Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhằm nâng cao đạo đức, chuẩn mực cho giới nghệ sĩ nói chung.
Chấn chỉnh giới nghệ sĩ: Từ Trung Quốc đến Việt Nam
Như Sputnik đã đưa tin, cuối tháng 7, một trong “tứ đại lưu lượng” của làng giải trí Trung Quốc (Cbiz) Ngô Diệc Phàm (Wu Yi Fan - Kris Wu) bị tạm giam điều tra vụ án tình dục liên quan đến các cô gái trẻ (tố cáo của hotgirl Đô Mỹ Trúc).
Đến ngày 16/8, Viện Kiểm sát nhân dân quận Triều Dương (thành phố Bắc Kinh) phê chuẩn lệnh bắt giữ nam nghệ sĩ. Cựu thành viên EXO và nam nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu của Trung Quốc bị tình nghi dính líu đến hàng chục tội danh như hiếp dâm trẻ vị thành niên, lừa đảo hàng chục cô gái, rửa tiền, trốn thuế, sử dụng và liên đới đến đường dây mua bán ma túy.
Ngô Diệc Phàm, nổi tiếng với nghệ danh Kris Wu.
© AFP 2023 / Getty Images For dcp / Emma McIntyre
Truyền thông Trung Quốc rầm rộ đưa tin cho biết, khung hình phạt được Cảnh sát đề xuất lên Viện kiểm sát quận Triều Dương là tử hình.
Trước đó, làng giải trí Trung Quốc chấn động sau scandal “đẻ thuê” và trốn thuế của “tiểu hoa đán” Trịnh Sảng (Zheng Shuang).
Tiếp đến, các sự vụ như “phong sát” Triệu Vy – Trương Triết Hạn, Hoắc Tôn hay thần đồng piano Lý Vân Địch hoặc yêu cầu 64 nghệ sĩ đã tham gia lớp học giáo dục đạo đức do Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình Quốc gia (NRTA) tổ chức là động thái “chưa có tiền lệ” của Trung Quốc liên quan đến việc chấn chỉnh giới nghệ sĩ nước này.
Triệu Vy.
© AFP 2023 / Nicolas Tucat
Chưa hết, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) thậm chí còn ban hành văn bản 10 biện pháp tăng cường quản lý hoạt động trong ngành giải trí đối với Cbiz. Các công ty quản lý nghệ sĩ phải tăng cường kiểm soát, định hướng hoạt động cho nhóm người hâm mộ cũng như hạn chế hoạt động của các diễn viên, ca sĩ, người mẫu… có hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức.
Tại Việt Nam, chưa có “cuộc thanh trừng” nghệ sĩ nào nghiêm trọng và mạnh tay như chính quyền Trung Quốc thực hiện, tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề đảm bảo chuẩn mực ứng xử, nâng cao tiêu chuẩn đạo đức cho nghệ sĩ tại Vbiz.
Ngày 13/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 3196 /QĐ-BVHTTDL chính thức ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ Việt
Theo Quyết định mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vừa ký, Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam sẽ gồm 3 chương, 11 điều.
Cần nhấn mạnh, dù Bộ Quy tắc không có giá trị pháp lý, nhưng đây là bộ khung, đặt ra tiêu chuẩn để nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật điều chỉnh hành vi ứng xử sao cho chuẩn mực.
Bộ Văn hóa muốn khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
“Quy tắc góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, lãnh đạo Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch nêu rõ.
Những người phải tuân thủ Bộ Quy tắc này gồm người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Theo Quy tắc, lĩnh vực nghệ thuật gồm nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật và nhiếp ảnh.
Theo Bộ Quy tắc ứng xử chung này, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật luôn đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật.
Các nghệ sĩ phải gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.
“Giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam”, Quy tắc nhấn mạnh.
Bộ Văn hóa cũng lưu ý, người làm nghệ thuật ở Việt Nam cần có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi cái mới, cái hay để phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống nhằm sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Nghệ sĩ Việt phải lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người và cộng đồng xã hội.
“Không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; tích cực khai thác các phương pháp sáng tạo, thể nghiệm mới, phù hợp với giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ”, Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch lưu ý.
Các nghệ sĩ cần tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới, tiếp nhận có chọn lọc các khuynh hướng, trào lưu nghệ thuật của quốc tế góp phần xây dựng, phát triển nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đồng thời phát huy và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng thời, có ý thức quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, giữ gìn tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế, không làm tổn hại đến lợi ích, an ninh, chủ quyền quốc gia, tuân thủ pháp luật nước sở tại khi tham gia các hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài.
“Đấu tranh chống lại cái xấu, những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn trong đời sống xã hội; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; có nhận thức, quan điểm đúng trước những biểu hiện lệch lạc, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc”, Bộ Quy tắc nhấn mạnh.
Đặc biệt, để tránh hiện tượng “đạo nhái”, Bộ Văn hóa yêu cầu, người làm nghệ thuật phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; không sáng tác, lưu hành, phổ biến, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng.
Không lợi dụng tình cảm công chúng để trục lợi
Về ứng xử với khán giả, Bộ Quy tắc yêu cầu, người nghệ sĩ phải tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của công chúng, khán giả để hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật.
Người làm nghệ thuật ở Việt Nam phải ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật với công chúng, khán giả.
“Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức”, lãnh đạo Bộ Văn hóa khẳng định.
Đối với đồng nghiệp, phải trân trọng các thế hệ nghệ sĩ đi trước; tôn trọng, bảo vệ uy tín của đồng nghiệp trước công chúng, khán giả và xã hội. Chân thành hợp tác, đoàn kết, giúp đỡ cùng nhau phát huy tài năng, nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp cũng như chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đối với người mới tham gia hoạt động nghệ thuật.
“Trung thực, có trách nhiệm trong phát ngôn, bày tỏ, chia sẻ quan điểm, không gây mâu thuẫn, tổn hại đến uy tín, quyền lợi hợp pháp của đồng nghiệp”, Bộ Quy tắc lưu ý.
Liên quan đến nguyên tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu, các nghệ sĩ chỉ chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước.
Khi tham gia bình luận, nhận xét thì phải đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan. Đặc biệt, không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.
“Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia, dân tộc”, Quy tắc lưu ý.
Nghệ sĩ không được đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Liên quan trách nhiệm xã hội, Bộ yêu cầu cần tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động xã hội. Cần dùng uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng, chú trọng các hoạt động liên quan đến giáo dục sức khỏe cộng đồng, lối sống thân thiện và bảo vệ môi trường.
Bộ Văn hóa nhấn mạnh, mọi sự phải công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân.
Khi tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.
“Không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; không thực hành, ủng hộ các hoạt động mê tín dị đoan, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Quy tắc nêu rõ.
Bộ Quy tắc đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng danh nghĩa của người hoạt động nghệ thuật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.