Bị cáo Nguyễn Đức Chung cho rằng, lời khai của cấp dưới trong vụ giúp Nhật Cường trúng thầu là “bịa đặt”, đồng thời, không có chuyện, vợ làm chồng chịu.
Bộ Công an nói gì về chiếc iPad mà ông Chung quên mật khẩu?
Sáng nay 30/12, TAND TP. Hà Nội tiếp tục phiên xét xử cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ án can thiệp giúp Công ty Nhật Cường của Bùi Quang Huy trúng gói thầu số hóa năm 2016.
Bước vào phần tranh luận, Hội đồng xét xử (HĐXX) đề cập đến chiếc iPad mà bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội từng sử dụng khi còn công tác, được gia đình và luật sư của ông Chung giao nộp, xuất trình vào phiên xử ngày 29/12.
Theo chủ tọa Vũ Quang Huy thông tin sáng nay rằng, sau khi tiếp nhận chiếc iPad nói trên, TAND Hà Nội đã chuyển cho phía Viện Kiểm sát để xử lý theo trình tự tố tụng hình sự.
Đại diện Viện Kiểm sát sau đó phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an tiến hành xem xét chiếc iPad với sự chứng kiến của bị cáo Nguyễn Đức Chung và luật sư.
Chủ tọa Vũ Quang Huy nhấn mạnh, quá trình giải quyết, bị cáo Chung nói không nhớ mật khẩu mở iPad, sẽ cố gắng nhớ lại để cung cấp sau.
Tuy nhiên, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho hay theo chính sách bảo mật của Google, chỉ xem xét được lịch sử truy cập trong 28 ngày, kể cả truy cập bằng iPad hay đăng nhập email ‘Chunghinhsu’ (địa chỉ thư điện tử mà Bùi Quang Huy gửi thư, tin nhắn trao đổi cho ông Chung năm 2016) – do đó, sẽ không thể xác minh được lịch sử đăng nhập trên email ‘Chunghinhsu’ của cựu Chủ tịch Chung.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng khẳng định, việc truy cập email không nhất thiết phải sử dụng iPad mà có thể sử dụng các thiết bị khác như máy tính, điện thoại.
“Do vậy, trường hợp có mật khẩu chiếc iPad cũng không có căn cứ chứng minh việc bị cáo Chung đã đọc email hay chưa”, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an thông tin.
Như Sputnik thông tin, trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hôm 27/12, gia đình cựu Chủ tịch Hà Nội đã bất ngờ xin giao nộp “vật chứng quan trọng” là chiếc iPad chứa email ‘Chunghinhsu’.
Ông Nguyễn Văn Tú, một trong bốn luật bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung cho biết, muốn nộp chiếc iPad vì là vật chứng quan trọng liên quan vụ án (nhưng lực lượng an ninh chưa cho phép đem vào tòa), đồng thời đề nghị HĐXX làm rõ tình tiết bị cáo Chung đã đọc các thư điện tử mà Bùi Quang Huy gửi đến email chunghinhsu@gmail.com hay chưa?
Theo ông Tú, nếu làm rõ được chiếc iPad mà bị cáo Nguyễn Đức Chung dùng trong quá trình công tác sẽ có thể xác định thêm những nội dung khác liên quan đến vụ án, hành vi phạm tội của ông Chung. Được biết, ông Chung dùng chiếc iPad này từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2018, sau đó có tiếp tục sử dụng cái khác nữa.
Bản thân cựu Chủ tịch Hà Nội cũng mong HĐXX xem xét tiếp nhận chiếc iPad và trưng cầu cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cũng như bộ phận kỹ thuật liên quan (Cục Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an) để xem dữ liệu lưu trữ trong ổ cứng chiếc iPad, qua đó xác minh mốc thời gian, lịch sử cụ thể việc mở, dùng iPad.
Trước đó, theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ tháng 5 đến tháng 7-2016, Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, đang bị truy nã) có gửi hai thư điện tử cho ông Chung vào địa chỉ email chunghinhsu@gmail.com, đề xuất dừng các gói thầu số hóa trên địa bàn Hà Nội.
