Bộ GTVT tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022
Ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 theo hình thức trực tuyến đến các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Báo cáo của Bộ GVTV cho hay, trong năm 2021, Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19; triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất.
Về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT được phân bổ 304.104 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn, trong đó, năm 2021 là 43.401 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11/2021, Bộ đã giải ngân đạt 71,5% kế hoạch năm, dự kiến hết tháng 1/2022 đạt trên 95%, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo Bộ GTVT chủ trì Hội nghị.
© Ảnh : Hoàng Hiếu - TTXVN
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Chất lượng một só văn bản chưa được ổn định, lâu dài; công tác giải phóng mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm; còn thiếu nguồn cung ứng vật liệu tại một số dự án; tiến độ triển khai thi công một số dự án còn chậm so với kế hoạch yêu cầu; công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là kết cấu hạ tầng đường bộ đôi lúc còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ.
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều địa phương làm cho việc cung cấp nguồn vật liệu gặp khó khăn, nhất là các hàng hoá, vật liệu cần nhập khẩu; khó huy động nhân lực cho các công trình cũng như triển khai thi công do giãn cách xã hội. Ngoài ra, giá vật liệu nhiên liệu phục vụ thi công tăng cao, việc tiếp cận nguồn vật liệu đất đắp còn khó khăn, cơ chế giải ngân phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ chung của một số dự án đang triển khai.
Năm 2022, Bộ GVTV sẽ chỉ đạo, điều hành hoạt động vận tải ổn định, thông suốt, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ngành Giao thông cũng sẽ ưu tiên bố trí vốn, chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1; các dự án quan trọng, động lực tạo cơ sở sớm hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế –xã hội; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch yêu cầu, nhất là đối với các dự án trọng điểm.
Cùng với đó, Bộ GVTV phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao (dự kiến khoảng 50.000 tỷ đồng); tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10% trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2021.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khởi công 12 dự án cao tốc Bắc – Nam trong năm 2022
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ GTVT đã hoàn thành 2 nhiệm vụ rất quan trọng mà Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, gồm: Xây dựng đề án phát triển đường cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở chuẩn bị nguồn lực thực hiện. Cùng với đó, đề án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng được Bộ hoàn thiện.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
© Ảnh : Hoàng Hiếu - TTXVN
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết trong thời gian tới; bảo đảm cuối năm 2022, 12 dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc – Nam phải được khởi công, phấn đấu đưa vào khai thác năm 2024-2025.
Được biết, 12 dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 dự kiến đầu tư bằng ngân sách và sẽ được trình Quốc hội xem xét thời gian tới. Cùng với các tuyến cao tốc nhánh xương cá dài 800 km, đây là tiền đề hoàn thành mục tiêu đến 2025 hoàn thành tuyến cao tốc Bắc – Nam dài 2.063 km, đạt tổng số 3.000 km đường cao tốc trên toàn quốc.
“Gần 20 năm qua, ngành Giao thông mới hoàn thành được 1.200 km. Bốn năm tới phải hoàn thành 1.800 km, đây là thách thức lớn dù đã có nguồn lực”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Tại Hội nghị, ông Lê Văn Thành cũng ghi nhận nỗ lực của ngành giao thông năm qua khi triển khai 11 dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1. Công tác giải phóng mặt bằng 5.000 ha đã đạt 99%. Tiến độ thi công các dự án này hiện cơ bản đạt yêu cầu.
Các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng (thuộc Hà Tĩnh), Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh và Vạn Ninh – Cam Lộ (thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh (thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), Chí Thạnh – Vân Phong và Vân Phong – Nha Trang (thuộc Phú Yên, Khánh Hòa), Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau (chạy qua các tỉnh, thành Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau).
Đến nay, tuyến cao tốc Bắc – Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau đã được đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km (11 dự án), còn lại 729 km (chia làm 12 dự án).
Bên cạnh hạ tầng đường bộ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, Bộ GVTV cần chú trọng các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực hàng không như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; mở rộng sân bay Nội Bài; khởi công theo quy hoạch các Cảng hàng không Điện Biên, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết, Côn Đảo.
Với lĩnh vực hàng hải, cần xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư cùng Nhà nước làm tiếp cảng Trần Đề (Sóc Trăng), đầu tư khu bến Nam Đồ Sơn và cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) hiện hữu.
Đối với đường sắt, ngành GTVT cần tập trung vào 3 việc chính: Nghiên cứu đề xuất bổ sung các tuyến mới (TP.HCM – Cần Thơ – Cà Mau), tuyến kết nối biên giới Campuchia, Lào; bảo dưỡng hạ tầng hiện hữu và phối hợp cùng các bộ, ngành sớm trình đề án đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao.