam vào mục đích phi lợi nhuận thì có thể khuyến khích, nhưng nếu họ sử dụng vào mục đích kinh doanh thì phải xin phép. Còn nếu họ sử dụng vào mục đích xâm hại đến quốc thể của Việt Nam thì Việt Nam sẽ kiên quyết phản bác và “kiện”, đòi bồi thường tới nơi tới chốn.
Đề cập tới vấn đề quan trọng thứ ba cần làm, chuyên gia Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh: Cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa Luật An ninh mạng, Luật An toàn công nghệ thông tin. Theo đó, không chỉ sử dụng các điều luật này để chống lại các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm an toàn không gian mạng, bảo vệ chủ quyền không gian mạng của Việt Nam mà còn phải bảo vệ những tài sản quốc gia được coi như “Quốc bảo” như “Tiến quân ca-Quốc ca Việt Nam”. Về tác quyền, buộc các nhà mạng nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, không được có các hành động làm phương hại đến quyền lợi của người dùng Việt Nam, không được dùng “bẫy tác quyền” để hạn chế việc truyền bá văn hóa, thông tin chính thống, lành mạnh của Việt Nam đồng thời phải gỡ bỏ những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, chống Nhà nước Việt Nam hoặc các thông tin vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam trên các nền tảng số mà họ đang sở hữu, quản lý và khai thác.
“Về việc này, người Nga đã làm được và làm rất quyết liệt. Người Việt Nam nên học tập họ”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long bình luận với Sputnik.