Từ chính các đề xuất của Bùi Quang Huy mà ông Chung nhiều lần gọi điện thoại cho giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ yêu cầu thực hiện dừng thầu trái quy định. Tuy vậy, khai tại tòa, ông Nguyễn Đức Chung một mực khăng khăng rằng chưa đọc nội dung các thư của Bùi Quang Huy nên không có chuyện nghe lời ông chủ Nhật Cường mà cho dừng gói thầu hay ưu tiên chỉ định thầu trái quy định.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, do thời gian đã lâu không sử dụng, các ký tự lại dài nên tạm thời ông chưa thể nhớ ra mật khẩu. Ông đề nghị HĐXX cứ niêm phong, ông sẽ cố gắng nhớ lại để khi cơ quan tố tụng yêu cầu mở thì có thể hỗ trợ giám định.
Phía VKS đánh giá, việc xuất trình vật chứng liên quan đến vụ án là hoàn toàn đúng quy định tố tụng hình sự. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bảo mật, kiểm sát viên đề nghị ông Chung viết mật khẩu ra giấy, không nói công khai tại tòa.
Tranh luận gay gắt tại phiên xử ông Nguyễn Đức Chung
Tại phiên xử ngày 29/12, các cấp dưới của ông Chung tiếp tục khẳng định, chỉ làm theo chỉ đạo của cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Bị cáo guyễn Văn Tứ cho rằng, ông Chung đã gọi điện cho mình hai lần nói về việc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội mở gói thầu số hoá chưa đúng và lần điện thoại thứ ba thì yêu cầu bị cáo dừng mở gói thầu.
Đến khi dừng mở gói thầu số hoá, bị cáo Chung chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội phải lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố.
Ông Chung (theo lời bị cáo Tứ) cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trao đổi, làm việc với Công ty Nhật Cường để thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, trước khi tiếp tục thực hiện gói thầu số hóa năm 2016. Hai bên đều đã gặp nhau, thậm chí có nhận quà biếu tặng.
Cựu lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi Công ty Nhật Cường giới thiệu công nghệ số hoá đã nêu đúng ý tưởng của bị cáo Chung đã đưa ra. Trên cơ sở đó, bị cáo Chung đã ký văn bản đồng ý cho Công ty Nhật Cường thực hiện gói thầu số hoá năm 2016.
“Gói thầu số hoá năm 2016 ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội thuộc thẩm quyền của Sở, chứ không phải thẩm quyền của UBND TP Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Tứ gay gắt và cho rằng, việc ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, thẩm quyền gói thầu số hoá thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội là không đúng.
Đáng chú ý, cấp dưới của ông Chung cũng khẳng định, đây là việc làm ngoài ý chí “vì bị áp lực từ cấp trên nên phải thực hiện”.
“Và không riêng tôi, các cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội là bị cáo trong vụ án này khi thực hiện cũng bị áp lực như tôi”, ông Tứ bày tỏ.
Trong phần đối chất, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định lời khai của Nguyễn Văn Tứ là “bịa đặt”.
Ông Chung cũng phủ nhận đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư dừng gói thầu số hóa để Công ty Nhật Cường thí điểm công nghệ mới.
“Bút phê vào báo cáo (ngày 4/8/2016) là dựa trên cơ sở đề xuất do bị cáo Nguyễn Văn Tứ ký”, cựu Chủ tịch Hà Nội nói.
Cũng theo ông Chung, trong các cuộc họp có giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông thủ đô rà soát lại các dự án về công nghệ thông tin nói chung, trong đó có dự án số hoá nói riêng và cho tạm dừng, đồng thời báo cáo UBND TP Hà Nội.
Tuy vậy, sau này bị cáo Chung thấy Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vẫn cho triển khai gói thầu số hoá năm 2016 nên đã gọi điện cho Nguyễn Văn Tứ hỏi rõ việc, tại sao không thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Chung là cho các dự án tạm dừng, mà vẫn cho triển khai.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho ông Chung cũng nêu rõ, việc cựu Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ đình chỉ gói thầu số hóa tài liệu, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016 là “đúng thẩm quyền”.
