Ăn thịt chó, mèo có phải là văn hóa Việt Nam?

Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (Four Paws) kêu gọi người dân Việt Nam ngừng ăn, tiêu thụ thịt chó mèo, cần phản đối nạn buôn bán thịt chó mèo, đồng thời, đề xuất Chính phủ chấm dựt nạn buôn bán chó mèo.
Sputnik
Theo cuộc khảo sát do Four Paws tiến hành năm 2021 cũng cho thấy, rất nhiều người Việt Nam tin rằng, ăn thịt chó mèo không phải là văn hóa Việt Nam, không thể hiện cho đặc tính của người Việt. Đa số người dân quốc gia này không chấp nhận nạn buôn bán thịt chó mèo “như một phần của Việt Nam”.

Kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán thịt chó mèo ở Việt Nam

Mới đây, Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws phát động một chiến dịch mang tên “This is not Vietnam” - “Đây không phải Việt Nam”.
Mục đích quan trọng nhất của chiến dịch chính là nhằm thể hiện sự phản đối của người Việt Nam đối với việc tiêu thụ, ăn thịt chó mèo, cũng như hành vi buôn bán chó, mèo để lấy thịt một cách tàn nhẫn và dã man.
Một phần trong chiến dịch đặc biệt này chính là mỗi người dân sẽ gửi một thông điệp ngắn tới Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam để bày tỏ thái độ mong muốn chấm dứt ngay tình trạng buôn bán thịt chó, mèo đang diễn ra tràn lan.
Hội An cam kết không tiêu thụ thịt chó mèo: Góp phần thay đổi hình ảnh Việt Nam
Phương thức để người dân có thể gửi thông điệp đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là thông qua website: thisisnotvietnam.org.
Như Sputnik trước đó đã thông tin, trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu năm 2021 của Four Paws trên khắp Việt Nam cho thấy, có tới 91% người tham gia khảo sát cho rằng nên cấm hoặc không khuyến khích việc buôn bán và 88% người dân ủng hộ lệnh cấm buôn bán thịt chó, mèo.
Đồng thời, 95% đối tượng được khảo sát khẳng định rằng “việc tiêu thụ thịt chó mèo không phải là một phần của văn hóa Việt Nam”.
Ngoài ra, hàng năm, ước tính có đến khoảng 10 triệu cá thể chó và mèo các loại bị bắt, vận chuyển và giết mổ để lấy thịt ở Việt Nam, Campuchia, Indonesia.
Con chó
Four Paws nhấn mạnh, phần lớn những cá thể chó mèo này là vật nuôi bị đánh cắp hoặc động vật đi lạc bị bắt trên đường phố để cung cấp cho các lò mổ rồi đổ ra thị trường buôn bán, tiêu thụ.
Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu ước tính, với quy mô lớn và sự tàn bạo ghi nhận như thời gian qua, nạn buôn bán này đã trở thành một trong những vấn đề phúc lợi vật nuôi nghiêm trọng nhất ở châu Á, nếu không muốn nói là toàn thế giới.

Hình ảnh Việt Nam không gắn liền với chuyện ăn thịt chó mèo

Theo TS Karan Kukreja, Giám đốc chiến dịch về Động vật đồng hành tại Đông Nam Á (Companion Animals) lưu ý, chiến dịch “This is not Vietnam” - “Đây không phải Việt Nam” diễn ra vào thời điểm quan trọng với một đất nước vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân ăn thịt chó, mèo.
“Nhận thức của người dân và hình ảnh một Việt Nam buôn bán thịt chó mèo đang thay đổi, và đây chính là cơ hội để chính phủ hành động ngay bây giờ”, TS. Karan Kukreja nói.
Giám đốc chiến dịch về Động vật đồng hành tại Đông Nam Á nhấn mạnh, một thế hệ công dân Việt Nam mới đang sát cánh cùng Companion Animals, Four Paws. Họ yêu cầu đoạn tuyệt với quá khứ và đảm bảo quyền lợi động vật phải là trọng tâm của quá trình chuyển đổi của Việt Nam.
Ăn thịt chó mèo bị đầu độc xyanua ở Việt Nam: Sướng miệng, hại thân
Theo ông Karan Kukreja, vẻ bề ngoài, quá trình này có vẻ chậm nhưng thực tế ở Việt Nam, thay đổi đang diễn ra nhanh hơn mọi người nghĩ. Mới đây, nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương và Four Paws, Hội An đã trở thành thành phố đầu tiên của cả nước quyết tâm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo (như chúng tôi đã đề cập hôm 10/12).
Hội An tin rằng, việc ký thỏa thuận nhằm cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại cũng sẽ giúp ngăn bệnh dịch bùng phát ở địa phương. Đồng thời, việc ký kết cam kết cùng tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws, Hội An trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam có thỏa thuận nhằm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo, tạo động lực cho các tỉnh, thành phố, địa phương khác. Đây là thỏa thuận hết sức nhân văn.
“Việc xây dựng Hội An thành thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại do tổ chức Four Paws hỗ trợ thực hiện là hoàn toàn phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch của Hội An”, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Hùng nói, khẳng định, đô thị cổ của Việt Nam luôn là điểm đến “nhân tình thuận hậu”.
TS. Karan Kukreja bày tỏ, hiện cơ quan chức năng liên quan sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Mục đích của Four Paws là kêu gọi ban hành, bổ sung và thực thi luật bảo vệ động vật nhằm chấm dứt nạn buôn bán tàn bạo này.
Ở Việt Nam tranh luận gay gắt về thịt chó đóng hộp
Chuyên gia nêu rõ, điều này sẽ không chỉ bảo vệ động vật mà cả con người khỏi các nguy cơ sức khỏe cộng đồng.
“Đại dịch Covid-19 là thực tế rõ ràng về sự nguy hiểm của việc buôn bán động vật sống để lấy thịt, bao gồm cả chó và mèo. Thông qua bảo vệ động vật, chúng ta còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Phòng ngừa cần được đặt lên hàng đầu”, ông Karan Kukreja nói.
Trong cuộc khảo sát riêng do Sputnik Việt Nam tiến hành, tính đến ngày 24/12, có hơn 22% thẳng thắn thừa nhận việc có sử dụng cả 2 loại thịt chó, mèo, nhưng có tới trên 66% người tham gia khẳng định “quyết tâm không ăn thịt chó mèo vì chúng là bạn của con người”.
Theo chuyên gia, hiện bản kiến ​​nghị của Four Paws đã được gửi đến Chính phủ Việt Nam, Campuchia và Indonesia yêu cầu hành động để chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo và nhận được hơn 1,4 triệu chữ ký, trong đó có gần 250.000 người Việt Nam.
Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu quyết tâm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó và mèo tàn ác ở Đông Nam Á thông qua sự hợp tác của Chính phủ, hỗ trợ các chương trình chăm sóc động vật hoang dã tại địa phương, tiến hành cứu hộ và đóng cửa lò mổ, đồng thời nâng cao nhận thức về rủi ro của nạn buôn bán này.
Thảo luận