Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9467/VPCP–QHQT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đối với đề nghị của Tổng công ty Hàng không Việt Nam về việc sớm cho phép mở lại khai thác chuyến bay thường lệ đi châu Âu, Úc.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, xem xét kỹ và chủ động quyết định việc nối lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ tới các địa bàn có hệ số an toàn cao.
Công văn của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, ngoài đảm bảo an toàn dịch bệnh, việc mở lại đường bay quốc tế phải tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh, hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải duy trì hoạt động dịch vụ và kinh doanh.
Chính phủ đề nghị khẩn trương khôi phục đường bay thương mại quốc tế
Theo chủ trương đã được thống nhất trong cuộc họp do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì vào ngày 10/12, kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế dự kiến thí điểm từ 1/1/2022.
Bước đầu, Chính phủ đồng ý khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, gồm: Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco, Los Angeles (Hoa Kỳ), Singapore.
Việc mở lại đường bay được thực hiện trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao thống nhất và công bố một phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với đi lại bằng đường hàng không, để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách, hoạt động của doanh nghiệp hàng không cũng như công tác theo dõi y tế, kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.
Cũng liên quan đến việc mở lại đường bay quốc tế, ngày 24/12, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bảo gửi Bộ GTVT về việc triển khai kế hoạch mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Theo đánh giá, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn, ước tính hơn 140.000 người nên các chuyến bay thương mại thường lệ chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của hành khách.
Cục Hàng không nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì các chuyến bay đưa công dân về cơ sở cách ly quân đội (còn gọi là giải cứu) và các chuyến bay đưa công dân về tự chi trả phí cách ly (còn gọi là combo). Đồng tình, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đều cho rằng, cần bổ sung thêm tần suất đối với một số thị trường có dung lượng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để hành khách có thêm cơ hội lựa chọn các mức giá hợp lý hơn.
Người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 phải cách ly tại nhà 3 ngày
Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn liên quan đến việc cách ly với người nhập cảnh bằng đường hàng không vào cuối tuần trước, cũng như hướng dẫn thống nhất áp dụng mẫu “hộ chiếu vắc-xin”.
Cụ thể, người nhập cảnh Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ (trừ trẻ em dưới 2 tuổi), khai báo y tế, cài đặt ứng dụng PC-Covid để theo dõi sức khỏe.
Trường hợp người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc là F0 đã khỏi bệnh sẽ cần tự theo dõi sức khỏe 3 ngày tại nơi lưu trú và tiến hành xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 3 sau khi nhập cảnh; nếu kết quả âm tính thì tự theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày. Riêng các trường hợp nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin, những người này được yêu cầu tự cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày; xét nghiệm PCR 2 lần vào ngày thứ 3 và thứ 7.