Chấn động vụ nhà sư ở Quảng Trị giết người, phi tang xác

Vụ án giết người, phi tang xác xuống sông Thạch Hãn ở Quảng Trị gây chấn động dư luận vì một trong hai nghi phạm là nhà sư, sư thầy, tu sĩ Phật giáo – Đại đức Thích Trí Hộ (tức Võ Viết Đạt) từng tu hành tại Niệm phật đường Dương Lệ Đông).
Sputnik
Theo Công an tỉnh Quảng Trị, do mâu thuẫn cá nhân, Võ Viết Đạt đã nhờ Đoàn Thanh Tuấn hẹn bà L.T.H đến địa điểm định sẵn rồi tấn công khiến nạn nhân tử vong, sau đó phi tang xác xuống sông.

Quảng Trị xôn xao vụ Đại đức Thích Trí Hộ giết người phi tang xác

Vụ giết người phi tang xác ở Quảng Trị xảy ra hôm 11/12.
Đáng chú ý, một trong hai nghi phạm gây án là Đại đức, sư thầy, tu sĩ Phật giáo, phụ trách Chùa Dương Lệ Đông, khu 3, Triệu Thuận, Triệu Phong, Quảng Trị, có pháp danh Thích Trí Hộ.
Tối 11/12, người dân sinh sống ven sông Thạch Hãn, đoạn qua khu 4, thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong) phát hiện thi thể một người phụ nữ trôi dạt vào bờ sông.
Ngay sau đó, người dân đã tiến hành trình báo sự việc với cơ quan Công an để trục vớt thi thể lên bờ. Cơ quan Công an sau đó tiến hành xác định danh tính nạn nhân và khám nghiệm tử thi.
Nạn nhân được xác định là bà Lê Thị H. (sinh 1972, trú tại thị trấn Ái tử, huyện Triệu Phong). Kết quả khám nghiệm tử thi từ cơ quan Pháp y, Công an tỉnh Quảng Trị cho thấy, nạn nhân đã chết trước khi bị quẳng xuống nước. Hung thủ đã giết nạn nhân rồi vứt xác từ trên cầu xuống sông.
Sau quá trình điều tra, xác định đối tượng nghi vấn, sáng ngày 14/12, Công an tỉnh Quảng Trị xác nhận đang tạm giữ hình sự hai đối tượng nghi phạm trong vụ án giết người gây chấn động dư luận địa phương là Võ Viết Đạt (sinh năm 1980), trú tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng) và Đoàn Thanh Tuấn (sinh năm 1972, trú tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong).
Theo cơ quan điều tra, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, Võ Viết Đạt đã nhờ Đoàn Thanh Tuấn gọi điện hẹn bà Lê Thị H. ra địa điểm hẹn sẵn rồi dùng hung khí tấn công nạn nhân khiến bà H. tử vong.
Hai đối tượng Võ Viết Đạt và Đoàn Thanh Tuấn sau đó đã dùng xe ô tô đem xác của bà Lê Thị H. phi tang tại đoạn sông thuộc bờ kè Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Còn chiếc xe máy của bà H. hai đối tượng đã thả xuống sông Thạch Hãn. Khoảng 19h ngày 12/12, chiếc xe của nạn nhân được tìm thấy dưới chân cầu Đại Lộc trên sông Thạch Hãn.
Theo Công an tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn trong cuộc sống. Nạn nhân và nghi phạm có quen nhau từ trước.
Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị, Phòng Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án mang bí số 1112G và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh khẩn trương vào cuộc điều tra, trong thời gian chưa đến 24h, lực lượng Công an đã nhanh chóng làm rõ các đối tượng liên quan đến vụ án mạng.

