Theo Tổng Bí thư, ngoại giao Việt Nam có nhu có cương, biết thời, biết thế, biết mình, biết người, biến tiến, lui. Sách lược là dĩ bất biến ứng vạn biến, thêm bạn bớt thù. Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù chuốc oán với ai.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, uy tín của Việt Nam ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, thế và lực được nâng lên đáng kể.
Bản sắc nền ngoại giao Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo dài hơn một tiếng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, trong đó nhấn mạnh đến trường phái ngoại giao của Việt Nam.
Như Sputnik đã cập nhật, sáng nay, tại phòng Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là Hội nghị “có ý nghĩa lịch sử” vì lần đầu tiên được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo bàn về công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Theo người đứng đầu Đảng Cộng sản, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn “so với dự báo”, điển hình như đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự đồng lòng của toàn dân, đất nước đã cơ bản kiểm soát và đi vào trạng thái “bình thường mới”.
Nhấn mạnh, với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại, theo ông Nguyễn Phú Trọng, đây là hai vấn đề (như hai cánh của một con chim) bổ sung, tác động, tạo thế và lực cho nhau. Trong đó, đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
“Có nhiều ý kiến cho rằng nói như thế là không khiêm tốn và tự cao, nhưng tôi khẳng định rằng có cơ sở để nói điều này. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có quyền nói như vậy. Câu nói này cũng đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng XIII và được sự thống nhất cao”, nhà lãnh đạo khẳng định.
Điểm lại, theo Tổng Bí thư, sau hơn 35 năm đổi mới, công tác đối ngoại của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu rất tốt đẹp. Theo đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 189 trong tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, thiết lập quan hệ đặc biệt đối với 3 quốc gia, đối tác chiến lược với 17 quốc gia, đối tác toàn diện với 13 quốc gia.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVN
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay dự báo đạt mốc 600 tỷ USD, gấp 120 lần so với những năm đầu thời kỳ đổi mới. Việt Nam cũng thu hút 400 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về quan hệ trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong nhiều tổ chức quốc tế. Về dịch Covid-19, đất nước chủ động đóng góp có trách nhiệm cùng thế giới trong phòng chống dịch, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế về vắc xin, thiết bị y tế, và thuốc điều trị.
Người đứng đầu Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh đối ngoại đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
“Chúng ta giương cao ngọn cờ hòa bình, kiểm soát bất đồng, tìm kiếm các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia”, ông Nguyễn Phú Trọng bày tỏ.
Trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam là gì?
Theo Tổng Bí thư, bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta đã luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam.
Đó là nền ngoại giao đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa.
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo, dập tắt muôn đời lửa chiến tranh, mở nền muôn thủa thái bình. Dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất; đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, người đứng đầu Đảng nêu bật.
Cùng với đó, Tổng Bí thư cũng yêu cầu những người làm công tác đối ngoại không được chủ quan vì còn nhiều điều cần cải thiện. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ ra nhiều hoạt động đối ngoại chưa thật sự chủ động, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, còn thiếu các giải pháp đồng bộ hạn chế các hoạt động tiêu cực. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, địa phương còn thiếu chặt chẽ. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác nghiên cứu chiến lược và dự báo tình hình chưa thật sự bài bản, kết quả chưa đạt được như mong muốn.
Trong bài phát biểu dài hơn 60 phút của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng nói Việt Nam có trường phái ngoại giao riêng, trường phái đối ngoại đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, đó là trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Phú Trọng, hơn 35 năm đổi mới, kế thừa và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Theo người đứng đầu Ban Bí thư, nền ngoại giao Việt Nam đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Nói về trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam, Tổng Bí thư cho rằng, cây tre Việt Nam gốc thì vững chắc, cành thì uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường.
“Không có có cơn gió nào quật ngã được”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và nêu lại câu thơ: “Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi” của nhà thơ Nguyễn Duy.
Làm rõ hơn về trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết, đó là đất nước thấm từ tâm hồn, cốt cách, khí phách của Việt Nam, mềm mại, khôn khéo, rất kiên cường, linh hoạt sáng tạo, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
“Đoàn kết nhân ái, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái, tuỳ cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt, mềm nắn rắn buông”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải thêm về trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam.
