Quan chức này nói về sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus do các chủng Delta và Omicron gây ra, gia tăng số người nhập viện và tử vong. Người đứng đầu WHO đặc biệt lưu ý đến khả năng lây nhiễm mạnh mẽ của biến thể Omicron.
"Điều này có thể dẫn đến một cơn sóng thần các ca lây nhiễm, khiến cho áp lực đối với các hệ thống y tế trên toàn thế giới gia tăng một cách đáng kể", - trang web của tổ chức này dẫn lời ông Ghebreyesus cho biết.
Ông kêu gọi xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe để đánh bại đại dịch, chỉ ra rằng nếu không thì vẫn có thể xuất hiện những biến virus mới có khả năng vượt qua được các biện pháp chống dịch.
Ông cũng lên tiếng phản đối việc tiêm mũi vắc xin tăng cường ở các nước giàu. Theo ông, điều này dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc cho các nước nghèo.
Chủng mới B.1.1.529 được phát hiện ở Botswana và Nam Phi vào tháng 11. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp biến thể này vào diện "đáng lo ngại" và đặt tên cho nó là Omicron. Các chuyên gia cho rằng những người trước kia từng mắc virus đã khỏi và những người đã tiêm vắc xin vẫn có thể nhiễm bệnh với các triệu chứng từ mệt mỏi đến đau đầu và đau nhức cơ thể.
Tổng cộng trên thế giới đã ghi nhận khoảng 282 triệu trường hợp nhiễm coronavirus, hơn 5,4 triệu bệnh nhân tử vong. Tình hình diễn biến phức tạp nhất hiện nay là ở Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Anh.
Vắc xin vẫn là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất chống lại coronavirus.