Đó là nhận xét do chuyên gia Vu Kiến Ninh, Giám đốc Ủy ban Trung Quốc về Metaverse Industry trực thuộc Hiệp hội Liên lạc và Viễn thông Di động (MTCA) nêu ra với Sputnik.
Hôm thứ Hai, tờ báo tài chính Securities Daily của Trung Quốc đưa tin rằng trong ba tháng lại đây số lượng các công ty Trung Quốc đăng ký thương hiệu gắn với metaverse đã tăng hơn 10 lần.
«Hồi cuối tháng 9, tổng cộng có 130 công ty Trung Quốc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến metaverse. Thế mà tính đến ngày 19 tháng 12, số lượng các công ty như vậy đã lên tới 1.368», - ấn phẩm thông báo.
Cần lưu ý rằng tổng số đơn đăng ký có từ «metaverse» trong tiêu đề là 8.534 đơn, điều đó là bởi một công ty có quyền cùng lúc nộp nhiều đơn đăng ký thương hiệu. Cụ thể, công ty NetEase, một trong những nhà sản xuất trò chơi điện tử hàng đầu tại Trung Quốc, đã nộp 26 đơn đăng ký thương hiệu gắn với metaverse.
Vào trung tuần tháng 11, Hiệp hội Liên lạc và Viễn thông di động Trung Quốc công bố chính thức khai trương Ủy ban Công nghiệp Metaverse. Sự xuất hiện của loại hình tổ chức đó cho thấy Trung Quốc dự định nghiêm túc chăm lo phát triển hướng này ở cấp Nhà nước.
«Giờ đây các nước trên khắp thế giới đang tích cực tham gia tạo lập metaverse. Ngành công nghiệp này đã trở thành một sàn nền tảng mới của cuộc cạnh tranh công nghệ quốc tế, đồng thời là yếu tố quan trọng then chốt trong đà phát triển kinh tế kỹ thuật số. Vì vậy, điều rất quan trọng đối với chúng tôi là nghiên cứu tất cả các triển vọng và mô hình phát triển của khu vực này, hoạch định cơ sở chuẩn mực pháp lý và những điều kiện thuận lợi để nó phát triển hiệu quả và tiên tiến, giúp Trung Quốc chiếm vị trí có lợi nhất trong cuộc đấu này», - ông Vu Kiến Ninh nói khi trả lời câu hỏi về những điều kiện tiên quyết để thành lập Ủy ban kể trên.
Ông Vu cũng nói thêm rằng «metaverse không chỉ là một số dự án thương mại hoặc lý thuyết triết học, nó là thứ mà nếu thiếu thì không thể hình dung được sự chuyển biến tương lai của mạng Internet toàn cầu và nền kinh tế kỹ thuật số».
Metaverse là gì?
Theo lời Giám đốc Ủy ban chuyên trách Trung Quốc, metaverse tích hợp đồng thời tất cả những công nghệ hiện đại tiên tiến - lập trình đám mây, phân chia cơ sở dữ liệu, Internet Vạn vật, VR, AR, 5G, blockchain, trí tuệ nhân tạo v.v...
«Trong tương lai, các sáng chế và ứng dụng metaverse sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển và phổ biến nhanh chóng các công nghệ tiên tiến, đồng thời cũng sẽ trở thành vũ đài-đấu trường chính về quyền lực kỹ thuật số giữa các nước», - ông Vu Kiến Ninh tin chắc như vậy.
Tháng 7 năm nay, công ty Facebook công bố tuyển dụng nhóm phát triển metaverse, sẽ trở thành một bộ phận của Facebook Reality Labs, chuyên trách các dự án về thực tế ảo và tăng cường. Theo lời ông Andrew Bosworth đứng đầu Facebook Reality Labs, đặc tính khác biệt của metaverse sẽ trở thành hiện diện vật lý thực sự trong thế giới kỹ thuật số.
Như ông Vu Kiến Ninh lưu ý, việc tạo lập một không gian như vậy trong giai đoạn phát triển công nghệ Internet hiện nay là thực tế khả thi.
«Chẳng bao lâu nữa metaverse sẽ trở thành không gian kỹ thuật số, hàm chứa tất cả các thuộc tính thiết yếu của cuộc sống tương lai. Mỗi người đều sẽ có thể tìm thấy chính mình trong thế giới này và đạt tới những thành công mà họ không thể mong đợi do những hạn chế của cuộc sống thực», - ông Vu nói.
Thuật ngữ «metaverse» được nhà văn Neal Town Stephenson nghĩ ra từ năm 1992 và sử dụng trong cuốn tiểu thuyết «Snow Crash» («Tuyết lở») của ông.
Metaverse hiểu đơn giản là siêu vũ trụ ảo với các không gian vũ trụ ảo-thực cùng tồn tại, trong đó tiền tố «meta» có nghĩa là vượt lên, còn hậu tố «verse» viết tắt của từ Universe, nhắc nhở yếu tố mang tính vũ trụ. Các công ty CNTT sử dụng thuật ngữ này để mô tả một thế giới ảo được tạo nên từ Internet cơ bản và hỗ trợ các công cụ thực tế ảo VR (Virtual Reality) hay thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality), hoặc thậm chí là cả MR (Mixed Reality, kết hợp giữa VR và AR). Metaverse là sự pha trộn giữa thế giới hiện thực và thế giới ảo thông qua các công cụ AR, VR.., mạng Internet và công nghệ lõi.
Mặc dù xuất hiện khái niệm sơ khởi từ năm 1992 nhưng đến nay metaverse mới được chú trọng phát triển. Sở dĩ như vậy là bởi dưới tác động của đại dịch Covid-19, con người ước mơ được tập hợp và làm việc với nhau trong một thế giới ảo giống như thế giới thật.
Còn theo chia sẻ của nhà văn Neal Stephenson, ông không thể ngờ rằng chỉ sau vài thập kỷ, các công ty CNTT hàng đầu thế giới sẽ đua tranh với nhau để tạo ra loại hình không gian giả tưởng này.