Tại sao phải bắt Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường?

Ông Trương Quốc Cường, 60 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Dược, bị bắt tạm giam sau hơn một tháng bị khởi tố.
Sputnik
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Vụ 3) phối hợp cùng Bộ Công an thực hiện lệnh bắt để tạm giam ông Trương Quốc Cường (thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Dược).
Từ vụ án thuốc giả của VN Pharma kéo theo sai phạm của hàng loạt nguyên lãnh đạo cấp cao Bộ Y tế, trong đó không chỉ có nguyên lãnh đạo Cục Quản lý Dược như ông Trương Quốc Cường, mà cả nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị bắt: Thay đổi biện pháp ngăn chặn

Sau nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Nguyễn Quang Tuấn, ngày 10/12, Bộ Công an Việt Nam bắt tiếp cán bộ cấp cao của Bộ Y tế - Thứ trưởng Trương Quốc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Dược.
Ngày 10/12, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với ông Cường.
Theo đó, Vụ 3 (Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Dược.
VKSND Tối cao đã quyết định áp dụng biện pháp “bắt tạm giam” đối với ông Cường thay thế biện pháp “cấm đi khỏi nơi cư trú” đã được phê chuẩn trước đó, nhằm phục vụ công tác truy tố, xét xử trong thời gian tới.
Ông Trương Quốc Cường bị bắt sau hơn 1 tháng bị khởi tố là động thái mới nhất của Bộ Công an trong quá trình điều tra hành vi thiếu trách nhiệm của nguyên Cục trưởng Quản lý Dược, Bộ Y tế để nhiều loại thuốc giả nhãn mác nhập về Việt Nam tiêu thụ, gây bức xúc dư luận thời gian qua, nổi cộm từ vụ án VN Pharma.
Lệnh bắt bị can để tạm giam ông Trương Quốc Cường do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 3) ký, nhằm đảm bảo thực hiện công tác truy tố và xét xử trong vụ án hình sự “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada”; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế”.
Việt Nam khởi tố, khai trừ khỏi Đảng nhiều lãnh đạo ngành y tế
Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, hôm 3/11, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 3) cũng đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đối với bị can Trương Quốc Cường. Nguyên Cục trưởng Quản lý Dược Bộ Y tế bị cáo buộc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, cũng như trường hợp khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn, ở thời điểm khởi tố bị can Trương Quốc Cường, Cơ quan An ninh điều tra chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” chứ chưa bắt giam.

‘Liên lụy’ cả bà Nguyễn Thị Kim Tiến

Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh, đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan An ninh điều trâ vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada”.
Trong vụ án này, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế được xác định đã “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng như có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác.
Bộ Công an sau quá trình điều tra đã kết luận, xuyên suốt giai đoạn dài từ 2008-2014, tại Cục Quản lý Dược đã xảy ra một số sai phạm trong quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc mang nhãn mác Health 2000.
Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cũng được xác định chưa có các biện pháp kịp thời để xem xét đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc.
Bộ Công an đã xem xét rất kĩ khi quyết định khởi tố người ở 'cấp lãnh đạo'
Liên quan vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố điều tra đối với 3 cán bộ, lãnh đạo của Cục Quản lý Dược do có liên quan đến các sai phạm.
Kết luận điều tra chỉ rõ, bị can Trương Quốc Cường với vai trò Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và pháp luật về mọi mặt hoạt động của Cục Quản lý Dược.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng có trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra những sai phạm nêu trên của Cục Quản lý Dược, gây hậu quả thiệt hại về tài sản hơn 50 tỷ đồng.
Hành vi của ông Trương Quốc Cường cũng là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong khi cấp dưới thuộc quyền của ông có hành vi cố ý làm trái quy định, tiếp tay cho thuốc giả nhãn mác tràn lan ở thị trường Việt Nam. Trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, Cơ quan An ninh điều tra đã có kết luận điều tra bổ sung đề nghị truy tố 14 bị can trong vụ án ông Trương Quốc Cường bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên lãnh đạo Cục Quản lý Dược cùng 13 bị can khác bị đề nghị truy tố về 3 tội danh. Theo đó, có 3 người bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Lê Đình Thanh, nguyên cán bộ hải quan; Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược và Trương Quốc Cường, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Dược, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Có 9 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” gồm: Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường, Phạm Anh Kiệt, Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc, Phan Cẩm Loan, Lê Thị Vũ Phương, Phạm Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Quyết.
Có hai bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: Phạm Hồng Châu, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc; Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc.
Vụ án buôn bán thuốc giả tại Công ty Cổ phần VN Pharma liên quan Nguyễn Việt Hùng, Võ Mạnh Cường cũng như Thứ trưởng Trương Quốc Cường, làm ‘liên lụy’ cả lãnh đạo Bộ Y tế thời điểm ấy là bà Nguyễn Thị Kim Tiến – từng gây chấn động dư luận Việt Nam.
Ông Trương Quốc Cường chỉ bị khởi tố sau hai lần Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra bổ sung.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo, miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Tiến
Về phần bà Nguyễn Thị Kim Tiến, hôm 19/11, Bộ Chính trị đã ra quyết định cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đối với bà Tiến sau cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo kết luận của Ban Bí thư, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, với cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Y tế, “chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu” về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng; vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Đặc biệt, bà Tiến được xác định đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Những sai phạm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, ngành Y tế và cá nhân”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu rõ.

