Liên quan vụ Đồng Tâm: Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm lĩnh 16 năm tù

Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm vừa bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt tổng 16 năm tù vì hành vi tuyên truyền chống Nhà nước, hạ uy tín chính quyền liên quan đến vụ Đồng Tâm.
Sputnik
Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn quyết định áp dụng hình phạt bổ sung là quản chế các bị cáo một thời gian sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Trịnh Bá Phương 5 năm, Nguyễn Thị Tâm 3 năm.

Xét xử Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm

Ngày 15/12, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 2 bị cáo Trịnh Bá Phương (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1972) liên quan đến việc lợi dụng dư luận sau vụ án Đồng Tâm để chống phá chính quyền.
Cả Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm đều cùng trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.
Các bị cáo Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương bị Tòa Việt Nam xét xử về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Sau một ngày xét xử và nghị án, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt 2 bị cáo: Trịnh Bá Phương 10 năm tù và Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù về cùng tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Đặc biệt, ngoài hình phạt tù đã tuyên, Hội đồng xét xử còn tuyên phạt quản chế bị cáo Trịnh Bá Phương 5 năm. Riêng bà Nguyễn Thị Tâm bị quản chế 3 năm. Thời hạn sẽ tính từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Tâm trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử

“Đồng Tâm và Phạm Đoan Trang”

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, vào các ngày 9, 10, 11/1/2020, lực lượng quân đội thực hiện xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn và Công an thành phố Hà Nội thực hiện công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Lợi dụng mạng xã hội Facebook, Youtube, hai bị cáo Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thực hiện việc phát trực tiếp các video, đăng tải các bài viết, trạng thái, chia sẻ trên tài khoản cá nhân “Trịnh Bá Phương”, “Nguyễn Thị Tâm”, “Tâm Dương Nội”.
Cơ quan điều tra xác định, 2 bị cáo đã phát các nội dung liên quan đến sự việc ở xã Đồng Tâm. Trong đó, những thông tin và nội dung phát tán, chia sẻ này đã xuyên tạc, bịa đặt tình hình diễn ra tại Đồng Tâm, phỉ báng chính quyền nhân dân, kích động nhân dân chống đối chính quyền.
Những nội dung sai sự thật mà Tâm và Phương đăng tải còn chứa đựng sự thóa mạ nhằm mục đích hạ uy tín lực lượng chức năng, xúc phạm uy tín danh dự của người khác, gây hoang mang trong nhân dân, nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, các thông tin và nội dung phát tán của Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thu hút nhiều lượt người xem, tương tác, chia sẻ, bình luận có nội dung tiêu cực, phản đối chính quyền, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khẳng định, Trịnh Bá Phương còn có hành vi tàng trữ 1 tài liệu dạng sách gồm 278 trang, trong đó trang bìa có in các dòng chữ “Phạm Đoan Trang”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Luật Khoa tạp chí”.
Bị cáo Trịnh Bá Phương trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử
Qua giám định đã kết luận tài liệu này có nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
“Hành vi của các bị cáo gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đe dọa phá vỡ sự vững mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Hội đồng xét xử nêu rõ.
Hành vi của Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm đã gây ảnh hưởng đến uy tín và sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, chính trị của Nhà nước và từng địa phương.
Cùng với đó, HĐXX nhấn mạnh, các bị cáo nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nên cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên” để xử phạt các bị cáo hình phạt tù nghiêm khắc, nhằm cải tạo, giáo dục các bị cáo và có tác dụng đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Theo HĐXX, xuyên suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Tâm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Riêng bị cáo Trịnh Bá Phương không khai nhận hành vi phạm tội, không thành khẩn, chống đối.
Khởi tố Facebooker tuyên truyền chống phá Nhà nước
Do mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, ngoài hình phạt chính, căn cứ quy định tại các Điều 43 và Điều 122 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, HĐXX đã buộc phải quyết định áp dụng hình phạt bổ sung là quản chế các bị cáo một thời gian sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Trước đó, ngày hôm qua 14/12, như Sputnik đã thông tin, TAND TP. Hà Nội cũng đã tuyên phạt 9 năm tù đối với blogger, nhà báo dân chủ Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Tòa cũng xác định, hành vi của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
Bản thân bị cáo Phạm Thị Đoan Trang là người có trình độ nhận thức nhất định, bị cáo hiểu, biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn tích cực thực hiện trong một thời gian dài, đặc biệt đã phát ngôn với luận điệu “chiến tranh tâm lý”, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh để răn đe, giáo dục.
Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang được lực lượng chức năng dẫn giải về trại giam sau khi kết thúc Phiên tòa
Thảo luận