Trong những năm gần đây, các nhà chức trách CHND Trung Hoa đã tích cực thúc đẩy chiến lược thay thế nhập khẩu trong ngành bán dẫn, và các công ty Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi chiến lược này.
Trong dài hạn, việc đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho họ.
Chip xử lý hình ảnh MariSilicon X của nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc Oppo không phải là sự phát triển đầu tiên của công ty trong lĩnh vực chất bán dẫn. Trước đó, Oppo đã ra mắt phụ kiện sạc nhanh không dây cho một số điện thoại thông minh của hãng. Đối thủ cạnh tranh của Oppo tại thị trường Trung Quốc là Vivo cũng tự phát triển chip ISP (bộ xử lý tín hiệu hình ảnh). Cả hai công ty đang cố gắng đảm bảo sự ổn định của nguồn cung khi phải đối mặt với tình trạng thiếu chất bán dẫn, cũng như các lệnh trừng phạt có thể xảy ra, ví dụ như trong trường hợp với Huawei.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ: dù những tiến bộ công nghệ của các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc giúp cải thiện hình ảnh tổng thể và nền tảng công nghệ của họ, nhưng, vẫn không thể khắc phục sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Có thông tin rằng, MariSilicon X của Oppo sẽ dựa trên quy trình của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) của Đài Loan. Đây là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, vượt qua cả những gã khổng lồ như Samsung và Toshiba về sản lượng. TSMC giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cho ra đời những thế hệ chip mới nhất - công ty đang làm chủ việc sản xuất bộ vi xử lý theo công nghệ quy trình 4 nm, và năm 2023 hứa hẹn sẽ có chip 3 nm. Apple, Nvidia, AMD và thậm chí là đối thủ cạnh tranh trực tiếp - Intel - hướng tới hãng TSMC của Đài Loan để sản xuất những sản phẩm bán dẫn khác nhau. Nhân tiện, vi xử lý Baikal do Nga phát triển cũng do một nhà thầu Đài Loan sản xuất.
Bộ xử lý thần kinh MariSilicon X
© Ảnh : OPPO
Nhưng, ví dụ của Huawei cho thấy rằng, sự phụ thuộc vào TSMC tạo ra lỗ hổng khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì TSMC sử dụng các công nghệ của Mỹ trong sản xuất chip, nên Hoa Kỳ đã sử dụng chiến lược yêu thích của họ về quyền tài phán “bàn tay dài” và cảnh báo TSMC sẽ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp nếu tiếp tục sản xuất chip do HiSilicon (bộ phận R&D của Huawei) thiết kế. Nhà sản xuất Đài Loan chắc chắn không có bất kỳ ưu tiên chính trị nào. Hơn nữa, việc mất đi một khách hàng lớn như HiSilicon chắc chắn khiến doanh thu của TSMC giảm mạnh vì Huawei đã mang về doanh thu hơn 5 tỷ USD cho công ty Đài Loan. Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc đối mặt với các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ có thể xóa sổ toàn bộ hoạt động kinh doanh của TSMC. Do đó, nhà sản xuất Đài Loan đã đầu hàng trước áp lực từ Washington.
Đối với các công ty vi điện tử, điều quan trọng là sự đa dạng về nhà cung cấp. Trong trường hợp của Oppo, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng của TSMC trong chuỗi cung ứng tổng thể, chuyên gia Trung Quốc về công nghệ Internet Liu Xingliang nói với Sputnik.
Các nhà chức trách Trung Quốc từ lâu đã lo ngại về vấn đề phát triển các công nghệ chủ chốt của riêng họ để tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Lần đầu tiên ban lãnh đạo Trung Quốc đã nêu lên vấn đề này vào cuối những năm 1990. Họ đã nói rằng, Trung Quốc không chỉ cần thu hút đầu tư và công nghệ nước ngoài mà còn phải tích cực phát triển và quảng bá những thành tựu của mình ra thế giới bên ngoài. Sau đó, khái niệm này đã được phản ánh trong các kế hoạch phát triển cụ thể.
Kế hoạch “Made in China 2025”
Kế hoạch trung và dài hạn phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, kế hoạch “Made in China 2025”, cuối cùng là kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó tăng chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản hàng năm lên 7%, cũng như phát triển các công nghệ quan trọng trong lĩnh vực chất bán dẫn, tính toán lượng tử, vật liệu sinh học, v.v. - tất cả các quá trình này là do nhu cầu khách quan chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc trong điều kiện nước này đã thoát nghèo và đang tiến gần đến mức thu nhập trung bình cao. Cuộc đối đầu về công nghệ với Hoa Kỳ và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc cho thấy rõ rằng, Bắc Kinh đã lựa chọn đúng đắn con đường phát triển.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả phải trải qua một quá trình khá dài. Ngoài ra, có chú ý đến bản chất toàn cầu của chuỗi cung ứng hiện đại, không có một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được vấn đề này. Điều này đúng với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Do đó, thu mình như con nhộng với các quy trình công nghệ trong phạm vi một quốc gia là một quá trình phi tự nhiên, đi ngược lại với các xu hướng toàn cầu, chuyên gia Liu Xingliang giải thích.
Song, Trung Quốc cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh và tính độc lập về công nghệ của mình, chỉ vì nước này cần đảm bảo an ninh công nghệ của chính mình. Các hành động của Mỹ tạo ra tình huống khó khăn cho sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là về mặt thu hút đầu tư. Ngoài SenseTime, các công ty công nghệ khác chuyên phát triển chip, trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái dân dụng, cũng có thể bị đưa vào danh sách đen đầu tư của Mỹ. Nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp buộc phải đấu tranh để tồn tại sẽ tăng cường các biện pháp để đạt được độc lập về công nghệ. Và chính sách của nhà nước sẽ giúp họ trong việc này.
Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản sẽ đạt mức kỷ lục 8% tổng chi tiêu cho R&D trong 5 năm tới. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, cuối năm 2025, Chính phủ Trung Quốc sẽ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển R&D 580 tỷ USD.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.