Sai phạm ‘rất nghiêm trọng’ của ông Trương Quốc Cường

Cũng tại cuộc họp hôm 19/11, Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021 và Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng đối với Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường.
“Vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và vi phạm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến được xác định là nghiêm trọng; vi phạm của Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường là rất nghiêm trọng”, Ban Bí thư kết luận.
Những vi phạm này của lãnh đạo cấp cao Bộ Y tế nhiệm kỳ qua làm thiệt hại, thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản, tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước, làm giảm uy tín của ngành Y tế và cá nhân, gây bức xúc trong xã hội.
Đối với cá nhân ông Trương Quốc Cường, Bộ Chính trị nhấn mạnh, với cương vị Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Y tế (từ ngày 21/11/2016 đến nay) và Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục Quản lý dược các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Cục trưởng Cục Quản lý dược (từ ngày 1/8/2007 đến ngày 20/11/2016), ông Cường cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Bộ Công an nói gì về vụ Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố?
Ông Trương Quốc Cường đã vi phạm các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật trong cấp phép cho thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ lưu hành, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước.
Những vi phạm nói trên của ông Cường còn ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, gây bức xúc xã hội, làm giảm uy tín tổ chức đảng, ngành Y tế và cá nhân; để nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, cá nhân bị xử lý hình sự.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô đã có trả lời về công tác điều tra sai phạm của Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng như lãnh đạo Bộ Y tế, qua đó khẳng định, Bộ Công an luôn quyết liệt đấu tranh với quan điểm thượng tôn pháp luật, xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Ông Xô cũng cho hay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực đã chỉ đạo Bộ Công an xử lý một số vụ, nhất là những vụ án sai phạm về kinh tế, đấu thầu. Việc xử lý được có thể cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực và lợi ích đầu tiên thuộc về nhân dân.
Riêng với trường hợp “các vụ ăn chia”, có tiêu cực (như các vụ việc vừa qua tại Bộ Y tế), Bộ Công an xem xét hành vi sai trái của người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính là vì cái chung hay vì cái riêng, nếu vì cái chung thì sẽ xem xét khác.
“Tuy nhiên, đối với những vụ án tham nhũng, gây bức xúc dư luận, nhất là khi người bị xử lý lại là người có chức vụ cao, có ảnh hưởng xã hội thì trong quá trình tố tụng, lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm”, Trung tướng Tô Ân Xô nêu rõ.
Vụ thuốc giả tại VN Pharma: Nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược tiếp tục bị đề nghị truy tố
Như chúng tôi đã thông tin, hồ sơ xin cấp số đăng ký 2 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 không đảm bảo hồ sơ pháp lý nhưng thuộc cấp của Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã tự ý thẩm định lại hồ sơ, đề nghị cấp số đăng ký thuốc không đúng quy định. Từ đây, 2 loại thuốc được VN Pharma sử dụng số đăng ký để nhập khẩu vào Việt Nam.
Đáng chú ý, kể từ năm 2014, Cục Quản lý dược đã nhận được nhiều phản ảnh những loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Đơn vị này đã xác minh tại các công ty dược của Canada về Health 2000.
Trong khi chờ kết quả, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Tổng cục Hải quan tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm của Health 2000, đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) phối hợp xác minh. Được biết, khi đó ông Trương Quốc Cường có một số chỉ đạo nhưng lại không kịp thời đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc.
Chung cuộc, hành vi này của nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường bị cơ quan điều tra cáo buộc gây hậu quả 4 trong 7 loại thuốc kháng sinh mang nhãn mác Health 2000 (tổng giá trị trên 3,7 tỷ đồng) tiếp tục được sử dụng trong điều trị.
Đồng thời, Bộ Công an cũng xác định ông Cường với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý Dược kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về mọi hoạt động sai phạm. Hành vi của ông Cường bị cơ quan tố tụng kết luận là chưa làm hết trách nhiệm với vai trò người đứng đầu, gây thiệt hại hơn 50,6 tỷ đồng.
Hiện vụ án được Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Thảo luận