Việt Nam không gây thù oán với ai
Tổng Bí thư nêu 4 bài học kinh nghiệm từ nhiều nhiệm kỳ qua đối với công tác đối ngoại với tinh thần, nguyên tắc xuyên suốt là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Theo ông Nguyễn Phú Trọng, sách lược của Việt Nam là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến, thêm bạn bớt thù, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai. Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Theo đó, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về "đối tượng", "đối tác"; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa Việt Nam với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc.
Dường như ám chỉ tới tình hình Biển Đông, người đứng đầu Đảng nêu rõ, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của ta phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Ngoại giao là những người đi đầu”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói.
“Trước hết là các nước láng giềng và nước lớn”
Thời gian tới, theo Tổng Bí thư, Việt Nam cần thể hiện vai trò nòng cốt trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực. Tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hợp Quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc.
Ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước.
“Tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả”, người đứng đầu Đảng lưu ý.
Ông cũng đề nghị ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.
Đại biểu dự hội nghị
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVN
Tiến tới cuối bài phát biểu, Tổng Bí thư nhấn mạnh nhà ngoại giao phải là nhà chính trị, trung thành với lý tưởng của Đảng, phục vụ lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích quốc gia làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt.
Tổng Bí thư cho rằng các nhà ngoại giao được đòi hỏi rất cao về các phẩm chất vì nhận nhiệm vụ “vinh quang và đầy trọng trách” khi đem chuông đi đánh xứ người.
Ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi các nhà ngoại giao hãy tự tin, vững vàng, kiên định khôn khéo để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích đất nước, và đằng sau họ là sự ủng hộ của cả dân tộc.
“Tôi hy vọng hội nghị lần này đánh dấu cột mốc mới, tạo chuyển biến mới trong công tác đối ngoại”, Tổng bí thư kết luận và gửi lời chúc mừng năm mới sớm đến các nhà ngoại giao, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công tác đối ngoại.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi quyết tâm xây dựng nền đối ngoại, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam.
Về quan hệ với Trung Quốc và Lào, Campuchia
Trong bài phát biểu của mình sáng nay, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định, qua 35 năm đổi mới, uy tín Việt Nam ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, tạo tiền đề quan trọng phát triển.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư đọc báo cáo thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước giai đoạn 5 năm qua (2016-2021), Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trải qua 35 năm thực hiện Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, nâng tầm được cả thế và lực, với uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. Điều này đã tạo ra tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển.
Theo Phó thủ tướng, quy mô, trình độ nền kinh tế Việt Nam đã nâng cao với GDP gần 400 tỷ USD và dân số gần 100 triệu người. Cả đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân đều được cải thiện.
Đồng chí Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trình bày báo cáo tại hội nghị
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVN
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình chính trị xã hội được đảm bảo ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố. Nền an ninh – quốc phòng được giữ vững, đất nước hội nhập vào đời sống quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
“Đặc biệt là, 5 năm qua, mặc dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhưng Việt Nam vẫn tận dụng được thời cơ, hóa giải được thách thức, tiếp tục tạo những kết quả toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2016-2021, Việt Nam đã xác lập thêm 6 khuôn khổ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện. Đến nay, đã có 30 nước đặt quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với Việt Nam, trong đó có nhiều nước có vai trò và vị trí quan trọng trên thế giới. Đối với một số quốc gia khác, Việt Nam là trọng tâm ưu tiên trong chính sách khu vực.
“Kết quả này tạo cho đất nước ta có vị thế đối ngoại thuận lợi nhất từ trước đến nay, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tranh thủ các nguồn lực để phát triển”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Đối với ngoại giao vaccine, ông Phạm Bình Minh đánh giá “hiệu quả”. Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine, đạt 100% mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch hiệu quả đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng đã kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó thể hiện rõ vai trò "thành viên có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế.
Về quan hệ đối với các quốc gia láng giềng, quan hệ láng giềng hữu nghị với Lào và Campuchia được củng cố.
Với Trung Quốc, tổng thể khuôn khổ quan hệ láng giềng, đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện được tăng cường. Quan hệ với các nước ASEAN được phát triển và củng cố tốt đẹp trên mọi mặt.