Giết người, phá giới và phạm pháp

Thông tin vô cùng bất ngờ với dư luận địa phương chính là việc, một trong hai nghi phạm đứng sau vụ giết người phi tang xác gây chấn động này lại là một thầy tu, một tu sĩ Phật giáo, cả một “Đại dức” nhưng lại vi phạm Pháp giới nghiêm trọng.
Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị ngay trong ngày 13/12 đã hủy tư cách tu sĩ Phật giáo đối với Đại đức Thích Trí Hộ - Võ Viết Đạt – nghi phạm vụ giết bà Lê Thị H., phi tang xác xuống sông.
Theo đó, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị đã gửi thông báo đến nhiều cơ quan, ban ngành, Công an địa phương về việc hủy tư cách tu sĩ Phật giáo đối với Đại đức Thích Trí Hộ, thế danh là Võ Viết Đạt, do phá giới và phạm pháp.
Thông báo của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị nêu rõ, kể từ năm 2014, thể theo nguyện vọng của Ban hộ tự Niệm phật đường Dương Lệ Đông, Giáo hội và lãnh đạo chính quyền các cấp đã đồng thuận cho Đại đức Thích Trí Hộ, thế danh Võ Viết Đạt, về hoạt động tôn giáo tại Niệm phật đường Dương Lệ Đông (xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong).
“Trong thời gian trú xứ, đại đức Thích Trí Hộ chưa làm tròn trách nhiệm và có những biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ”, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Triệu Phong và Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị nhiều lần nhắc nhở, xử lý bằng nhiều biện pháp nhưng Đại đức Thích Trí Hộ (Võ Viết Đạt) vẫn không có dấu hiệu cải thiện.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lên tiếng vụ sư Thích Thanh Toàn
Đến năm 2019, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị nhận được Công văn số 11 ngày 2/4/2019 của UBND xã Triệu Thuận về việc đề nghị giải quyết vấn đề đại đức Thích Trí Hộ.
Sau đó, Ban trị sự đã buộc Đại đức Thích Trí Hộ rời khởi trú xứ, về sám hối tại Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Thích Trí Hải.
Tuy nhiên, khi hòa thượng Thích Trí Hải đi chữa bệnh, đại đức Thích Trí Hộ lại có những hành vi sai trái, không thực hiện nghiêm pháp sám hối, bị nhiều đơn vị phản ánh đề nghị phải xử lý.
Đến ngày 27/10/2017, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị đã buộc đại đức Thích Trí Hộ bàn giao việc quản lý Niệm phật đường Dương Lệ Đông cho Ban hộ tự và rời khỏi trú xứ Dương Lệ Đông, đồng thời phải sám hối. Sau đó, đại đức Thích Trí Hộ đã có chút tiến bộ nhưng không đáng kể.
Ngày 5/9/2020, Ban hộ tự Niệm phật đường Dương Lệ Đông đã có đơn trình Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Triệu Phong và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị xin thỉnh cầu đại đức Thích Trí Hộ tạm thời về lại Niệm phật đường Dương Lệ Đông để chăm lo Phật sự.
Xét nhu cầu của Ban hộ tự cùng sự đồng thuận của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Triệu Phong, Ban trị sự tỉnh đã cho Đại đức Thích Trí Hộ được tạm thời về NPĐ Dương Lệ Đông khi có Phật sự cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian này, Đại đức Thích Trí Hộ vẫn có những hành vi sai trái, dẫn đến phạm pháp.
Xét các dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đại đức Thích Trí Hộ do Công an huyện Triệu Phong cung cấp, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị thông báo đại đức Thích Trí Hộ (tức Võ Viết Đạt) đã không còn có tư cách là vị Tỳ kheo, không được phép sống chung trong Tăng đoàn Phật giáo, nên hiện nay ông Võ Viết Đạt không phải là người xuất gia tu sĩ Phật giáo.
“Kể từ ngày 13/12/2021, ông Võ Viết Đạt không thuộc quyền quản lý của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo luật pháp về hành vi phạm pháp của ông Võ Viết Đạt”, văn bản của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị nêu rõ.
Theo lời Thượng tọa Thích Đạo Không, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị cho biết, trước khi được xác định là nghi phạm của vụ án mạng trên, Đại đức Thích Trí Hộ cũng không phải là trụ trì hay quyền trụ trì Niệm Phật đường Dương Lệ Đông.
Vụ chùa Ba Vàng giải "oan gia trái chủ": Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ ‘xử lý thích đáng’

Nhiều điểm cần làm rõ trong vụ giết người phi tang xác ở Quảng Trị

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thông tin với báo chí, thông qua kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân đã bị sát hại trước khi bị đẩy xuống sông.
Trên người nạn nhân có nhiều thương tích nghiêm trọng, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội giết người để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Đánh giá về việc cơ quan điều tra đã giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 2 nghi phạm, trong đó có một nghi phạm là người tu hành, ông Cường cho rằng, đây là điều hết sức hy hữu bởi những người tu hành ít khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi sát hại người khác.
“Để làm rõ vụ án trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa hai nghi phạm này đối với nạn nhân, sẽ thu thập các thông tin cho thấy mối liên hệ, mâu thuẫn giữa các nghi phạm đối với nạn nhân”, luật sư nhấn mạnh.
TS. Đặng Văn Cường nêu quan điểm, trong quá trình chứng minh tội phạm về tội giết người trong tình huống này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thời điểm nạn nhân tử vong, hiện trường vụ án, đồng thời xác định đối tượng gây án có mặt trên hiện trường tại thời điểm vụ án xảy ra.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng sẽ chứng minh hung khí gây án là loại hung khí gì, việc sử dụng hung khí gây án như thế nào khiến nạn nhân thiệt mạng.
Nghi phạm sát hại cả gia đình tại Bắc Giang có dấu hiệu “tâm thần”?
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân mâu thuẫn, động cơ mục đích của việc đối tượng đã sát hại nạn nhân. Theo ông Cường nói với Tri thức và Cuộc sống, việc sát hại nạn nhân có đồng phạm hay không, diễn biến cụ thể của hành vi sát hại nạn nhân do các nghi phạm thực hiện như thế nào.
Công an cũng tiến hành lấy lời khai của các nghi phạm, lấy lời khai của người làm chứng, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường, tìm kiếm hung khí gây án để xác định sự thật, làm căn cứ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ, trong trường hợp có căn cứ cho thấy lời khai nhận tội của các nghi phạm phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với kết luận giám định và các dấu vết để lại trên hiện trường, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can đối với các bị can này về tội giết người theo điều 123 Bộ Luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt có thể phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Cường nhấn mạnh, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ gây án của các đối tượng, làm rõ diễn biến hành vi và trách nhiệm của từng đối tượng để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
“Rất có thể nguyên nhân vụ việc là do mâu thuẫn từ việc vay nợ, đòi nợ dẫn đến hai bên xô xát hoặc các đối tượng thực hiện hành vi giết người để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ”, chuyên gia pháp lý nhận định.
Thảo luận