Luật sư Thiệp dẫn quy định tại Điều 22, khoản 1 - Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền “Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh”, mà theo quy định tại Điều 1, khoản 2 của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ, thì các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh gồm có sở và cơ quan ngang sở.
Ông Chung cũng bác bỏ lời khai của bị cáo Tứ và nhấn mạnh, toàn bộ hồ sơ mở thầu đều có trong hồ sơ vụ án, chỉ cần trưng cầu giám định là ra việc đình chỉ gói thầu có đúng trình tự hay không.
Tại phiên đối chất, luật sư Thiệp cho rằng, nếu xét về 3 dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì hành vi của bị cáo Chung không đủ dấu hiệu cấu thành tội danh trên.
“Không có tài liệu nào thể hiện bị cáo Chung vụ lợi, cũng không có tài liệu, dấu hiệu nào xác định bị cáo Chung thân thiết với bị can Bùi Quang Huy để Huy có thể tác động đến bị cáo Chung như thế nào”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói.
Về công ty của vợ và quan hệ với Bùi Quang Huy
Khai về quan hệ với Bùi Quang Huy tại tòa, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận biết ông Bùi Quang Huy chơi với một số nhân vật quan trọng (VIP) nên dịp Tết năm 2019, có nhờ ông chủ Nhật Cường chuyển quà tết cho một số người.
Ông Chung khẳng định, dịp Tết năm nào cũng có quà Tết cho những người mà ông quen biết nên nhờ Huy nhân tiện đi thì cho gửi biếu họ mỗi người 1 chai rượu và hộp oliu.
“Tôi nhớ có khoảng chục người là những người tôi biết và chơi với anh Huy nên nhờ gửi đưa”, bị cáo Chung khai.
Về cáo buộc Công ty Minh Hoa (do vợ của ông Chung – bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa làm giám đốc) ký hợp đồng “khống” với công ty Nhật Cường để Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh đưa vào hồ sơ năng lực tham gia đấu thầu, trúng thầu, cựu Chủ tịch Hà Nội khẳng định, nếu vợ mình làm sai, thì phải tự chịu trách nhiệm, không thể có chuyện vợ làm, chồng chịu.
Ông Chung cho biết, mãi đến khi báo chí đăng tin liên quan đến Công ty Minh Hoa thì mới hỏi vợ, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa khi đó cho biết từ cuối năm 2015 ông Bùi Quang Huy có làm cho công ty của bà một phần mềm bán hàng.
Ông Chung cho rằng, lúc đó, vợ mình mới biết Bùi Quang Huy dùng hợp đồng đó để cho vào hồ sơ gói dự thầu.
Cựu Chủ tịch Hà Nội cũng nhấn mạnh, vợ ông là cá nhân hoạt động kinh doanh độc lập nên nếu bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa vi phạm pháp luật như cơ quan điều tra nêu, khi bắt được Bùi Quang Huy, ông chủ Nhật Cường khai ra, cơ quan điều tra cứ làm rõ động cơ, mục đích, vợ ông sẽ phải chịu trách nhiệm.
“Không thể nào vợ làm, chồng chịu. Tôi chưa thấy ai quy kết kiểu vợ làm, chồng chịu như thế này”, ông Nguyễn Đức Chung bức xúc.
Trước đó, dư luận Việt Nam xôn xao về việc cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được áp giải đến tòa bằng ô tô 7 chỗ (Sputnik đã thông tin). Phản hồi của Bộ Công an liên quan đến vấn đề này cho thấy, không có ‘đặc quyền’ hay ‘ưu tiên gì’ đối với ông Chung.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an nêu rõ, bị cáo Nguyễn Đức Chung được áp giải bằng xe công vụ, đây là loại xe chuyên dụng để áp giải bị can chứ không phải là xe cá nhân.
“Việc áp giải bằng xe công vụ như trên là đúng quy định pháp luật”, tướng Xô nêu rõ và cho hay, điều này nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn cho bị cáo Nguyễn Đức Chung.